Chưa ra trường, hai cô gái đã chắc chắn có lương khởi điểm 2.000 đô

17/04/2017 12:12

Suy nghĩ của hai cô gái về mức lương khởi điểm 45 triệu đồng/tháng trái ngược với tưởng tượng của nhiều người.

“Em phải học thế nào để có mức lương khởi điểm 2.000 đô/tháng”, vì câu hỏi này mà một nữ sinh của Trường Học viện Kỹ thuật mật mã (Hà Nội) từng bị “ném đá” suốt thời gian dài (thời điểm tháng 12/2016).

Đa phần đều cho rằng, với một sinh viên "chân ướt chân ráo" rời khỏi ghế đại học, kiến thức chưa vững, kinh nghiệm chưa có thì đó là mức lương không tưởng.

Thế nhưng, giữa lúc người ta mải tranh cãi về độ khả thi của con số 2.000 đô, có hai nữ sinh đã nắm chắc trong tay mức lương này dù… chưa tốt nghiệp cử nhân.

“Lương khởi điểm 2.000 đô/tháng ở trong tầm tay”

Khi nói về mức lương khởi điểm nghìn đô, Đỗ Thị Phương (Sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Hà Nội) vẫn đang trong thời gian làm khóa luận tốt nghiệp. Tức là, dù chưa ra trường, cô nàng đã có một công việc tốt với mức lương mơ ước.

Đỗ Thị Phương - cô gái nhận được mức lương khởi điểm 2000 đô/tháng.
Đỗ Thị Phương - cô gái nhận được mức lương khởi điểm 2000 đô/tháng.

Tháng 1/2017, theo thông tin tuyển dụng trường gợi ý, Phương nộp hồ sơ vào một công ty Hóa dược của Nhật và tham gia phỏng vấn. Cô tự tin đối mặt với hàng loạt câu hỏi của nhà tuyển dụng từ kiến thức chuyên môn đến kỹ năng sống…

Và một tháng sau đó, Phương nhận được thông báo trúng tuyển của công ty Nhật với lời lẽ trân trọng nhất, kèm theo đó là đề xuất mức lương trên 2.000 đô/tháng cùng hàng loạt ưu đãi khác.

“Tại đó, mình sẽ tham gia làm nghiên cứu, thử việc linh động trong vòng ba tháng, nếu làm tốt sẽ được ký hợp đồng chính thức. Họ còn hứa, sẽ cân nhắc về việc hỗ trợ mình học lên cao học”, Phương vui vẻ chia sẻ.

Đặc biệt, dòng thông báo trúng tuyển kia chỉ khiến cô gái nhỏ nhắn vui chứ không hề bất ngờ bởi, với Phương, mức lương 2.000 đô chưa bao giờ là thứ ngoài tầm với.

Cô gái 22 tuổi rất tự tin vào những thành quả mình đạt được trong quãng đời sinh viên. Suốt 4 năm học đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc, nhiều kỳ học liền giành học bổng của trường, điểm tích lũy hiện tại là 3,72… những thành tích đó khiến hồ sơ của Phương trở nên nổi bật.

Khi biết một nữ sinh bị “ném đá” chỉ vì câu hỏi học thế nào để có lương khởi điểm 2.000 đô, Đỗ Phương tỏ ra bất ngờ. Cô nàng cho rằng, kinh nghiệm có được không tính bằng số năm ra trường mà nó được tích lũy từ khi bước vào đại học.

“Hơn nữa theo mình, mọi người không nên nhìn vào mức lương này đánh giá. So với môi trường làm việc ở Việt Nam, đây là mức lương cao nhưng thực chất ở Nhật, đây cũng chỉ là mức lương trung bình của sinh viên mới ra trường. Điều khiến mình vui hơn cả là vừa tốt nghiệp đã được cọ sát ở một công ty tốt. Vậy thôi”, Phương khiêm tốn.

Phương khẳng định, mình không phải là người học “cố sống cố chết” mà chỉ học bằng sự nghiêm túc. Cô tích lũy kiến thức chuyên môn từng ngày, từ thắc mắc nhỏ nhất cũng tìm đến giáo viên để được giải đáp.

Cô nàng còn rất nhanh nhạy trong việc cập nhật thông tin tuyển dụng, cố gắng nắm bắt mọi cơ hội để khi ra trường không bị… bơ vơ.

“Khi phỏng vấn, mình luôn xác định thế này: có bao nhiêu thành tích thì ghi vào hết hồ sơ rồi, nhà tuyển dụng cũng thấy hết rồi, đây là lúc cần thành thật. Khi họ hỏi mình có thích vị trí kỹ sư hóa học không, mình thẳng thắn nói là không được học sâu về lĩnh vực đó nên không nghĩ sẽ làm được. Có lẽ, sự thành thật ấy đã gây ấn tượng với họ”, Phương chia sẻ.

“Mình không phải là sinh viên chăm chỉ”

Nữ sinh thứ hai vượt qua 31 ứng viên (tại miền Bắc, trong đó có cả thạc sỹ, tiến sỹ) lọt vào “mắt xanh” của nhà tuyển dụng Nhật là Nguyễn Thị Quý (sinh viên năm cuối lớp Tiên Tiến Hóa, ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội).

Theo Quý, ngoài kiến thức chuyên môn, kỹ năng sống là thứ sinh viên phải chịu khó rèn giũa.
Theo Quý, ngoài kiến thức chuyên môn, kỹ năng sống là thứ sinh viên phải chịu khó rèn giũa.

Trong cuộc phỏng vấn, Quý nói chuyện với nhà tuyển dụng hoàn toàn bằng tiếng Anh và chính khả năng ngoại ngữ của cô đã gây ấn tượng với họ.

Tuy nhiên, Quý cho rằng, yếu tố chìa khóa giúp cô có được công việc với mức lương khởi điểm 2.000 đô là sự chỉn chu, nghiêm túc.

“Mình làm hồ sơ rất cẩn thận và đến phỏng vấn đúng giờ. Họ hẹn phỏng vấn vào lúc 11 giờ trưa nhưng mình đến từ 8 giờ sáng bởi, biết đâu họ cần trao đổi việc gì đó trước. Đúng là thế thật, họ cần sắp xếp một vài việc trước khi cuộc phỏng vấn diễn ra và chỉ có mình, Phương cùng một bạn nữa đến kịp”, Quý chia sẻ.

Đối mặt với nhà tuyển dụng, Quý cũng thành thật trong từng câu trả lời. Khi được đặt câu hỏi ngược trở lại, cô nhân cơ hội thể hiện sự quan tâm đến công ty, cũng để hiểu rõ hơn môi trường mình sẽ làm việc nếu trúng tuyển.

Quý thành thật chia sẻ, bản thân không phải là một “con ong chăm chỉ”. Những năm tháng đại học của cô không hào quang, rực rỡ như thời phổ thông, thậm chí còn chậm chạp và lười biếng.

Thế nhưng, cô biết cách vực dậy bản thân và biết mình cần học những gì trước khi quá muộn.

“Mình không chăm chỉ nhưng có trách nhiệm với từng môn học, không để hổng kiến thức môn nào. Mình thích học hỏi, thực hành các đề tài nghiên cứu và từng xin thực hành ở viện Hàn Lâm. Mình biết tiếng Anh rất cần thiết cho tương lai nên luôn chú ý rèn giũa nó”, Quý nói.

Theo cô nàng, mỗi sinh viên sau khi ra trường để được làm công việc yêu thích với mức lương mơ ước thì phải xác định rõ đam mê và sớm theo đuổi đó. Phải chịu khó học tập và chủ động tìm kiếm cơ hội cho bản thân.

“Khi cơ hội đến, hãy biết nắm lấy và thể hiện cho thật tốt. Đó là điều xương máu nhất mình rút ra được qua đợt tuyển dụng này”, Quý chia sẻ.

Theo Danviet.vn

TIN LIÊN QUAN