'Nếu luật sư tố giác thân chủ, khả năng oan sai cao'

30/05/2017 06:23

"Trong các vụ án, luật sư được thân chủ cung cấp thông tin nhưng không có điều kiện đi điều tra, xác minh mà lại tố giác thân chủ thì khả năng oan sai rất cao", đại biểu Quốc hội Trương Trọng nghĩa chia sẻ.

ong-truong-trong-nghia-neu-luat-su-to-giac-than-chu-kha-nang-oan-sai-cao

Ông Trương Trọng Nghĩa: "Nếu luật sư phải tố giác thân chủ, khả năng oan sai cao". Ảnh: Võ Văn Thành

- Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự 2015 quy định luật sư phải tố giác tội phạm, nếu đó là những tội đặc biệt nghiêm trọng, tội xâm phạm an ninh quốc gia. Quá trình thảo luận trên hội trường, một đại biểu đã nhấn mạnh nội dung này và sau đó nhận nhiều ý kiến trái chiều từ xã hội. Ý kiến của ông như thế nào?

- Ở đây có sự liên hệ của hai điều luật. Điều luật thứ nhất là nghĩa vụ tố giác tội phạm của công dân. Điều luật này trước nay có, quốc gia khác cũng có, vì vậy nghĩa vụ tố giác tội phạm của công dân là hoàn toàn hợp lý.

Thứ 2 là ở nhiều quốc gia, trong một số trường hợp, nghĩa vụ tố giác tội phạm của công dân có hạn chế, nghĩa là không phải tất cả đều phải tố giác mà có những trường hợp được khoanh lại ở ngoài nghĩa vụ này, thể hiện rõ nhất ở quan hệ của luật sư đối với khách hàng. Ở các nước, nghĩa vụ bảo mật thông tin của luật sư đối với khách hàng không chỉ trong tố tụng hình sự mà khi làm tư vấn cũng phải tuân thủ nguyên tắc này, vì lộ ra có thể gây tổn thất lớn. Ngoài ra, tư vấn tài chính, sức khỏe, tâm lý... cũng là quan hệ đặc thù và được bảo mật.

Theo Hiến pháp và các công ước quốc tế về quyền con người, người được bào chữa có quyền suy đoán vô tội; cho đến khi có bản án có hiệu lực của tòa án, họ phải được đối xử như người vô tội. Một người bị bắt hay giam giữ không có nghĩa là được quyền coi họ như đã có tội mà việc này chỉ để nhằm phục vụ quá trình điều tra khi cần thiết.

Như vậy, nghĩa vụ tố giác của công dân bị hạn chế bởi quan hệ đặc thù nêu trên. Trong những quan hệ đặc thù này, nổi lên quan hệ luật sư với khách hàng, đặc biệt là khi luật sư làm nhiệm vụ bào chữa cho bị can, bị cáo. Luật sư có nghĩa vụ không tiết lộ thông tin hoặc tố giác bị can, bị cáo là do họ có quyền suy đoán vô tội.

Hiến pháp cho bị can, bị cáo có quyền không buộc phải khai những điều bất lợi cho mình, và không buộc phải nhận tội. Từ luật La Mã đến luật hiện đại, một người không có nghĩa vụ phải chứng minh mình vô tội, mà cơ quan công tố phải chứng minh điều đó nếu nghi ngờ họ có tội. Đây là điều để phòng tránh oan sai, nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ những công dân vô tội, mà những người này là số đông trong xã hội.

Trong thực tế, có những trường hợp bị can, bị cáo nhận tội là do bị bức cung, nhục hình, hoặc bị mớm cung, bị dụ cung. Những trường hợp như vậy họ có thể trình bày với luật sư để được tư vấn bảo vệ quyền lợi cho mình. Tất nhiên, pháp luật và quy định nghề nghiệp của luật sư đã quy định luật sư không được xúi giục khai báo gian dối, không được cố tình giúp bị can, bị cáo che giấu tội phạm.

- Theo phân tích nêu trên, quy định bảo mật thông tin giữa luật sư và người được bào chữa là xuất phát từ quyền con người đã được hiến định của bị can, bị cáo, và luật sư không được xâm phạm quyền đó?

- Ở nhiều quốc gia quyền bảo mật khá rộng, nghĩa là nhiều ngành nghề và lĩnh vực được bảo mật. Quy định như dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự 2015 (điều 19.3) là tương đối hẹp. Ví dụ, tội phạm mà có dấu hiệu đang và sẽ xảy ra thì luật sư không được miễn trừ, hoặc luật sư phải tố giác nếu “biết” về tội phạm, mà từ “biết” thì rất mơ hồ và rất dễ dãi.

Quy định miễn trừ nghĩa vụ tố giác của luật sư đối với người do mình bào chữa có ý nghĩa rất lớn, rất cơ bản đối với hệ thống tư pháp. Trước hết, luật sư đâu có đi điều tra, thu thập chứng cứ để buộc tội mà biết rõ thân chủ mình đã phạm tội? Có những trường hợp viện kiểm sát truy tố, tòa xử đi xử lại nhiều năm mà vẫn bị oan sai, như trường hợp ông Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long. Trong các vụ án, luật sư được thân chủ cung cấp thông tin nhưng không có điều kiện đi điều tra, xác minh mà lại đi tố giác thân chủ thì khả năng oan sai rất cao.

Hơn nữa, mình là luật sư đi bào chữa mà lại gây oan sai thì rất vô đạo đức và vi phạm luật pháp. Bị cáo có quyền kiện luật sư vì vi phạm hợp đồng dịch vụ tư vấn, thậm chí vì tội vu khống. Điều này cũng gây mất niềm tin của thân chủ vào luật sư, trong khi thiết kế của luật pháp quốc tế là tạo dựng quan hệ tin cậy giữa người được bào chữa và luật sư. Nhất là những người nước ngoài đến sinh sống ở Việt Nam, nếu có vấn đề tố tụng thì họ không được sử dụng luật sư nước ngoài mà phải thuê luật sư Việt Nam. Khi luật sư Việt Nam có nghĩa vụ tố giác quá rộng thì họ sẽ rất lo lắng, vì rủi ro quá lớn cho họ.

ong-truong-trong-nghia-neu-luat-su-to-giac-than-chu-kha-nang-oan-sai-cao-1

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá 14 đang xem xét sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự 2015.

- Vậy theo ông, cần quy định như thế nào để đảm bảo bị can, bị cáo được hưởng các quyền hiến định?

- Bảo mật thông tin trong quan hệ giữa luật sư và khách hàng trước hết là quyền của người được bào chữa - các bị can, bị cáo - chứ không phải của luật sư. Theo nguyên tắc tôi đã nói ở trên, người được bào chữa trình bày với luật sư mọi tình tiết của vụ việc là để thực thi quyền bào chữa của họ, do đó phải được bảo mật. Nhưng có những trường hợp luật sư đứng giữa một bên là trách nhiệm, nghĩa vụ với người bào chữa và một bên là trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội. Luật pháp phải tạo điều kiện cho luật sư lựa chọn một cách hợp lý.

Tôi thấy dự thảo luật quy định luật sư phải tố giác tội phạm nếu đó là những tội đặc biệt nghiêm trọng và tội xâm phạm an ninh quốc gia, thì sự tố giác đó quá rộng. Theo tôi, cần thêm 3 yếu tố. Một là: luật sư chỉ phải tố giác khi biết rõ đó là tội phạm liên quan đến an ninh quốc gia và đặc biệt nghiêm trọng. Biết rõ không chỉ dựa vào lời khai nhận, bởi vì có những trường hợp bị can, bị cáo ngộ nhận về tội của mình mà đưa ra sự khai nhận như vậy. Ví dụ như nạn nhân cố tình nhảy vào đầu xe tự tử, nhưng bị can, bị cáo lại nghĩ mình đã tông chết nạn nhân.

Hai là, sự "biết rõ" nêu trên phải kèm theo chứng cứ. Bị can, bị cáo có thể thừa nhận có tội, nhưng phải đi với chứng cứ vì viện kiểm sát khi truy tố và tòa khi xử còn phải có chứng cứ, huống hồ là luật sư đi tố giác thân chủ của mình?

Ba là, khi hành vi của bị cáo vẫn tiếp tục gây nguy hiểm cho nhiều người, như có bị can khai đang cài bom, đặt mìn sắp sửa nổ, hay tổ chức tội phạm của họ vẫn tiếp tục có những hành vi gây nguy hiểm.

Tôi đồng tình với ý kiến ông Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch liên đoàn luật sư đề nghị ngay cả tội đặc biệt nghiêm trọng mà luật sư phải tố giác thì cũng khoanh lại bớt, giảm bớt về số lượng.

Như vậy có thể thấy, quyền bảo mật là từ bị can, bị cáo mà luật sư phải bảo mật, nhưng quyền này không tuyệt đối mà có sự hạn chế. Đó là khi nó xung đột, ảnh hưởng, phương hại đến lợi ích của đất nước, của xã hội, của người vô tội khác. Sự hạn chế này tương thích với nghĩa vụ tố giác tội phạm. Quy định với 3 yếu tố như tôi đã nêu là để có sự hài hoà về quyền và nghĩa vụ của luật sư trong quan hệ với người mà mình bào chữa, từ đó đạt được tính hợp lý cao nhất của luật pháp.

- Có ý kiến đề nghị không nên quy định luật sư phải tố giác thân chủ, ông nghĩ sao?

- Ví dụ, có những phần tử khủng bố cuồng tín, cực đoan, hành vi của họ đang và sẽ tiếp tục gây nguy hiểm cho xã hội thì nghĩa vụ tố giác là cần thiết, tuy nhiên luật sư phải biết rõ và phải có bằng chứng để phòng tránh oan sai.

Quốc tế đã thảo luận cả trăm năm nay và đều đi đến thống nhất chung là quan hệ luật sư - thân chủ được bảo mật, còn phạm vi đến đâu thì tuỳ quốc gia. Nhiều quốc gia sự bảo mật gần như tuyệt đối, rất rộng, không chỉ ở quan hệ hình sự mà còn lĩnh vực khác. Quốc tế đã thống nhất, nay mình đưa vào luật tuy chậm hơn, nhưng là cần thiết vì Hiến pháp 2013 đã công nhận một số quyền con người phù hợp với các công ước quốc tế, trong khi theo Hiến pháp trước đây thì quyền con người chỉ hạn chế trong quyền công dân.

Từ những tiến bộ của Hiến pháp 2013 và những bước tiến của cải cách tư pháp, mới dẫn đến quy định của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015, hạn chế nghĩa vụ tố giác của luật sư. Nghĩa là luật sư không có nghĩa vụ tố giác tội phạm như một công dân bình thường, mà chỉ có nghĩa vụ trong các trường hợp liên quan đến những tội đặc biệt nghiêm trọng, tội xâm phạm an ninh quốc gia

Ở nước ta, nghĩa vụ tố giác tội phạm có lâu rồi, đó là nghĩa vụ của công dân và không hạn chế đối với luật sư. Bộ Luật Hình sự 2015 đã có hạn chế, nhưng Liên đoàn Luật sư có ý kiến là hạn chế như thế vẫn còn rộng, cần phải minh thị hơn để không chỉ luật sư mà người công dân khi sử dụng luật sư bào chữa cho mình cũng biết rõ khi nào thì họ có thể bị tố giác, để họ sử dụng quyền không buộc phải khai báo bất lợi và không buộc phải nhận tội.

- Luật sư không thể "vạch áo" thân chủ. Tuy nhiên, trong quá trình hành nghề không tránh khỏi việc luật sư có những phát hiện chủ quan về tội phạm của thân chủ. Khi đó, có gợi ý là nên quy định hướng mở để luật sư xin thôi vai trò bào chữa và giữ kín mọi bí mật suốt cả cuộc đời. Ông chia sẻ như thế nào về gợi ý này?

- Nếu giữ nguyên quy định liên quan đến tố giác tội phạm như trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự 2015 và với hướng mở như vậy, để bảo vệ an toàn cho bản thân, tôi e rằng ngày càng nhiều người sẽ từ chối bào chữa, bởi hiện nay luật sư đều rất ngại bào chữa các vụ án hình sự. Trong khi, luật định có những vụ không có luật sư thì không được xử.

Một khi quan hệ luật sư - thân chủ bị ảnh hưởng tiêu cực, thân chủ thì thiếu niềm tin đối với luật sư, còn luật sư nơm nớp lo bị phạm tội không tố giác, khi đó nền tư pháp sẽ có lỗi hệ thống và không thể đảm đương chức năng bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

- Vừa qua dư luận quan tâm đến thảo luận của đại biểu Quốc hội về nội dung nêu trên, và đã có nhiều ý kiến khác nhau. Ông nghĩ sao?

- Việc tổ chức thảo luận Bộ luật hình sự lần này và sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cởi mở, dân chủ, tạo điều kiện cho phát biểu tranh luận khi có ý kiến khác biệt.

Chủ tịch Quốc hội cũng đã nói sẽ bố trí để Liên đoàn Luật sư cùng nhóm chỉnh lý gặp nhau để thảo luận làm sao cho “thấu tình đạt lý”. Đó là cách xử sự tôn trọng nguyên tắc dân chủ nghị trường, rất đúng mực và rất đáng hoan nghênh. Điều còn lại là chúng tôi rất mong đa số đại biểu Quốc hội ủng hộ các đề nghị của Liên đoàn luật sư và giới luật sư, vì một nền tư pháp “dân chủ, công bằng, văn minh”, hội nhập với thế giới, tránh những lỗi hệ thống có thể tránh, vì hậu quả có thể rất tai hại nhiều chiều, trước mắt và lâu dài.

Trong quá trình làm luật, các đại biểu Quốc hội có quan điểm khác nhau là bình thường, có thể tranh luận và đã tranh luận thì bình đẳng nên tôi không có định kiến với bất cứ ý kiến nào khác mình.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN