Làm gì khi trẻ bị rôm sảy mùa nắng nóng?
(Baonghean.vn) - Rôm sảy là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ trong những ngày nắng nóng. Nếu không điều trị kịp thời rất dễ dẫn đến nhiễm trùng da.
Nguyên nhân gây ra rôm sảy
Mùa hè thời tiết nóng nực thường gây ra các bệnh về da ở trẻ, trong đó có bệnh rôm sảy. Trẻ dưới 3 tuổi thường có nguy cơ mắc bệnh cao. Nguyên nhân chính là do thời tiết nóng bức, mồ hôi trẻ tiết ra nhiều nhưng không thoát được hết và ứ đọng lại trong các ống bài tiết trên da trẻ. Trong khi đó, miệng ống bài tiết dễ bị bụi hay ghét bít kín khiến làn da nổi lên nhiều sẩn nhỏ lấm tấm màu hồng.
Mùa hè thời tiết nóng bức thường gây ra các bệnh về da ở trẻ nhỏ, trong đó có bệnh rôm sảy là phổ biến. |
Những sẩn nhỏ này mọc thành từng đám và thường xuất hiện ở những vùng da có nhiều mồ hôi, chẳng hạn như: trán, cổ, lưng, ngực, các nếp gấp của cơ thể… Thông thường, khi thời tiết mát mẻ, hiện tượng này sẽ tự động mất đi và không gây tác hại gì.
Tuy nhiên, có những trường hợp đặc biệt, rôm sảy sẽ chuyển biến thành mụn mủ và nhọt, chủ yếu là ở các trẻ không được giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, da bị xây xước và nhiễm trùng. Nếu không được điều trị và giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, trẻ còn có nguy cơ bị viêm da mãn tính hay viêm cầu thận cấp (tuy hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm).
Cách điều trị rôm sảytheo phương pháp dân gian
Lá kinh giới: Lá kinh giới có mùi thơm dễ chịu, vị cay, tính ấm, có chứa tới 1% tinh dầu, trong đó có nhiều hoạt chất sinh học có tác dụng chữa bệnh. Đây là loại lá có nhiều kháng sinh tự nhiên nên có tác dụng sát khuẩn tốt, làm sạch da. Theo kinh nghiệm dân gian, kinh giới để tươi nấu nước uống và tắm trẻ sơ sinh hằng ngày để phòng chống rôm sẩy, mẩn ngứa, mụn nhọt. |
Cây sài đất: Đây là loại lá có nhiều kháng sinh tự nhiên nên có tác dụng kháng khuẩn tốt, làm sạch da. Cần lưu ý đun sôi thật kỹ cây sài đất trước khi hòa vào nước tắm của bé, bởi loại cây này có các lông tơ. Khi tắm cho trẻ nước cây sài đất xong cần tắm lại bằng nước ấm. |
Mướp đắng: Trong quả mướp đắng tươi có chứa thành phần kháng sinh tự nhiên giúp làm sạch và sát khuẩn nếu dùng trên da. Mướp đắng tươi có thành phần kháng thể chống lại virut, ngăn chặn sự lây lan vi khuẩn trong các tế bào da đồng thời kiểm soát, khống chế bệnh dịch về da rất hiệu quả. Đây có thể coi là một loại vacxin tuyệt vời cho da đến từ tự nhiên. Dùng 1 hay 2 quả mướp đắng tươi giã nát hoặc nấu chín, cho vào túi vải sạch, lọc vắt lấy nước để tắm cho bé. Cũng có thể kết hợp mướp đắng với rau kinh giới. Mướp đắng, rau kinh giới rửa sạch, thái nhỏ cho vào máy say sinh tố xay nhuyễn, lọc bỏ bã rồi pha với nước có nhiệt độ thích hợp để tắm cho bé. Liều lượng là 2 quả mướp, 2-3 mớ kinh giới/lần tắm. |
Lá khế: Hái 1 nắm lá khế tươi đem về rửa sạch, ngâm với nước muối 15 phút cho sạch bụi bẩn và các loại côn trùng gây hại. Đem lá khế nấu cùng 3 lít nước, khi nước sôi thì cho vào một chút muối. Rửa sạch chậu tắm của trẻ, cho nước ấm vào tắm ướt cơ thể trẻ, đổ nước này đi. Sau đó cho nước lạnh vào pha cùng với nước lá khế mới nấu, vớt bỏ lá khế và tắm cho trẻ. Khi tắm cho trẻ, chú ý không cọt xát mạnh da trẻ. Sau khi tắm nước lá khế, tắm lại 1 lượt bằng sữa tắm cho sạch. |
Lá dâu tằm: Lá dâu tằm có tác dụng trị rôm sảy đặc biệt hữu hiệu. Hãy lấy một nắm lá dâu rửa thật sạch rồi cho vào nồi nước, đun sôi. Chờ nước nguội bớt thì bỏ lá ra tắm cho bé (nên nấu nhiều nước rồi dùng chính nước đó để nguội tắm cho bé, không pha thêm nước lạnh). |
Những điều cần tránh khi bé bị rôm sảy
- Không vắt nhiều chanh vào nước tắm bởi da bé dễ bị kích ứng, tổn thương do hàm lượng axit cao.
- Với việc nấu nước lá tắm cho bé cũng không nên nấu quá đặc, vì lượng tinh bột của lá có thể đọng nhiều trên da, gây nhiễm khuẩn, viêm da, dị ứng cho bé.
- Không tắm nước lá khi da bé bị trầy xước, mưng mủ hoặc trong tình trạng da bé bị sưng đỏ, viêm da nặng, mất lớp màng bảo vệ; việc tắm nước lá có thể tăng nguy cơ vi khuẩn xâm nhập, làm tình trạng nhiễm trùng tăng lên.
- Không tự ý bôi thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Nếu tình trạng bé bị mẩn ngứa nhiều, có các mụn đầu trắng trên da, rôm sẩy dày đặc, đỏ, kéo dài, nên đưa bé đến các chuyên khoa da liễu để khám và điều trị. Tuyệt đối không tự mua thuốc bôi vì có thể làm bệnh nặng thêm, chưa kể các biến chứng có thể gây ra cho bé.
Ngọc Anh
(Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN |
---|