Thị trường đồ chơi trẻ em: Đa dạng nhưng khó kiểm soát

31/05/2017 14:28

(Baonghean.vn) - Thị trường đồ chơi trẻ em năm nay nhìn chung đa dạng về mẫu mã nhưng phần lớn có xuất xứ từ Trung Quốc và vẫn còn nhiều đồ chơi bạo lực, không có nguồn gốc rõ ràng.

Sôi động thị trường đồ chơi cho trẻ

Dạo quanh các khu phố có nhiều cửa hàng bán đồ chơi ở thành phố Vinh như Nguyễn Văn Cừ, Đinh Công Tráng, Lê Hồng Phong, Trần Phú... không khó để nhận thấy không khí ngày quốc tế thiếu nhi ngập tràn trên các con đường với nhiều mặt hàng đồ chơi trẻ em phong phú. Các cửa hàng đều bày biện, bố trí sản phẩm ở những nơi bắt mắt, dễ quan sát để thu hút phụ huynh và các em nhỏ đi đường.

Chị Phạm Thị Nga, chủ cửa hàng đồ chơi trẻ em trên đường Đinh Công Tráng cho biết: "Ngày Quốc tế thiếu nhi và Tết Trung thu là hai đợt cao điểm nhất trong năm của thị trường đồ chơi cho trẻ. Vào dịp này, mỗi ngày cửa hàng chúng tôi đón tiếp hơn 100 khách hàng, tăng gấp đôi so với ngày thường. Gía thành các sản phẩm năm nay nhìn chung không tăng so với các năm. Các bộ đồ chơi lắp ráp, mô hình xe, nhân vật hoạt hình quen thuộc có giá từ 50.000 - 200.000 đồng/sản phẩm. Những mặt hàng cao cấp khác có giá cao hơn nhưng không quá 2 triệu đồng".

Thị trường đồ chơi. Ảnh: Quang An
Mặt hàng đồ chơi trẻ em thu hút các cháu và phụ huynh trong dịp Quốc tế thiếu nhi . Ảnh: Quang An

Với tiêu chí chọn các món đồ chơi có thể vừa giải trí, vừa học hỏi của trẻ, các bậc phụ huynh thường tìm đến những món đồ chơi thông minh như xếp hình, ghép chữ, bộ đất nặn... với giá dao động từ 30.000 - 200.000 đồng.

Những năm gần đây, người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên hàng Việt Nam bởi lo lắng các chất độc hại có trong đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ. Anh Phạm Quốc Hùng, một khách hàng ở phường Hà Huy Tập cho biết: Hàng Việt Nam sản xuất giá thành cao hơn nhưng an toàn cho con trẻ. Tuy nhiên, trên thị trường vẫn có nhiều sản phẩm hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt. Năm ngoái tôi có mua đồ chơi cho con người bán giới thiệu là hàng Việt chất lượng cao, nhưng khi về nhà kiểm tra kĩ thì nhìn thấy tem nhãn có chữ Trung Quốc, tôi đã lập tức trả lại ngay".

Thị trường đồ chơi. Ảnh: Quang An
Nhiều mẫu đồ chơi trẻ em được bày bán trên thị trường. Ảnh: Quang An

Để kích cầu tiêu dùng, nhiều cửa hàng đồ chơi trẻ em đã tung ra nhiều chương trình khuyến mại mua nhiều có tặng quà, giảm giá 20% - 50%..., ưu đãi cho khách hàng mua đầu tiên.

Ngày Quốc tế thiếu nhi trùng với thời điểm các cháu học sinh vừa được nghỉ hè, do đó lượng khách tại các cửa hàng đã tăng lên đáng kể. Đặc biệt những ngày cuối tuần, các cửa hàng đều phải thuê thêm người bán hàng và tăng giờ làm để phục vụ các “khách hàng nhí”.

Không chỉ ở thành phố, tại các huyện thị trường đồ chơi cũng nhộn nhộp. Tại siêu thị Phủ Diễn, huyện Diễn Châu thời điểm này cũng có nhiều người hỏi mua các mặt hàng đồ chơi trẻ em. Chị Cao Thị Hải Hồng - Phó phòng kinh doanh siêu Thị Phủ Diễn cho hay: "Ngày Quốc tế thiếu nhi, siêu thị cũng nhập về nhiều mẫu đồ chơi trẻ em để phục vụ nhu cầu “học mà chơi, chơi mà học” của các em trong dịp hè. Sức mua của người dân đối với những sản phẩm này tăng 50% so với ngày thường".

Còn nhiều đồ chơi bạo lực, không rõ nguồn gốc

Đồ chơi bạo lực, không rõ nguồn gốc là tình trạng không mới nhưng luôn "nóng”. Hiện nay, ngoài những cửa hàng có thương hiệu, hàng hóa được kiểm định nguồn gốc thì hầu hết những cửa hàng bán lẻ, bán rong đồ chơi trẻ em đa phần là không đảm bảo chất lượng, có xuất xứ không rõ ràng. Đặc điểm dễ nhận biết nhất của những mặt hàng này là không có nhãn mác, giá thành rẻ để đánh vào tâm lý người tiêu dùng. Đặc biệt, các loại đồ chơi bạo lực như: súng, gươm, giáo, mặt nạ kinh dị… vẫn còn bày bán công khai tại các điểm tập trung đông người, các em học sinh như trường học, công viên, khu vui chơi...

Chị Nguyễn Thị Ngọc, một phụ huynh tại phường Hưng Phúc lo ngại: Mặc dù báo đài đã thông tin rất nhiều lần về việc các sản phẩm đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc, ảnh hưởng đến sức khỏe các cháu nhưng hiện nay vẫn bán tràn lan, công khai trên vỉa hè. Các cháu nhỏ thấy hình thức đẹp, bắt mắt là háo hức, còn phụ huynh thì thấy giá rẻ, hợp túi tiền nên mua cho con. Mong các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh tay để xử lý “vấn nạn” này.

Thị trường đồ chơi. Ảnh: Quang An
Một số trò chơi bạo lực, có xuất xứ từ Trung Quốc vẫn bày bán trên thị trường. Ảnh: Quang An

Để có những món quà ý nghĩa cho con em và đảm bảo chất lượng, người tiêu dùng cần thông thái trong việc lựa chọn đồ chơi. Để trẻ phát triển kỹ năng, trí tuệ một cách toàn diện, các bậc phụ huynh khi chọn đồ chơi cho con cần lưu ý xem kỹ xuất xứ, thương hiệu của sản phẩm, tính an toàn, đồng thời tham khảo thông tin trên phương tiện truyền thông...

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cửa hàng bán đồ chơi, có hình thức xử phạt nghiêm đối với những hành vi buôn bán đồ chơi độc hại hoặc mang tính bạo lực, không đạt tiêu chuẩn an toàn cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Quang An

TIN LIÊN QUAN