Sáp nhập sở, ngành: Giải quyết dôi dư lãnh đạo như thế nào?
Ông Bùi Sĩ Lợi: Sáp nhập sở là công việc đụng chạm đến con người, tổ chức, bộ máy và lợi ích của cán bộ công chức.
Tán thành với chủ trương sáp nhập một số sở tương đồng về chức năng, nhiệm vụ theo dự thảo Nghị định của Chính phủ đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến khảo sát, hầu hết các ý kiến băn khoăn về sắp xếp lại lao động dôi dư.
Có chính sách hỗ trợ lao động dôi dư
Chủ trương sáp nhập sở được đánh giá cao bởi giúp tinh gọn đầu mối, tăng cường chức năng quản lý Nhà nước về đa ngành, đa lĩnh vực để tránh chồng chéo, giảm sự cồng kềnh về bộ máy.
Anh Minh Thái ở quận 5, TP.HCM nêu ý kiến: “Đây là chủ trương hết sức tích cực của Đảng và Nhà nước ta. Chính phủ cần sớm ban hành quyết định để ổn định bộ máy hoạt động của các cơ quan cũng như tư tưởng công chức”.
Khéo sắp xếp lao động dôi dư sau sáp nhập sẽ tránh được bất ổn. |
Khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu quan điểm: Sáp nhập sở là công việc đụng chạm đến con người, tổ chức, bộ máy và lợi ích của cán bộ công chức nên chúng ta phải làm thận trọng, công khai và minh bạch, đảm bảo sự đồng thuận cao trong tổ chức, cán bộ, công chức, công nhân viên Nhà nước. Khi tiến hành sáp nhập, chúng ta phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của các sở theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương để bố trí, sắp xếp việc sao cho đúng người, đúng việc.
Về vấn đề giải quyết tình trạng lao động dôi dư sau sáp nhập sở, ông Bùi Sĩ Lợi cho rằng, với những nhân sự dôi dư, chúng ta phải xử lý theo phương án tinh giản biên chế theo quy định của pháp luật. Nhà nước cũng cần phải có chính sách để giải quyết các vấn đề tồn đọng này, chẳng hạn như cho về hưu sớm, về một cục, hoặc các chính sách hỗ trợ khác để người lao động tìm được việc làm mới.
Đồng quan điểm, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, kinh nghiệm trước đây tổ chức nhập tỉnh, nhập nhiều bộ thành bộ liên ngành đa lĩnh vực như Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương... lúc đầu cũng gặp không ít khó khăn nhưng với quyết tâm chính trị cao, cuối cùng vẫn ổn.
Việc dôi dư lao động là tất nhiên, nhưng phải khéo sắp xếp người nào vào việc ấy, chứ không phải để thừa một loạt lao động dôi dư không có việc làm sẽ gây nhiễu loạn trong xã hội. Bài toán này đặt ra cho những nhà tổ chức, quản lý.
Nêu ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn phòng Quốc hội cho rằng, chủ trương sáp nhập này là đúng với điều kiện cải cách phải sâu rộng hơn trong cả một hệ thống chứ không phải chỉ một đôi chỗ. Đồng thời cũng phải tính đến sự ủng hộ của người dân, của Quốc hội; và phải thiết lập thế nào để nó vận hành tốt.
Ông Dũng khẳng định, lượng lao động dôi dư sẽ không quá nhiều bởi dù sáp nhập thì vẫn có những công việc như vậy nên vẫn phải có người đảm nhiệm. Và thực chất vấn đề nằm ở tinh giản đầu mối chứ chỉ không là tinh giản biên chế.
Bảo lưu mức phụ cấp chức vụ cho lãnh đạo
“Cái giảm nhiều chính là giảm lãnh đạo”, ông Nguyễn Sĩ Dũng nhận định - “Đương nhiên điều này không tránh khỏi có sự đụng chạm. Nhưng nếu nhìn nhận theo góc độ: Ai ở vị trí đó cũng là đảng viên, làm theo sự phân công của Đảng chứ không hẳn là thành tựu của người đảm nhiệm chức vụ đó thì tâm tư sẽ đỡ nặng nề hơn”.
Khẳng định khi sáp nhập sở, chắc chắn sẽ dôi dư lãnh đạo, ông Lê Như Tiến cho rằng: “Phải căn cứ tình hình thực tế, tính chất công việc và năng lực của từng người để sắp xếp vị trí, công việc cho phù hợp”.
Ông Bùi Sĩ Lợi cũng cho rằng, khi sáp nhập sở sẽ phải giải quyết tốt công tác lãnh đạo. Đó không chỉ là lợi ích cá nhân, mà có khi còn là lợi ích của cả một nhóm, một đơn vị. Nếu không giải quyết khéo léo, thỏa đáng thì từ xung đột lợi ích sẽ dẫn đến mất đoàn kết trong nội bộ cơ quan đơn vị. Và trong hướng giải quyết, phải lấy lợi ích của đất nước, của nhân dân, của tập thể làm tâm điểm.
Để mỗi cá nhân có sự đồng thuận, chia sẻ, thống nhất, gương mẫu thực hiện, chúng ta cần làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm chuyển biến nhận thức để tạo sự đồng thuận cao trong cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, vấn đề này có thể giải quyết theo nguyên tắc: Bảo lưu mức phụ cấp chức vụ trong thời gian tổ chức, sắp xếp lại công việc để đảm bảo thu nhập của công chức không giảm đi, tác động tiêu cực đến cuộc sống gia đình của cá nhân đó, để họ yên tâm làm việc.
“Dù Nhà nước “hy sinh”, thiệt thòi một chút về những lợi ích tiền lương, phụ cấp nhưng đảm bảo được sự đồng thuận, thống nhất, giải quyết được vấn đề đời sống, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên. Tất nhiên, sau một thời gian nhất định công việc đã được sắp xếp, bố trí ổn định thì hưởng lương việc đó, theo nguyên tắc đó”, ông Bùi Sĩ Lợi nhận định./.
Theo VOV
TIN LIÊN QUAN |
---|