Những lưu ý ai cũng cần phải biết về túi khí ô tô

07/05/2017 06:11

Túi khí ô tô là một vật giúp hạn chế và giảm thiểu những chấn thương khi có va chạm xảy ra. Song không phải ai cũng hiểu rõ về túi khí trên mẫu xe của mình.

Ở xe hơi, việc sử dụng hệ thống túi khí giúp hạn chế và giảm thiểu những chấn thương khi có va chạm xảy ra, bảo vệ an toàn của những ngươi trên xe. Tuy nhiên, hệ thống túi khí có cấu tạo như thế nào, bảo vệ an toàn cho người sử dụng ra sao hay các lưu ý về túi khí ô tô thì không phải ai cũng biết.

Cấu tạo của hệ thống túi khí

Túi khí là bộ phận được dùng 1 lần duy nhất trên xe hơi. Khi có sự va chạm thì túi khí sẽ được kích hoạt bởi nhờ các cảm biến trên xe như là cảm biến gia tốc, cảm biến áp suất, cảm biến va chạm, cảm biến áp suất phanh… Về cơ bản, túi khí SRS trải qua 3 giai đoạn chính kể từ khi xe gặp va chạm cho đến khi túi khí bung.

Túi khí ô tô là bộ phận được dùng 1 lần duy nhất trên xe. Ảnh minh họa
Túi khí ô tô là bộ phận được dùng 1 lần duy nhất trên xe. Ảnh minh họa

Đầu tiên, hệ thống điều khiển chính (ACU) điều khiển các cảm biến va chạm, gia tốc, tốc độ và áp lực phanh,... để nhận biết mức độ ảnh hưởng. Khi con số này vượt quá giá trị quy định thì ngòi nổ trong bộ thổi mới đánh lửa.

Tiếp theo, ngòi nổ sản sinh dòng điện có cường độ từ 1A đến 3A trong vòng dưới 2 mili giây để đốt chất mồi lửa và hạt tạo khí để tạo ra lượng khí lớn trong thời gian ngắn. Cuối cùng, túi khí được bơm căng để giảm tác động lực người ngồi trên xe và ngay lập tức khí đó thoát ra ở các lỗ xả phía sau.

Không phải cứ va chạm là túi khí bung

Nhiều người cho rằng, cứ có va chạm thì túi khí ô tô sẽ tự bung nhưng điều này không hoàn toàn đúng. Thực tế, có những trường hợp, xe bị va chạm dẫn tới nát đầu trước, nhưng túi khí vẫn không bung, bởi lẽ lúc này những tính toán điện tử của xe cho thấy, chỉ cần dây đai an toàn là đủ bảo vệ người trên xe, mà không cần thiết đến túi khí.

Không phải cứ va chạm là túi khí ô tô sẽ bung. Ảnh minh họa
Không phải cứ va chạm là túi khí ô tô sẽ bung. Ảnh minh họa

Theo thứ tự phản ứng, khi xe đâm vào vật thể khác, hệ thống khung gầm, thân xe sẽ hấp thụ một phần lực (có thể làm biến dạng), giảm lực tác dụng vào cabin. Sau đó, dây đai an toàn giữ hành khách không lao về phía trước do quán tính. Quá trình phản ứng an toàn sẽ dừng lại tại đây, nếu vụ va chạm không đủ nguy hiểm đe dọa đến tính mạng người trong xe.

Phải thắt dây an toàn túi khí mới bung?

Đây là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm. Thực tế, việc này còn tùy xe của từng hãng. Hầu hết xe Nhật, ví dụ Toyota thiết kế hệ thống túi khí và dây an toàn độc lập nhau. Nếu ECU tính toán vụ va chạm đủ nguy hiểm để bung túi khí thì túi khí sẽ bung mà không cần quan tâm tới dây an toàn có cài hay không.

Tuy nhiên, như Mercedes, hãng xe này lại cấu trúc túi khí và dây an toàn phụ thuộc nhau. Tức là nếu không thắt dây an toàn thì túi khí không bung. Chuyên gia kỹ thuật của Mercedes Việt Nam cho biết, thiết kế túi khí bung khi cài dây an toàn để đảm bảo tổng hợp các phương án bảo vệ người ngồi tốt nhất.

Thực tế việc phải thắt dây an toàn túi khí mới bung còn tùy xe của từng hãng. Ảnh minh họa
Thực tế việc phải thắt dây an toàn túi khí mới bung còn tùy xe của từng hãng. Ảnh minh họa

Nhưng công nghệ vẫn được thiết lập thông minh để trong trường hợp xe nhận thấy va chạm quá nguy hiểm, dù không thắt dây an toàn thì túi khí cũng vẫn bung.

Có một số hãng thiết kế theo nguyên tắc "túi khí chỉ bung khi thắt dây an toàn" và đặt tình trạng cảnh báo cho người dùng. Trên một vài dòng xe, đèn túi khí sẽ báo "Airbag OFF" nếu không thắt dây an toàn và bật sang ON nếu thắt.

Một số hãng xe Đức như Volkswagen, BMW cũng thiết kế hai công nghệ này độc lập. Thậm chí với BMW, nếu người ngồi trên xe không thắt dây an toàn, túi khí còn bung sớm và nhạy hơn trong trường hợp va chạm xét thấy đủ nguy hiểm.

Không nên ngồi quá gần hệ thống túi khí, người lái nên tập cách ngồi đúng vị trí. Ảnh minh họa
Không nên ngồi quá gần hệ thống túi khí, người lái nên tập cách ngồi đúng vị trí. Ảnh minh họa

Một số lưu ý khác

Do hệ thống túi khí khi nổ sẽ có tốc độ rất nhanh cũng như tạo ra lực rất mạnh, không để hoặc lắp thêm đồ vật trên hệ thống túi khí của lái xe và hành khách phía trước.

Không nên ngồi quá gần hệ thống túi khí, người lái nên tập cách ngồi đúng vị trí, cầm vào vành tay lái, không nên để tay lên hệ thống túi khí.

Túi khí sau khi nổ sẽ rất nóng, không nên chạm vào các bộ phận bên trong túi khí sau khi nổ, điều này sẽ khiến bạn bị bỏng.

Không cho trẻ em dưới 12 tuổi ngồi ở hàng ghế phía trước, điều này rất nguy hiểm khi hệ thống dây đai không đủ điều kiện (lực kéo) để hoạt động nên khi hệ thống túi khí bung ra, sẽ rất nguy hiểm khi trẻ nhỏ bị túi khí đập vào người.

Không bao giờ được được dùng ghế trẻ em lắp quay lưng về phía trước đối với xe có trang bị túi khí ghế hành khách phía trước.

Theo VNN

TIN LIÊN QUAN