Kỷ vật thời hoa lửa

28/04/2017 11:47

(Baonghean) - Hơn 40 năm đã đi qua, kể từ ngày đất nước thống nhất nhưng với những người từng kinh qua trận mạc dường như mới hôm qua. Sự khốc liệt của cuộc chiến, ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết và nghĩa tình đồng đội khiến người lính chiến luôn trân trọng, nâng niu kỷ niệm, nhất là những kỷ vật chiến trường.

Bố tôi là lính phục viên, trở về từ chiến trường miền Nam và Campuchia, gia tài đời lính hơn 10 năm gói gọn trong chiếc ba lô bạc màu. Một chiếc chăn, chiếc màn màu xanh và chiếc bi đông đã cũ, tất cả đều ngả màu thời gian. Lúc ấy còn quá nhỏ, tôi chưa thể hiểu nguyên do vì sao ông lại nâng niu những thứ tưởng như rất đỗi bình thường ấy. Sau này lớn lên, tôi mới dần thấm hiểu lời tâm sự của ông: “Chiếc chăn, chiếc màn này đã sưởi ấm cho bố trên những chặng đường hành quân, những đêm ở chốn rừng già mưa rét. Chiếc bi đông giúp xoa dịu những cơn khát, nhất là sau mỗi trận đánh khốc liệt...”. Rồi có cơ hội gặp thêm những người trở về từ cõi đạn bom, tôi thực sự cảm nhận được giá trị những kỷ vật của người lính.

Đại tá Hồ Hữu Lạn với tập ảnh quý đưa về từ chiến trường. Ảnh: Công Kiên
Đại tá Hồ Hữu Lạn với tập ảnh quý đưa về từ chiến trường. Ảnh: Công Kiên

Nhân duyên cho tôi gặp ông Phùng Bá Điền, trú tại khối 11, phường Cửa Nam (TP. Vinh) là một cựu đặc công rừng Sác, từng vào sinh, ra tử ở chiến trường Đông Nam bộ. Năm 1970, khi vừa tròn 19 tuổi, chàng trai làng biển (ông sinh ra và lớn lên ở vùng biển Cửa Lò) gia nhập quân đội và được điều về Lữ đoàn 126 - Đặc công Hải quân. Những ngày huấn luyện ở Hải Phòng, ông được giao một chiếc ống thở bằng nhựa, dùng để vận động dưới nước, đặc biệt là thực hiện động tác lặn. Trong chiến đấu, ống thở được dùng trong trường hợp tiềm nhập, đặt bộc phá vào mục tiêu là tàu, thuyền neo đậu trên cảng biển hay bất cứ vật thể nào nổi trên mặt nước. Hay khi hành quân, gặp sự truy quét của địch có thể nhảy xuống sông, biển, ao, hồ rồi lặn xuống dưới mặt nước... Chiếc ống thở của ông Điền trở thành người bạn đồng hành, cùng chủ nhân vượt qua bao gian khó, hiểm nguy và chia sẻ niềm vui chiến thắng. Điển hình là trận chiến đấu ông cùng 2 đồng đội đánh chìm tàu địch trọng tải 13.000 tấn, dài 150m, rộng 25m đang neo đậu trên cảng Rạch Dừa (Vũng Tàu). Sau đó, cũng ở cảng Rạch Dừa, ông lại tham gia đánh chìm tàu vận tải chứa 10.000 tấn vũ khí và hàng quân sự. Do gặp một vài trục trặc nên việc rút lui không như dự tính, lúc rời khỏi mục tiêu cũng là lúc thủy triều rút và trời bắt đầu tảng sáng, ông Điền và đồng đội bị cuốn ra biển, nguy cơ bị các tàu tuần tiễu của địch phát hiện rất cao. Vật lộn với sóng nước sắp kiệt sức, chiếc ống thở treo ở cổ đã giúp ông tránh khỏi bị đuối trước để rồi được một chiếc thuyền đánh cá cứu sống.

Trở về từ rừng Sác, ngoài bộ quân trang, người lính đặc công Phùng Bá Điền còn mang theo cả chiếc ống thở. Kỷ vật này được ông nâng niu, cất giữ như một vật báu, những khi gặp muộn phiền trong cuộc sống, mở tủ xem lại kỷ vật chiến trường ông như được tiếp thêm nguồn sinh lực. Mấy năm trước, phát hiện bị ung thư dạ dày, có lúc không tránh khỏi chán nản, nhưng nhớ về thời trai trẻ nơi rừng Sác, nhớ đến “người bạn đồng hành bao năm”, ông Điền lại gượng dậy tiếp tục chống chọi với bệnh tật.

Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc nhân dân thành phố Huế đón chàobộ đội giải phóng (ngày 25/3/1975) đang được Đại tá Hồ Hữu Lạn lưu giữ.
Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc nhân dân thành phố Huế đón chào bộ đội giải phóng (ngày 25/3/1975) đang được Đại tá Hồ Hữu Lạn lưu giữ. Ảnh: Công Kiên
Những bức ảnh chiến trường được Đại tá Hồ Hữu Lạn lưu giữ cẩn thận.
Những bức ảnh chiến trường được Đại tá Hồ Hữu Lạn lưu giữ cẩn thận. Ảnh: Công Kiên
Ông Nguyễn Hữu Thườngbên những vật dụng gia đình được chế táctừ vũ khí của địch.
Ông Nguyễn Hữu Thường bên những vật dụng gia đình được chế tác từ vũ khí của địch. Ảnh: Công Kiên
Chiếc ống thở được trang bịcho đặc công hải quân được ông Phùng Bá Điền lưu giữ còn nguyên vẹn.
Chiếc ống thở trang bị cho đặc công hải quân được ông Phùng Bá Điền lưu giữ còn nguyên vẹn. Ảnh: Công Kiên

Với Đại tá Hồ Hữu Lạn (SN 1940) - nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324), nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu 4, gần 50 năm đứng trong quân ngũ, gia tài quý giá nhất là gần 300 bức ảnh chiến trường. Người đàn ông sinh ra ở làng biển Quỳnh Lương này vốn là lính công binh, quá trình chiến đấu trở thành vị chỉ huy của trung đoàn bộ binh. Địa bàn hoạt động chủ yếu ở vùng rừng núi phía Tây của Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị, tham gia những chiến dịch và trận đánh ác liệt, có ý nghĩa đánh dấu bước ngoặt của cuộc chiến. Trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975, Trung đoàn 3 do ông chỉ huy tiến vào giải phóng thành phố Huế và Đà Nẵng. Những thời điểm ý nghĩa ấy, đồng chí cán bộ tuyên huấn trung đoàn luôn có mặt đúng lúc và kịp thời bấm máy ghi lại những khoảnh khắc lịch sử. Những tấm ảnh đen trắng nhỏ xíu như ngón tay được Đại tá Hồ Hữu Lạn cất giữ cẩn thận. Ông dán chúng vào một cuốn sổ và chú thích rõ về thời gian, diễn biến của sự kiện cũng như từng nhân vật. Tính đến nay đã gần 50 năm, những bức ảnh đã úa màu thời gian nhưng vẫn còn khá rõ nét, được chủ nhân phóng to và tập hợp thành album, giữ lại cho thế hệ sau hiểu rõ hơn về một thời hoa lửa.

Tập ảnh quý của Đại tá Hồ Hữu Lạn có gần 20 tấm ảnh ghi lại những khoảnh khắc Trung đoàn 3 tiến công vào giải phóng thành phố Huế trong chiến dịch mùa Xuân 1975. Đó là cảnh đoàn quân trùng trùng tiến từ núi rừng xuống thành phố, bố trí trận địa tấn công vùng ngoại vi khiến địch thất thủ, bỏ lại cả xe tăng chạy tháo thân. Đoàn quân tiến vào trung tâm thành phố, bà con nhân dân ra đường vẫy chào và chứng kiến cảnh cờ giải phóng tung bay trên đỉnh Phu Văn Lâu. Quân ngụy tháo chạy ra cửa biển Thuận An để lên tàu, vứt lại vũ khí, quân trang ngổn ngang trên bờ... Có thể xem đây là nguồn tư liệu vô giá, vừa mang tính sinh động, vừa có giá trị lịch sử.

Ông Lạn tâm sự: “Tập ảnh này không chỉ có ý nghĩa với cá nhân tôi, mà còn là bước hành trình của một trung đoàn anh hùng trong cuộc trường chinh đánh đuổi Mỹ - Ngụy. Đó cũng là hình ảnh thể hiện tinh thần, ý chí của quân đội ta và dân tộc ta nên tôi phải có nghĩa vụ giữ gìn, gần như trở thành máu thịt của một đời quân nhân”.

Biết bao người lính đang lưu giữ và nâng niu kỷ vật chiến trường, những thứ tưởng chừng như rất giản đơn nhưng gắn bó với một phần đời của những người từng theo bước chiến chinh. Đó là những vật dụng được làm từ các loại vũ khí, phương tiện của Mỹ (xoong nồi, phích nước, bàn ghế, bình hoa...) của ông Nguyễn Hữu Thường, xã Hưng Thông (Hưng Nguyên); là những tập nhật ký của ông Đặng Duy Huỳnh, xã Phúc Sơn (Anh Sơn); tập giấy nhỏ ghi chép những bài thuốc và cách chữa bệnh được đưa về từ nhà lao Phú Quốc của ông Nguyễn Trường Tộ, phường Đội Cung (thành phố Vinh)...

Rồi, những kỷ vật sẽ được trao truyền cho đời sau, giúp họ hiểu hơn về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, về một thời binh lửa hào hùng.n

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN