Bóng đá trẻ xứ Nghệ: 3 năm nhìn lại

28/03/2017 17:18

(Baonghean.vn) - Thêm một lần nữa, một đội trẻ của SLNA bị loại ngay từ vòng bảng tại một vòng chung kết. Những thất bại liên tiếp đang phản ánh thực tế đáng báo động cho bóng đá xứ Nghệ.

Năm 2014 là thời điểm gần nhất người hâm mộ xứ Nghệ được tận hưởng cảm giác tự hào khi U13 và U21 nâng cao chiếc Cup vô địch. Ba năm sau, lứa cầu thủ vô địch giải U21 giờ đang là niềm hy vọng của đội 1 SLNA tại đấu trường V.League. Và họ cũng chưa thể hiện được gì nhiều...

Một chức vô địch không chỉ là lời khẳng định cho sự thành công, mà còn là dấu hiệu khởi sắc bắt nguồn từ một thế hệ cầu thủ tài năng. Lứa cầu thủ U13 được chăm bẵm ngày nào giờ đang cùng HLV Ngô Quang Trường chuẩn bị cho vòng loại U15 QG, mọi thứ vẫn cần thời gian.

U19 SLNA thất bại tại VCK U19 QG 2017 vì không thắng nổi Hà Nội tại vòng bảng trong trận quyết định tấm vé sớm vào chơi trận bán kết. Ảnh: Trung Kiên
U19 SLNA (áo vàng) thất bại tại VCK U19 QG 2017 vì không thắng nổi Hà Nội tại vòng bảng trong trận quyết định tấm vé sớm vào chơi trận bán kết. Ảnh: Trung Kiên

Nòng cốt U19 SLNA năm nay bao gồm 3 lứa cầu thủ sinh năm 1999, 2000 và 2001. Không ít trong số đó nằm trong đội hình U17 từng sẩy chân và dừng bước ngay từ vòng bảng U17 QG năm vừa qua, như: Đặng Văn Lắm, Thái Bảo Trung, Dương Văn Cường, Trần Tiến Anh. Các đội U15 và U17 SLNA có thành tích nghèo nàn từ năm 2013 đến nay là một tín hiệu không mấy lạc quan, khi U19 SLNA đang cúi mặt nhìn Viettel, Hà Nội hay PVF đi tiếp.

Nhân tài của bóng đá xứ Nghệ không bao giờ thiếu ở các vùng quê Hưng Nguyên, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn hay TP Vinh, nhưng những lứa cầu thủ nói trên so với thế hệ cầu thủ U19 SLNA từng làm mưa làm gió và vô địch lần gần nhất năm 2006 như Hồng Việt, Trọng Hoàng, Văn Hoàn, Văn Bình, Đình Hiệp... khoảng cách vẫn là quá xa.

Xót xa hơn, khi năm 2015, U17 SLNA dừng bước tại bán kết vì chính “người nhà”. Năm đó, U17 Viettel với một nửa là đội hình cầu thủ Nghệ An gieo sầu cho đội bóng quê hương. Trong đó, Văn Trung - một cầu thủ Nghệ An là người ấn định tỷ số 3 - 0 cho Viettel.

Điều này một lần nữa lặp lại, khi tiền đạo Trần Văn Công của U19 Hà Nội, cầu thủ gia nhập lò SLNA cùng với Ngọc Ánh - Văn Việt đối địch nhau tại vòng bảng và chính cầu thủ gốc Nghệ này là người ghi bàn vào lưới U19 SLNA ở lượt trận thứ 2 mang tính chất quyết định cho tấm vé sớm vào bán kết.

Những viên ngọc quý được SLNA phát hiện hay chưa kịp phát hiện, họ đã cập bến các lò đào tạo có chất lượng khá tốt hơn như Viettel, Hà Nội T&T, PVF hay HAGL. Không chỉ vì chế độ đãi ngộ, môi trường phát triển tốt hơn mà còn đến từ niềm tin của các bậc phụ huynh.

Có một thực tế mà nội bộ đội bóng xứ Nghệ nhận thấy rõ, là trong khoảng thời gian từ năm 2004 - 2009, khi ông Nguyễn Hồng Thanh - Tổng Giám đốc Cty CP SLNA rời SLNA ra thủ đô làm việc cho Hà Nội ACB, công tác đào tạo trẻ của đội bóng chững lại và đi xuống một cách rõ rệt. Công tác đầu vào cũng như việc rèn dũa các viên ngọc thô không còn được chú trọng như trước.

Và bây giờ, chất lượng tuyến trẻ bị hổng nhiều năm đang khiến SLNA thất thế ở các VCK quốc gia. Cho đến khi người được mệnh danh “Khổng Minh xứ Nghệ” trở về, mọi trật tự được lặp lại. Công tác đầu vào cũng nghiêm ngặt hơn, SLNA bắt đầu mở các lớp đào tạo nghiệp dư ở các huyện, đồng thời đào tạo các HLV nghiệp dư để xây dựng lại các “chân rết” ở địa phương.

Đội 1 SLNA năm 2017 không có sự xuất hiện của bất kỳ nhân tố mới nào từ đội trẻ vì chất lượng đào tạo không đáp ứng được yêu cầu. Ảnh: Trung Kiên
Đội 1 SLNA năm 2017 không có sự xuất hiện của bất kỳ nhân tố mới nào từ đội trẻ vì chất lượng đào tạo không đáp ứng được yêu cầu. Ảnh: Trung Kiên

Cũng có một nguyên nhân khác cho sự yếu kém của các tuyến trẻ SLNA là chưa nhận thấy được tầm quan trọng trong việc xây dựng được bản sắc, lối chơi trên sân như Hà Nội. Hay nói đúng hơn, là SLNA chưa có một giám đốc kỹ thuật phụ trách chuyên môn chung. Giúp các đội U và đội 1 hình thành một hệ thống, một phong cách chơi bóng nhất quán giống như các CLB Nhật Bản đang áp dụng.

Còn ở SLNA, điều này còn phụ thuộc quá nhiều vào năng lực và phong cách riêng của từng huấn luyện viên. Đó là lý do khiến các cầu thủ trẻ gặp nhiều khó khăn hơn khi được đôn lên, tập luyện và thi đấu dưới sự dìu dắt của một HLV mới.

Chu kỳ thành công của bóng đá trẻ xứ Nghệ đang ở giai đoạn quá độ, cùng với nỗ lực của tỉnh nhà và lãnh đạo SLNA, những HLV trẻ có chuyên môn tốt như Huy Hoàng (U11) và Ngô Quang Trường (U15) đang nhen nhóm lên niềm hy vọng mới.

Tuy nhiên, SLNA vẫn đang lãng phí nguồn tài nguyên dồi dào của mình. Trong đó có cả những người thầy có thâm niêm 16 năm tâm huyết với công tác đào tạo trẻ từ SLNA - Hà Nội và lần gần nhất là Viettel như HLV Nguyễn Thành Công.

Mọi nỗ lực chưa bao giờ là muộn màng, một lứa cầu thủ U13 hay U15 vô địch là niềm hy vọng cho U15, U17 những năm sau đó.

Còn thất bại này của U19 SLNA là một tín hiệu cho những thất bại tiếp theo của bóng đá trẻ xứ Nghệ mà gần nhất là giải U21 QG sang năm... Nếu chất lượng các đội U19 và U21 không tốt, không nên kỳ vọng nhiều vào SLNA tại giải VĐQG.

Hoài Hoan

TIN LIÊN QUAN