'Đưa quê hương vào cho đồng đội': Nghĩa tình những chuyến đi

07/05/2017 06:23

(Baonghean) - Chúng tôi, hàng ngàn cựu chiến binh của Trung đoàn Xô Viết năm xưa đang sống trên mọi miền của đất nước lại kết nối nắm tay nhau tổ chức những cuộc hành quân mang nỗi niềm tri ân đến với những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường Quảng Trị. Những cuộc hành hương “Đưa quê hương vào cho đồng đội” bắt đầu và sẽ mãi tiếp nối...

Đêm ấm rừng đồng đội

Sau khi làm lễ xuất quân tại Nam Anh, Nam Đàn - nơi thành lập Trung đoàn năm 1968, chúng tôi hành quân thẳng vào Quảng Trị. Những ngày cuối tháng Tư trời bỗng trở gió và mưa lạnh như làm một thử thách nhỏ với đoàn hành hương. Khu rừng tràm Cam Thành (Cam Lộ) bỗng bừng ấm lên bởi âm thanh và sắc phục thời chiến của hơn 500 cựu chiến binh Trung đoàn vừa hành quân đến. Chúng tôi bắt đầu “khoa mục” mắc võng trú quân thời chiến - mô phỏng chương trình: “Đêm ấm rừng đồng đội”.

Cựu Cchiến binh Trung đoàn hành quân bắt đầu “khoa mục” mắc võng trú quân thời chiến - mô phỏng chương trình Đêm ấm rừng đồng đội. Ảnh: Trần Cảnh Yên
Cựu Chiến binh Trung đoàn hành quân bắt đầu “khoa mục” mắc võng trú quân thời chiến - mô phỏng chương trình Đêm ấm rừng đồng đội. Ảnh: Trần Cảnh Yên

Loa phóng thanh cơ động của tổng điều hành cuộc hành hương vang lên: “Đoàn Thái Bình mạn Bắc, đoàn Hà Nội phía Tây, đoàn Nghệ An phía Nam; đoàn Hải Dương... tiếng loa của cựu chiến binh Lê Bá Dương bị át đi bởi tiếng gió, tiếng huyên náo của đoàn quân và âm thanh của núi rừng! Thôi thì để các đoàn nằm xen kẽ với nhau có khi lại hay hơn.

Quả vậy, mấy cái võng của các o trong đoàn cựu văn công Quân khu Trị - Thiên đã vây lấy chúng tôi làm cho một khoảnh rừng tràm như sáng lên bởi những bộ cánh bắt mắt và những trang phục biễu diễn đang được chăng phơi đầy các lối đi. Ngoài các thành viên là thân nhân liệt sỹ, còn lại gần như tuyệt đại đa số thành viên tham gia hành hương đều đã lứa tuổi sáu lăm, bảy mươi nhưng họ vẫn nhanh nhẹn tác phong lính chiến.

Có một cựu binh già đang thoăn thoắt buộc dây võng bên cạnh, tôi hỏi chuyện mới biết ông năm nay đã 88 tuổi. Ông tự giới thiệu: “Tui là Nguyễn Hữu Nghị nguyên là y tá của C3/D3 quê Trường Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh từng tham gia cả 5 chuyến hành hương rồi đó chú à”.

Chỉ trong chốc lát khu rừng tràm đã chằng chịt các loại võng bạt, võng dù, võng lưới và dây phơi quần áo. Những chiếc loa thùng bắt đầu sột soạt chỉnh âm rồi gần như cả khu rừng tràm Cam Thành cùng nổi lên bản “hợp xướng tổng hợp” của Trường Sơn những ngày ra trận! “Đời mình là một khúc quân hành...” - Hình như lời hát cất lên là tốp ca của đoàn Hà Tĩnh; “Trên đỉnh Trường Sơn ta lại gặp nhau giữa mùa đi chiến đấu...” - Một giọng nam cao không biết của đoàn nào đang vút lên thật hào sảng!

“Dừng chân bên suối võng đưa...” - một giọng ca nữ vút lên, nghe giọng hát có lẽ cô gái còn trẻ lắm, tôi lách qua những cánh võng chằng chịt và bắt gặp hai cô gái mặc áo lính đang đung đưa võng và say sưa hát. “Chúng em quê Hải Dương... em nhập ngũ sau này, còn đây... cháu nó là thân nhân của liệt sỹ...”. Lòng tôi bỗng nghèn nghẹn, tôi biết trong chuyến hành hương lần này và những lần trước đây đã có hàng chục, hàng trăm thân nhân liệt sỹ theo chúng tôi thăm lại mảnh đất nơi cha anh họ đã từng thấm máu! Cô gái vừa hát “Bài ca bên cánh võng” còn trẻ lắm, chắc phải là thế hệ bậc cháu của liệt sỹ.

CCB Nguyễn Hữu Nghị 88 tuổi tham gia hành hương. Ảnh: Trần Cảnh Yên
CCB Nguyễn Hữu Nghị 88 tuổi tham gia hành hương. Ảnh: Trần Cảnh Yên

Chúng tôi nhận những suất cơm hộp được các mẹ, các chị ở các thôn mang đến rồi bày biện ngay ngắn từng khóm trên thảm lá tràm khô cùng thắp hương khấn mời đồng đội dùng bữa. Cả khu rừng dường như chìm lắng trong khói hương của phút niệm cầu các linh hồn đồng đội! Tất cả bắt đầu được khơi nguồn từ tiếng lòng: “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm” của nhà báo - chiến sĩ Lê Bá Dương.

Bộ đội về làng

Rời rừng tràm Tân Lâm, Hồ Khê đá bạc, rời những Đầu Mầu, Pu Lơ, Dốc Miếu... những địa danh là chứng tích của những trận đọ sức khốc liệt của trung đoàn năm xưa, chúng tôi lại trở về đồng bằng. “Mẹ đón quân ta về nhà nghỉ lại...”, chúng tôi lại say sưa hát. Quật Xá (Cam Thành,Cam Lộ), Phương Ngạn (Triệu Long, Triệu Phong), Hiền Lương (Vĩnh Thành, Vĩnh Linh), tới An Đôn (thị xã Quảng Trị), đi đến đâu đoàn hành hương cũng được bà con và cán bộ địa phương thân tình đón tiếp. Chúng tôi như được sống lại trong không khí sục sôi của những ngày chung lưng đấu cật, đánh giặc giữ làng năm xưa!

Cũng như những chuyến hành hương lần trước, mặc dù đã có kế hoạch chi tiết phân bổ quân số “bộ đội về làng” cho từng thôn, từng khu phố xuống tận các hộ gia đình nhưng cũng không tránh khỏi những sự cố “mất công bằng” đã phát sinh. Có nhiều mẹ, nhiều chị đã đến gặp trưởng thôn không được giải quyết lại tìm đến tổng chỉ huy Lê Bá Dương để “kiện cáo” vì nhà họ đã đăng ký rồi mà không được nhận nuôi bộ đội.

Chúng tôi về “xôn xao” làng không còn bé nhỏ, thôn xóm, phố phường đã sầm uất, khang trang. Cờ đỏ, băng rôn khẩu hiệu chào mừng đoàn hành hương chăng rợp đường làng, ngõ phố. Sau bữa cơm chiều chung vui đầm ấm với các gia đình, chúng tôi trở về sân nhà văn hóa của thôn tổ chức giao lưu với bà con và các đoàn thể của địa phương.

Hòa đất nước quê hương vào lòng Thạch Hãn

Với tâm nguyện không đưa được đồng đội đã hy sinh về với quê hương thì sẽ đưa quê hương vào cho đồng đội, từ tháng 4/2009, chương trình hành hương “Đưa quê hương vào cho đồng đội” đã được những người lính từng một thời trận mạc thuộc mặt trận Quảng Trị - nòng cốt là các đồng đội trung đoàn 27 Triệu Hải (Nguyên là Trung đoàn 27 Xô Viết Nghệ Tĩnh) Sư đoàn 390 - Quân đoàn 1 lần lượt ủng hộ đã tổ chức và thực hiện thành công.

Đêm thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn. Ảnh: Trần Cảnh Yên
Đêm thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn. Ảnh: Trần Cảnh Yên

Đây là cuộc hành hương quy mô lớn lần thứ 5 tính từ năm 2009 đều do CCB nhà báo Lê Bá Dương khởi xướng và chủ trì tổ chức. Điểm dừng chân cuối cùng của đoàn hành hương là khu đền thờ liệt sỹ tại bến thả hoa bắc bờ sông Thạch Hãn (thị xã Quảng Trị). Sau bữa cơm “giỗ đồng đội” do Trung tâm từ thiện-tri ân Quảng Trị tổ chức, chúng tôi bắt đầu chuẩn bị cho sự kiện trọng đại nhất của chuyến hành hương là “Hòa đất nước sông quê vào lòng Thạch Hãn”. Đất và nước được lấy từ Hoàng thành Thăng Long, Hồ Gươm; từ Đền Hùng, sông Thao; từ sông Lam, núi Quyết; cùng với đất “Mười tám thôn vườn trầu Hóc Môn”, nước sông bến nhà Rồng... đã được hòa chung trong một nghi lễ trang nghiêm trước khi hóa vào lòng sông Thạch Hãn, nơi yên nghỉ các linh hồn chiến sỹ trong 81 ngày đêm của mùa hè Thành cổ đỏ lửa.

Nghi lễ hòa đất nước quê hương vào lòng Thạch Hãn. Ảnh: Trần Cảnh Yên
Nghi lễ hòa đất nước quê hương vào lòng Thạch Hãn. Ảnh: Trần Cảnh Yên

Hơn một vạn ngọn nến hoa đăng và hàng trăm bè hoa đã được tập kết tại bến sông bờ bắc. Sau hồi chuông thỉnh hồn liệt sỹ, những dòng người nối nhau trong tĩnh lặng đi xuống bến sông. Những bè hoa cắm hương được thả xuống mặt nước, hàng ngàn đốm lửa hoa đăng như những ánh mắt nhấp nháy trong đêm tri ân linh hồn các liệt sỹ. Đêm Thạch Hãn, đêm của dòng sông hoa lửa - khúc bi tráng cuối cùng chặng hành hương; nhưng cũng chính trong đêm nay, chúng tôi tin rằng cái đêm hòa đất, nước quê hương vào lòng Thạch Hãn cũng là sự khởi đầu cho những cuộc hành hương không bao giờ dứt của những người ở lại!

Trần Cảnh Yên

TIN LIÊN QUAN