Xử lý quảng cáo sai quy định: 'Bắt cóc bỏ đĩa'

29/05/2017 11:11

(Baonghean) - Từ 5/5/2017, Nghị định 28/2017/NĐ-CP về xử lý tình trạng quảng cáo, rao vặt trái phép chính thức có hiệu lực với việc xác định hành vi vi phạm cụ thể hơn, mức xử phạt cao hơn và thẩm quyền xử phạt rõ ràng, mở rộng hơn cũng kỳ vọng sẽ chấn chỉnh tình trạng “loạn” quảng cáo sai quy định hiện nay. Tuy vậy, sau hơn nửa tháng, việc triển khai còn gặp rất nhiều khó khăn...

Muôn kiểu vi phạm

Nói đến quảng cáo, thành phố Vinh là nơi tập trung nhu cầu lớn nhất với đủ các loại hình thức quảng cáo khác nhau. Tuy vậy, dù với hình thức nào, có phép hay chưa được cấp phép thì việc vi phạm vẫn khá phổ biến. Trường hợp vi phạm của bà Lâm Thị Thành (khối 13, phường Trung Đô) vừa được đoàn kiểm tra liên ngành thành phố xử phạt vào cuối tháng 4 vừa qua là một ví dụ. Theo biên bản kiểm tra của đoàn thanh tra, thời điểm đó, mặc dù chưa được sự đồng ý của cơ quan chức năng, nhưng bà Lâm Thị Thành vẫn tự ý thực hiện việc treo băng rôn quảng cáo không đúng vị trí ở đường Lê Hồng Phong và đường Lê Nin.

Điểm dán quảng cáo do UBND phường Trung Đô (TP. Vinh) quy hoạch. Ảnh: Mỹ Hà
Điểm dán quảng cáo do UBND phường Trung Đô (TP. Vinh) quy hoạch. Ảnh: Mỹ Hà

Bên cạnh đó, còn nhiều sai phạm khác, trong đó phổ biến nhất là sai phạm trong quảng cáo rao vặt. Ngày 26/4, UBND xã Hưng Lộc xử phạt 2.000.000 đồng (mức cao nhất) đối với ông Trình Văn Lợi (quê quán tại xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu) do đã vi phạm hành chính về treo đặt, gián vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh công cộng làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Theo thống kê, từ năm 2014 đến nay, thành phố Vinh đã xử phạt 35 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm về quảng cáo. Cùng với đó, có hàng chục vụ khác được xử lý ở cơ sở, trong đó, tập trung nhiều nhất ở các phường, xã như Hưng Lộc, Hưng Phúc, Quán Bàu, Trường Thi, Hưng Bình, Lê Lợi... Thống kê cũng cho thấy, mặc dù thành phố Vinh là nơi tập trung rất nhiều các biển quảng cáo với nhiều loại hình quảng cáo khác nhau, nhưng việc quản lý vẫn còn nhiều khó khăn.

Tuy vậy, trên nhiều tuyến phố, không khó để bắt gặp hình ảnh các bảng, biển, pano lộn xộn, diện tích không đồng bộ, không đảm bảo mỹ quan đô thị và an toàn giao thông. Hơn thế, tình trạng băng rôn, quảng cáo treo mắc chồng chéo lên nhau diễn ra thường xuyên, quảng cáo rao vặt, viết, in còn dán tùy tiện trên hàng rào, tường nhà và các nơi công cộng mà chưa có biện pháp ngăn chặn.

Ông Bùi Quang Phương - Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin thành phố cho rằng: Để xảy ra tình trạng trên là do chưa có quy hoạch cụ thể về biển hiệu. Công tác quản lý hoạt động còn nhiều hạn chế, thiếu kiên quyết. Ý thức của các chủ dịch vụ còn kém, chỉ mới nghĩ đến lợi ích kinh doanh mà chưa nghĩ đến tới đảm bảo mỹ quan đô thị.

Trên toàn tỉnh, mặc dù từ năm 2013 đến nay, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm cũng đã được ngành văn hóa quan tâm. Tuy vậy, do lực lượng mỏng nên số lượng còn khiêm tốn với tổng số cơ sở thanh tra chỉ dừng lại ở 42 cơ sở và xử phạt với số tiền gần 40 triệu đồng. Qua kiểm tra, đánh giá cũng cho thấy, do thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc vì lợi nhuận nên tình trạng các tổ chức cá nhân vi phạm về hoạt động quảng cáo vẫn còn diễn ra. Phổ biến là các hoạt động quảng cáo trên phương tiện băng rôn và các quảng cáo nhỏ treo tại các cửa hàng, nhà hàng, cửa hiệu. Hoặc, tình trạng quảng cáo nhưng không thông báo, quảng cáo hết hạn nên không chịu tháo gỡ; quảng cáo cơ động đặt tùy tiện, lấn chiếm vỉa hè...

Xử lý kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”

Với nhiều loại hình đa dạng, nhiều hình thức khác nhau nên trên thực tế, việc xử phạt các hành vi vi phạm về quảng cáo vẫn còn rất nhiều khó khăn. Trong đó, khó hơn cả chính là xử lý vi phạm về quảng cáo rao vặt và phát tờ rơi.

Các thông tin quảng cáo rao vặt được dán ở mọi tuyến phố. Ảnh: Mỹ Hà
Các thông tin quảng cáo rao vặt được dán ở mọi tuyến phố. Ảnh: Mỹ Hà

Tại phường Trung Đô (thành phố Vinh), xác định đối tượng đi đăng phát các quảng cáo rao vặt thường lựa chọn đêm tối để thực hiện, ngoài lực lượng chính là cán bộ văn hóa, đội quy tắc đô thi, chính quyền địa phương còn huy động lực lượng quần chúng tham gia tích cực, trong đó chủ yếu là đi tuần tra ban đêm. Theo đánh giá của ông Từ Hoa Lam - Phó Chủ tịch UBND phường: Từ khi đẩy mạnh việc kiểm tra, việc vi phạm trên địa bàn có giảm. Tuy nhiên, chỉ cần “lơ là” thì đâu lại vào đấy. Việc xử lý vi phạm cũng rất khó khăn bởi lẽ đối tượng vi phạm thường là học sinh, sinh viên đi làm thêm, nếu bị bắt đa phần “bỏ của chạy lấy người”.

Về phía chính quyền thành phố, xác định để xử lý “tận gốc” thì cần phải truy ra các số điện thoại đăng trên các quảng cáo, rao vặt và yêu cầu ngành Thông tin và Truyền thông cắt dịch vụ đối với các số điện thoại này. Thế nhưng, theo ông Bùi Quang Phương, cách làm này cũng không hiệu quả, bởi “cắt số điện thoại này thì một thời gian sau lại xuất hiện số điện thoại mới (với điện thoại bàn). Riêng với điện thoại di động, hoặc là các cơ sở sử dụng sim rác, hoặc là đăng ký chính chủ ở các tỉnh, thành khác nên không có thẩm quyền xử phạt”.

Cũng chính bởi những vướng mắc trên nên từ ngày 5/5, dù Nghị định số 28/2017/NĐ-CP chính thức có hiệu lực và có nhiều điều chỉnh để tăng mức xử phạt cao hơn, thẩm quyền xử phạt rõ hơn... nhưng việc triển khai vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí là đang “dậm chân tại chỗ”.

Ông Hoàng Minh Phương - Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa - Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng: “Quy định về xử phạt đã đủ sức răn đe, nhưng công tác xử lý còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do các đối tượng vi phạm thường không đủ điều kiện về tài chính để thi hành quyết định, cư trú và tạm trú không rõ ràng, chỉ là đối tượng đi làm thuê... Việc xử lý thuê bao điện thoại cũng chỉ hiệu quả khi có sự phối hợp tích cực của các đơn vị liên quan như Sở Thông tin và Truyền thông, Bưu điện hoặc các nhà mạng..

Việc xử lý đối với những trường hợp phát tờ rơi lại khó khăn hơn, dù rằng điều này ảnh hưởng rất nhiều đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông. Thực tế cho thấy, việc phát tờ rơi diễn ra ở thành phố Vinh một số địa phương khác khá phổ biến nhưng chưa có ai quản lý, chưa có ai đứng ra xử phạt, hoặc nếu có thì cũng chỉ “bắt cóc bỏ đĩa”, nhất thời hoặc như “cỏ dại”, nhổ chỗ này lại mọc chỗ khác, khó xử lý tận gốc.

Để giải quyết tình trạng này, hiện một số địa phương trên địa bàn đã dùng biện pháp “đồng bộ”, đó là vừa xử lý vi phạm, vừa tạo cơ chế cho các tổ chức cá nhân có nhu cầu được dán quảng cáo lên các bảng quảng cáo theo quy hoạch hoặc cho quảng cáo miễn phí trên hệ thống phát thanh của phường, xã... Đây cũng được xem là giải pháp khá hợp lý hiện nay để từ đó từng bước tuyên truyền, nâng cao ý thức của các đơn vị và cá nhân trong hoạt động quảng cáo, từng bước đưa hoạt động quảng cáo về đúng quy hoạch và quy định của Nhà nước./.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN