Về bản Bộng nghe điệu khắp quê hương

06/05/2017 09:32

(Baonghean.vn) - Ở tuổi 74, mế Lô Thị Hương ở bản Bộng, xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn hằng ngày vẫn luyến láy những điệu khắp trong trẻo, ngân vang. Với bà, được hát là niềm vui.

Từ trung tâm xã Thành Sơn huyện Anh Sơn, ngược dòng sông Con đến với bản Bộng. Nơi đây được coi là một vùng văn hóa đậm đà bản sắc của địa phương, những ngôi nhà sàn san sát, tạo nên sự bình yên của một bản làng. Đến đây hỏi về mế Lô Thị Hương ai cũng biết, bởi bà là kho tàng của những điệu khắp cổ.

Vừa bước đến ngõ chúng tôi đã nghe tiếng hát của mế Hương ngân vang. Với chúng tôi đây là lần đầu tiên được nghe điệu hát cổ nên lại càng cảm thấy thích thú, có cảm giác là lạ nhưng đầy thu hút…

1
Mế Lô Thị Hương là một trong số rất ít người ở bản Bộng xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn còn giữ được điệu khắp cổ. Ảnh: Huyền Trang

Bên ấm nước chè xanh, mế Hương kể: “Gia đình có truyền thống ca hát, lúc còn trẻ mẹ tôi cũng là người hát hay có tiếng trong vùng, được mẹ và những người lớn tuổi trong làng truyền dạy cho những điệu khắp nên tôi mê lắm, với tôi mỗi bài khắp chỉ cần học đôi ba lần là thuộc và lấy giọng rất nhanh. 15 tuổi tôi theo đám thanh niên trong làng lên rừng nhặt củi, rồi bẻ măng, lúc đó điệu khắp lại được các cô gái bản ngân vang như để xua tan nỗi sợ hãi của rừng sâu và cũng là để cầu xin thần núi bao bọc che chở”.

Cho đến bây giờ mế chẳng nhớ nổi mình đã đi hát bao nhiêu nơi, bao nhiêu lần nữa. Mế Hương cho biết thêm: Từ bao đời nay người Thái ở bản Bộng coi điệu khắp là một loại hình văn hoá nghệ thuật, là món ăn tinh thần trong lao động và sản xuất. Loại hình văn hoá phi vật thể này hàm chứa tính nhân văn, mang âm hưởng của loại hình văn hoá dân gian và gắn liền với bản sắc dân tộc. Cũng vì thế mà với mế Hương việc lưu giữ các điệu hát cổ trở thành trách nhiệm và là niềm đam mê cháy bỏng.

1
Những điệu khắp vẫn thường được mế Hương sử dụng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: Huyền Trang

Nỗi niềm canh cánh trong lòng bà là làm sao giữ được tiếng hát của quê hương, của dân tộc mình trước sự du nhập của nhiều loại hình văn hoá. Để làm phong phú hơn những lời ca tiếng hát của bản và cũng là để răn dạy con cháu, mế Hương còn tự sáng tác nhiều làn điệu mới liên quan đến công việc của bà con nông dân như dựng nhà mới, đi đón dâu, bắc cây cầu mới...

Được biết, hiện nay mế Hương là một trong số rất ít người còn giữ gìn và phát huy được những làn điệu khắp nguyên bản. Bằng việc nắm giữ giọng khắp trong trẻo, ngân vang, thuộc và hát hay nhiều làn điệu, mế Hương đã nhiều lần được đi giao lưu văn hóa văn nghệ ở trong huyện, trong tỉnh và nhiều lần giành được giải thưởng.

Với tất cả sự say mê, nỗ lực, ước nguyện gìn giữ và phát huy, mế Lô Thị Hương đã và đang góp phần làm tươi mới, sinh động loại hình nghệ thuật này./.

Huyền Trang

TIN LIÊN QUAN