Chi sai, vượt dự toán hơn 88.000 tỷ
Trong báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra sai phạm khiến chi ngân sách vượt 88.525 tỉ đồng.
Báo cáo trước QH chiều nay về quyết toán ngân sách nhà nước 2015, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết, dự toán thu cân đối NSNN năm 2015 là hơn 911.000 tỷ đồng, dự toán chi NSNN được QH quyết định gần 1,2 triệu tỷ đồng, quyết toán hơn 1.26 tỷ đồng, vượt 7,52% dự toán.
Trong đó quyết toán chi đầu tư phát triển hơn 300.000 tỷ đồng, tăng 37,3% so với dự toán và chiếm 24,4% tổng chi NSNN.
Cụ thể, trong chi đầu tư, dự toán 225.000 tỉ đồng, quyết toán 308.853 tỷ đồng, tăng 83.853 tỉ đồng so với dự toán.
Cơ quan Kiểm toán phát hiện nhiều sai phạm, phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án chưa căn cứ theo kế hoạch phát triển KT-XH.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc. Ảnh: VPQH |
Trong công tác thẩm định, việc xác định tổng mức đầu tư còn sai sót như dự án mở rộng QL1 qua tỉnh Khánh Hoà, dự án nhà máy Diamon Phophat..; điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần với giá trị lớn, phê duyệt dự án đầu tư không phù hợp với quy hoạch ngành, vùng; phê duyệt dự án không thuộc danh mục kế hoạch đầu tư; thực hiện đầu tư khi chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường...
Hồ sơ khảo sát của nhiều dự án còn chưa đầy đủ, thiếu chính xác; hồ sơ thiết kế không phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình thiết kế, thiết kế kỹ thuật không tuân thủ thiết kế cơ sở, vượt định mức hoặc chưa sát với thực tế dẫn đến phải điều chỉnh trong quá trình thi công; dự toán được thẩm tra, thẩm định nhưng khi phê duyệt vẫn còn sai sót.
Cá biệt có trường hợp tổng giá trị dự toán vượt tổng mức đầu tư được duyệt. Đơn cử, dự án xây dựng trụ sở mới Bộ Ngoại giao (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) vượt 1.940 tỷ đồng (5.952,6 tỷ đồng/4.022,6 tỷ đồng).
Dự án này ngay từ khi đàm phán, ký hợp đồng xây dựng cũng không đúng quy định, ký hợp đồng khi biết giá trị vượt tổng mức đầu tư được duyệt hơn 666 tỷ đồng.
Công tác nghiệm thu, thanh toán còn nhiều sai sót về khối lượng, đơn giá, định mức hoặc chưa đầy đủ thủ tục, hồ sơ.
Còn tình trạng nghiệm thu, thanh toán khối lượng chưa thi công; giải ngân vượt tổng mức đầu tư, như dự án nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 giải ngân vượt tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng.
Kết quả kiểm toán 1.228 dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, KTNN kiến nghị giảm trừ 12.399 tỷ đồng.
BOT còn nhiều bất cập
Liên quan đến các dự án BOT, KTNN chỉ rõ còn nhiều điểm bất cập: Chưa có tiêu chí lựa chọn dự án được đầu tư theo hình thức BOT; hầu hết các dự án BOT áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư và chỉ định nhà thầu thi công mà không thực hiện đấu thầu.
Quá trình xác định tổng mức đầu tư của dự án còn sai sót; xác định lưu lượng phương tiện giao thông không phù hợp với thực tế; nghiệm thu, thanh toán còn sai sót; chưa có cơ chế kiểm tra, kiểm soát quá trình thu phí để xác định lưu lượng phương tiện giao thông thực tế qua trạm thu phí; khoảng cách một số trạm thu phí không đảm bảo quy định tối thiểu 70km.
Việc góp vốn chủ sở hữu chưa đúng tỷ lệ cam kết; tiến độ thi công chưa đảm bảo.
KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 27 dự án được kiểm toán (năm 2016 là 21 dự án) so với phương án tài chính ban đầu 107,4 năm, trong đó dự án giảm nhiều nhất là 13 năm 1 tháng.
Theo đó KTNN kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT bổ sung tiêu chí đánh giá năng lực quản lý đầu tư các dự án ngành GTVT vào các quy định đánh giá lựa chọn nhà đầu tư dự án BOT giao thông, đưa thêm chủ thể đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền vào hợp đồng BOT và nêu rõ trách nhiệm, quyền hạn, cơ chế phối hợp, chế tài xử lý trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Đồng thời yêu cầu phải nghiên cứu và đưa ra cơ chế kiểm soát lưu lượng phương tiện qua trạm, kiểm soát doanh thu thực tế của dự án để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong thực hiện dự án BOT giao thông; thường xuyên công khai, cập nhật lưu lượng phương tiện, doanh thu hoàn vốn, thời gian thu phí hoàn vốn của dự án BOT khi đàm phán và ký kết hợp đồng BOT.
Theo VNN
TIN LIÊN QUAN |
---|