Thủ tướng Pháp mê quyền anh, đá bóng

19/05/2017 15:43

Tân Thủ tướng Pháp Édouard Philippe là người rất say mê thể thao. Mỗi tuần ba lần ông tập quyền anh và ông cũng là tín đồ của môn thể thao vua bóng đá.

Édouard Philippe (trái) và võ sĩ Jérôme Le Banner nổi tiếng thế giới đấu tập ở Le Havre (Pháp) - Ảnh: Europe1
Édouard Philippe (trái) và võ sĩ Jérôme Le Banner nổi tiếng thế giới đấu tập ở Le Havre (Pháp). Ảnh: Europe1

Ông Édouard Philippe ít được công chúng biết đến cho đến khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ định ông giữ chức thủ tướng hôm 15-5 vừa qua. Vì thế có lý do khi nhật báo Le Parisien ví von nhiệm vụ thủ tướng của ông chẳng khác gì trận đấu quyền anh hạng nặng. Ban đầu ông chơi quần vợt, sau đó chuyển sang môn quyền anh.

Fan cuồng bóng đá

Jérôme Le Banner, nguyên võ sĩ nổi tiếng thế giới về bộ môn kick-boxing Pháp, đã kể với Đài Europe 1 rằng cách đây hai năm rưỡi, hồi còn giữ chức thị trưởng thành phố cảng Le Havre (năm 2010-2016), ông Édouard Philippe đã đến với môn đấm bốc theo lời đánh cược với một người bạn.

Cứ mỗi tuần ba lần vào 7h sáng, ông lại đến phòng tập ở khu Mont-Gaillard đeo găng tập đấm bốc với sự hướng dẫn của huấn luyện viên Madjid Nassah, thầy của võ sĩ Jérôme Le Banner.

Ông Édouard Philippe giải thích: “Môn thể thao nào cũng giúp thư giãn nhưng đấm bốc tạo cho mình sự tự tin vì cần đến thể lực. Môn này đòi hỏi phải làm chủ bản thân. Bạn phải chế ngự tốt tính hung hăng của bạn và của người đối diện bạn. Chính điều đó đã giúp tôi trở nên bình tĩnh hơn”.

Vị thủ tướng Pháp tâm sự rằng ông rất mê tay đấm huyền thoại Muhammad Ali của Mỹ. Dù bận bịu với công việc thủ tướng nhưng từ nay ông vẫn có thể tập đấm bốc vì trong dinh thủ tướng có một phòng tập có từ thời thủ tướng Manuel Valls.

Say mê đấm bốc nhưng trái tim của tân thủ tướng nước Pháp lại hòa nhịp đập với bóng đá, môn thể thao mà ông đã trở thành fan cuồng. Trò chuyện với Đài France Bleu hồi tháng 4-2016, ông thú thật đã từng mơ ước theo chân thần tượng Michel Platini.

Ông bộc bạch: “Tôi luôn yêu bóng đá. Hồi còn nhỏ tôi mơ trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Tôi luôn nằm mơ thấy mình chơi ở vị trí tiền vệ”. Ông ưa thích Le Havre AC, đội bóng của thành phố Le Havre đang chơi ở giải Ligue 2. Đến bây giờ ông vẫn thường xuyên xỏ giày tranh bóng với các con hay chơi trong đội bóng Quốc hội thường thi đấu với đội lão tướng Variétés Club de France.

Ông Philippe (trái) từng xỏ giày ra sân bóng trong đội nghị sĩ Pháp - Ảnh: FEP
Ông Philippe (trái) từng xỏ giày ra sân bóng trong đội nghị sĩ Pháp. Ảnh: FEP

Từ thể thao đến chính trị

Sở thích bóng tròn của ông Édouard Philippe sẽ rất hạp với tân Tổng thống Emmanuel Macron bởi ông Macron cũng là thần dân túc cầu giáo, fan của đội Olympique de Marseille.

Cũng như Tổng thống Macron, ông Philippe đã tốt nghiệp Học viện Chính trị Paris và Học viện Hành chính quốc gia. Xét ra ông cũng là con nhà nòi chính trị.

Sinh ngày 28/11/1970 tại Rouen, ông Philippe là chắt của một trong những người sáng lập chi bộ Đảng Cộng sản Pháp tại Le Havre. Ông nội ông xuất thân là công nhân cảng, còn cha mẹ ông là giáo viên. Ban đầu ông theo Đảng Xã hội, sau đó gia nhập đảng trung hữu Liên minh Vì phong trào nhân dân (sau đổi tên thành Đảng Những người cộng hòa). Người cha của ba đứa con này từng là luật sư và giám đốc Tập đoàn Areva. Ông giữ chức thị trưởng Le Havre năm 2010, được bầu vào Quốc hội năm 2012 và được chỉ định làm thủ tướng ngày 15-5-2017.

Trên con đường chính trị, ông được chỉ định là người đứng đầu chính phủ trong khi chưa từng kinh qua chức vụ bộ trưởng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến nhận xét ông là người đã tích lũy nhiều kinh nghiệm thực tiễn từ vai trò đại biểu ở địa phương, đại biểu quốc hội và hoạt động trong lĩnh vực tư.

Ông Édouard Philippe gặp ông Macron lần đầu tiên vào năm 2011, từ đó hai người giữ liên hệ thường xuyên. Liệu quan hệ sắp tới giữa tổng thống và người đứng đầu chính phủ có xuôi chèo mát mái như sở thích yêu bóng đá của hai người hay không?

Báo Le Parisien dẫn lời một nghị sĩ quen biết cả hai nhận xét rất lạc quan: “Họ đều tương hợp (trong quan điểm) về nhiều điều như thuế đánh trên tài sản (ISF), giảm chi tiêu công, giảm biên chế công chức. Cuối cùng cả hai đều tràn trề kỳ vọng. Rồi chúng ta sẽ thấy tương lai ra sao...”.

Theo TTO

TIN LIÊN QUAN