Giám đốc Trung tâm Y tế Nghĩa Đàn: Lo nhất là cán bộ y tế ốm

30/03/2017 14:30

(Baonghean.vn) - Dẫn chứng cho tình trạng thiếu người làm việc, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Đàn Vi Văn Quế bày tỏ, lo lắng nhất là cán bộ, nhân viên y tế ốm.

Bà Lô Thị Kim Ngân - Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm trưởng đoàn khảo sát về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ về dân số, y tế vùng dân tộc thiểu số tại Nghĩa Đàn sáng 30/3.

“Lo nhất là cán bộ, nhân viên y tế ốm”

Tại cuộc làm việc với đoàn khảo sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ về dân số, y tế vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn từ năm 2014-2016, ông Vi Văn Quế - Giám đốc Trung tâm y tế huyện cho biết, kể từ khi thực hiện thông tuyến khám, chữa bệnh, đa phần các huyện, thị trên địa bàn tỉnh đều lo lắng, nhưng riêng Nghĩa Đàn từ năm 2016 đến nay tỷ lệ bệnh nhân tăng.

Theo ông, điều này chứng tỏ chất lượng khám, chữa bệnh, thái độ y đức của cán bộ, nhân viên y tế được nhân dân tin tưởng và đánh giá cao.

Đoàn khảo sát trang thiết bị Phòng Phẫu thuật tại Trung tâm Y tế Nghĩa Đàn. Ảnh: Thu Giang
Đoàn khảo sát trang thiết bị Phòng Phẫu thuật tại Trung tâm Y tế Nghĩa Đàn. Ảnh: Thu Giang

Tuy nhiên, quy định mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 chỉ cho phép bác sỹ đa khoa mới được khám bệnh, khiến địa phương rơi vào tình trạng thiếu người. Ông Quế phát biểu: “Như Trung tâm Y tế của huyện biên chế 31 người, chúng tôi chỉ để 10 người làm công tác dự phòng, còn lại tập trung cho công tác điều trị vì quá thiếu nhân lực. Bởi thế, lo nhất là cán bộ, nhân viên y tế ốm…”.

Người đứng đầu Trung tâm Y tế huyện cũng nêu thực trạng hiện nay Nghĩa Đàn không đủ số bác sỹ về xã. Tại thời điểm chia tách huyện, mỗi xã đảm bảo 1 bác sỹ, nhưng sau đó có một số điều chuyển, nên hiện chỉ có 18/25 trạm y tế xã có bác sỹ. “Vì thế nên có những chương trình đào tạo bác sỹ tại chỗ trong 6 năm, chúng tôi không cử được người đi học, vì cử đi lấy ai ở nhà khám bệnh?”, ông Vi Văn Quế trăn trở.

Chiếu theo Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước, Nghĩa Đàn còn thiếu khá nhiều biên chế, nên thông qua đoàn giám sát HĐND tỉnh, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện kiến nghị tỉnh cho trạm y tế xã cơ chế “ra 1 vào 1” thay vì “ra 2 vào 1”.

“Tâm lý muốn thêm con chứ không phải dân trí thấp”

Chăm sóc bệnh nhân tại Phòng Hồi sức Trung tâm Y tế Nghĩa Đàn. Ảnh: Thu Giang
Chăm sóc bệnh nhân tại Phòng Hồi sức Trung tâm Y tế Nghĩa Đàn. Ảnh: Thu Giang

Từ năm 2014-2016, Nghĩa Đàn xử lý hơn 1.100 trường hợp vi phạm chính sách dân số. Lý giải nguyên nhân tỷ lệ sinh con thứ 3 khá cao, bà Văn Thị Hồng Lam - Trưởng phòng Y tế huyện cho rằng không phải do trình độ dân trí chưa cao hay sinh con một bề mà do tâm lý “thêm con thêm của”.

“Khi chúng tôi vừa nghe thông tin đảo chiều tháp dân số, Việt Nam đang bước vào giai đoạn dân số già thì đã nhận được điện thoại của dân hỏi "chị ơi có phải bây giờ được đẻ thoải mái không’’, nghĩa là họ cập nhật thông tin rất nhanh, kịp thời”, bà Lam cho biết.

Bà lý giải trong xã hội hiện nay, do nhiều nguyên nhân như bệnh tật, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội,… người dân muốn sinh thêm con “dự phòng”, chứ không phải dân trí thấp.

Trưởng phòng Y tế huyện Nghĩa Đàn cũng cho rằng nên có cơ chế gộp cộng tác viên dân số và nhân viên y tế thôn bản lại, bởi kiêm nhiệm vừa tăng mức hỗ trợ cho họ, vừa phù hợp với thực tiễn và phát huy hiệu quả hơn.

Chung quan điểm này, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lương Thanh Hải khẳng định động thái này thuộc thẩm quyền của huyện, và cho biết thêm tỉnh đang khuyến khích kiêm nhiệm các vị trí ở các cấp, bớt người đi, tăng phụ cấp lên, khuyến khích họ làm tốt hơn.

Tuy nhiên, ông Võ Tiến Sỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn lại chỉ ra lý do chưa tiến hành nhập vị trí cộng tác viên dân số và y tế thôn bản là do 2 vị trí này do 2 ngành khác nhau, 2 đơn vị chi trả chế độ, cán bộ chuyên trách dân số được biên chế tại trạm y tế xã, nhưng làm việc tại UBND xã và nhận lương từ trung tâm dân số.

“Đừng xem thẻ BHYT như sổ hưu”

Trao đổi tại buổi làm việc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh đề nghị Nghĩa Đàn phải đẩy mạnh làm tốt công tác tuyên truyền với nhân dân về thẻ BHYT. “Thực tế có những huyện người dân xem thẻ BHYT như sổ lương hưu, đến tháng là phải đi lấy thuốc, nên phải tuyên truyền để bà con hiểu, vận động bà con ốm mới đi khám, góp phần giảm thiểu nguy cơ vỡ quỹ BHXH”, ông Hải nêu.

2 năm qua, việc cấp phát thẻ BHYT tại Nghĩa Đàn còn tình trạng chậm và cấp sai do nhiều yếu tố khách quan, chẳng hạn: do tổng hợp sai ở xóm, xã, huyện; trên thẻ BHYT ko có địa chỉ cụ thể nên không biết ở xóm nào mà phát về; khi loa mời người dân lên nhận thẻ, ai cần gấp thì lên nhận sớm, ai chưa cần thì thôi, thẻ vẫn nằm tại nhà xóm trưởng; nhận thẻ về không kiểm tra kỹ, đến khi khám bệnh mới phát hiện sai…

Ông Vương Đình Nhất - Phó Giám đốc BHXH huyện chỉ ra thêm một số trường hợp khác khá phổ biến: “Một số xã lập danh sách gửi lên tên vợ giống tên chồng, hoặc lấy tên theo sổ hộ khẩu, nhưng tên trên CMND lại khác”.

Ông Nhất cũng cho biết, BHXH Nghĩa Đàn hiện cơ bản đã hoàn thành cấp phát thẻ BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số, tham mưu UBND huyện rà soát hộ nghèo, cận nghèo, hiện đã xong 21/25 xã, thị trấn để thực hiện chế độ cho các đối tượng này theo đúng quy định hiện hành, các trường hợp cấp sai đang gấp rút cấp phát lại, đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Lô Thị Kim Ngân kết luận buổi làm việc. Ảnh: Thu Giang
Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Lô Thị Kim Ngân kết luận buổi làm việc. Ảnh: Thu Giang

Kết luận buổi làm việc, bà Lô Thị Kim Ngân - Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh ghi nhận những kết quả đạt được của huyện Nghĩa Đàn trong giai đoạn vừa qua, đánh giá công tác chỉ đạo triển khai các chính sách hỗ trợ về dân số, y tế vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn đồng bộ và nghiêm túc, về cơ bản đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tuy vậy, theo bà Ngân, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại được nhận diện sau cuộc khảo sát, bao gồm: hạn chế về công tác tuyên truyền về chính sách dân số, thiếu nguồn nhân lực và trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh, quản lý của chính quyền địa phương xã có nơi chưa cụ thể, còn bất cập;… Những vấn đề này được đoàn khảo sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh tổng hợp, nghiên cứu để có kiến nghị phù hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh cũng như các bộ, ngành Trung ương.

Trước đó, sáng cùng ngày, đoàn khảo sát cũng tìm hiểu thực tế điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, công tác khám, chữa bệnh và việc thực hiện chính sách dân số tại Trạm Y tế xã Nghĩa Long và Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Đàn.

Thu Giang

TIN LIÊN QUAN