Đi tìm giá trị thật của đá quý, đá phong thủy tại Việt Nam
Thị trường Việt Nam hiện đang sôi động với các loại đá quý, đá phong thủy, song người tiêu dùng thường bị 'chặt chém' hoặc mua phải hàng rởm.
Đá quý là những đá có độ bền cao, độ cứng thường từ 8 đến 10 (theo thang độ cứng Mohs) như: kim cương, emerald (ngọc lục bảo), ruby (hồng ngọc), saphir (lam ngọc)… Các loại đá này có màu sắc đẹp, độ tinh khiết cao và thường được chế tác làm đồ trang sức. Đối với đá quý đã chế tác thường sử dụng tiêu chuẩn 4C (Colour, Carat, Clarity, Cut) để xác định chất lượng.
Các quả cầu phong thủy được làm từ thủy tinh. |
Đá bán quý là những đá thường có độ cứng khoảng từ 3-4 đến 6-7 (độ cứng Mohs) như: Thạch anh, mã não, jade (ngọc bích), peridot, tuormalin, granat, fluorit, spinel, malachit, azurit, calcit… Các đá này cũng có màu sắc đẹp, độ tinh khiết cao và cũng được chế tác làm đồ trang sức như mặt dây, mặt nhẫn, vòng tay, vòng cổ…
Đá phong thủy là những đá bán quý nhưng thường có kích thước lớn và màu sắc, độ trong không cao nên thường được tạc tượng, linh vật, hình cầu… để bàn làm việc, trưng bày trong nhà hoặc ở các sảnh, trước cửa nhà…
Ở thị trường Việt Nam hiện đang rất sôi động với các loại đá quý, đá bán quý (đá trang sức, đá phong thủy…) phổ biến như là ruby, saphia, topaz, aquamarin, thạch anh, mã não, gỗ hóa thạch, tourmalin, granat, tectit… và thậm chí những loại đá do người bán “tự đặt tên” ví dụ như thạch anh non...
Giá trị bị "thổi phồng"
Thực tế, chất lượng thật của các loại đá đó như thế nào, người tiêu dùng bình thường khó biết được chính xác, thậm chí bị “chặt chém” hay “bịt mắt”, mua phải hàng rởm giá cao.
Các bức tượng được làm từ bột đá rồi nhuộm màu. |
Tại Việt Nam, nếu tra Google để tham khảo giá đá phong thủy thì chẳng khác gì bị lạc vào “ma trận”, bởi giá bán tại các cửa hàng online cách xa nhau một trời một vực. Có nơi chỉ vài chục, vài trăm ngàn một sản phẩm nhưng cũng có nơi lại lên đến một vài triệu.
Nhiều người do không hiểu biết về đá nên thường bị “hớ” khi mua hàng, đôi khi còn mua phải đá giả, đá kém chất lượng, mua đá tự nhiên nhưng thực chất lại là đá nhuộm màu, bột đá, thủy tinh nhân tạo, thậm trí là nhựa.
Một hiện tượng rất phổ biến ngoài thị trường mua bán đá phong thủy hiện nay đó là người bán đá không có chuyên môn sâu về đá nên còn gọi sai tên của đá, hoặc nhầm lẫn giữa loại đá này với loại đá khác, do đó giá trị thật của đá cũng bị ảnh hưởng.
Các vòng tay được làm từ nhựa. |
Nếu không phải là người am hiểu hoặc có chuyên môn về đá thì việc mua được một loại đá 100% là tự nhiên quả thực không dễ dàng, thậm trí người có kinh nghiệm cũng không thể xác định chính xác tất cả các loại đá quý, đá phong thủy ngoài thị trường nhất là khi nó đã được chế tác thành các vật phẩm như mặt dây, mặt nhẫn, quả cầu, tượng hay các con giống. Vì vậy để xác định chính xác nhiều loại đá cần được phân tích, kiểm định trong phòng thí nghiệm bởi các máy móc và kính chuyên dụng.
Làm sao thể tránh "quả lừa"?
Trên thị trường hiện tại phổ biến một số loại đá nhân tạo được làm từ bột đá rồi nhuộm màu hoặc làm bằng thủy tinh, nhựa... Vậy làm thế nào để mua được hàng thật, đúng giá?
Theo anh Đỗ Quang Khánh, một chuyên gia về đá, để phân biệt đá thật và giả, việc đầu tiên là phải quan sát. Một viên đá tự nhiên nếu không phải đá trang sức thì hay có vết như rạn, nứt, vân, tạp chất trong lòng đá, có thể quan sát được bằng mắt thường. Ngoại trừ thạch anh trắng, thạch anh khói, obsidian là những loại đá sạch trơn và có giá thành rất rẻ, còn lại các loại đá khác đều có thể nhận biết bằng cách này.
Những chiếc vòng tay hay linh vật phong thủy mà trong vắt không một chút gợn, màu sắc rực rỡ xanh đỏ tím vàng thì nhìn chung đều là hàng dởm.
Linh vật được chế tác bằng nhựa có thể được nhận biết được bằng cách quan sát kỹ. |
Ngoài ra, để phân biệt giữa đá thật và bột đá ép keo (1 kiểu đá giả rất phổ biến trên thị trường đá phong thủy). Anh Đỗ Quang Khánh cho rằng, hai loại này khác hẳn nhau về phương pháp chế tác. Đá thật người thợ phải dùng mũi tạc để chạm khắc trên bề mặt đá, bởi vậy đường nét sẽ không thể hoàn hảo, mà có chỗ không đều, không sắc sảo, và không bao giờ có 2 bức giống nhau. Ngược lại, với bột đá thì người ta lấy đá phế phẩm nghiền nát, trộn với keo, màu nhuộm và ép lại bằng khuôn. Thành phẩm sẽ có chất rất mịn màng, bóng mướt, nhiều màu sắc, đường nét cực kỳ sắc sảo chính xác, và cả ngàn bức đều giống nhau y hệt.
Cách chính xác nhất để xác định đá thật giả, đó là đem kiểm định. Phiếu kiểm định của các trung tâm uy tín sẽ cung cấp đầy đủ thông tin chủng loại đá, tự nhiên hay nhân tạo, có xử lý hay không, kích thước, khối lượng, hình dạng.
Một giảng viên tại Đại học Mỏ - Địa chất, cũng là người say mê đá quý, đá phong thủy lưu ý: Lời khuyên tốt nhất cho người mua đá là nên chọn các cơ sở bán đá có uy tín hoặc các sản phẩm mình mua nên có kèm theo giấy kiểm định chất lượng đá do các trung tâm kiểm định đá quý cung cấp.
Theo VOV
TIN LIÊN QUAN |
---|