Agribank Nghệ An: chủ lực đầu tư phát triển 'tam nông'

09/06/2017 21:05

(Baonghean) - Hoạt động tại địa phương có diện tích lớn nhất cả nước, với dân số trên 3,5 triệu người, Agribank Nghệ An luôn khẳng định vai trò chủ lực của NHTM Nhà nước trong việc vừa đảm trách nhiệm vụ chính trị, thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, đảm bảo an sinh xã hội, vừa kinh doanh hiệu quả trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Agribank Nghệ An tự hào là đơn vị giữ vị thế chủ đạo trên thị trường tài chính nông thôn, bạn đồng hành chung thủy với nông nghiệp, nông thôn và nông dân trên địa bàn.

Chủ lực đầu tư phát triển “tam nông”

Agribank Nghệ An hiện có trên 1.000 cán bộ, 69 điểm giao dịch có quy mô tại 21 huyện, thị xã, thành phố. Nắm rõ nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp địa phương đối với việc phát triển kinh tế, làm giàu ngay trên quê hương, trên cơ sở định hướng phát triển chung của Agribank, Agribank Nghệ An ưu tiên tập trung đầu tư vào lĩnh vực truyền thống, sở trường đó là nông nghiệp, nông thôn, cũng như các lĩnh vực ưu tiên đầu tư theo chủ trương của Đảng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.

Trụ sở Agribank Nghệ An.
Trụ sở Agribank Nghệ An.

Đến ngày 31/05/2017, Agribank Nghệ An tiếp tục trong tốp dẫn đầu các ngân hàng thương mại trên địa bàn với tổng nguồn vốn đạt trên 22.170 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 19.307 tỷ đồng (có trên 150 ngàn khách hàng được phục vụ và vay vốn tại các chi nhánh, điểm giao dịch của Agribank Nghệ An). Trong đó: Tiền gửi tiết kiệm từ các đối tượng khách hàng cá nhân chiếm tỷ trọng 93%, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của chi nhánh chiếm tỷ trọng trên 88% tổng dư nợ. Hoạt động phát triển sản phẩm dịch vụ của chi nhánh cũng đạt những kết quả tích cực, với kết quả thu dịch vụ 44,5 tỷ đồng đã góp phần cùng hệ thống Agribank đạt tỷ lệ thu ngoài tín dụng cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ phục vụ nhu cầu của khách hàng, đối tác trong giao dịch thanh toán… Đây là kết quả đầy khích lệ đối với Agribank Nghệ An, nhất là trong bối cảnh hoạt động tín dụng trên địa bàn đã và đang tiếp tục chịu sức ép từ sự cạnh tranh gay gắt.

Thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách

Thể hiện vai trò, nhiệm vụ chính trị của một ngân hàng thương mại nhà nước, Agribank Nghệ An luôn đi đầu trong chuyển tải vốn cho mọi thành phần của nền kinh tế trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đi đầu triển khai thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản,... với nhiều nhóm giải pháp đưa ra để thực hiện nhằm phù hợp với thực tiễn địa phương. Các chi nhánh thực hiện chính sách tín dụng tốt, có quy mô dư nợ cao như TP. Vinh, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương.

Hiện đã có nhiều khách hàng được vay vốn tại các chi nhánh Agribank Nghệ An đầu tư có hiệu quả. Đó là trường hợp ông Ngô Văn Ngoãn, xóm 10, xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ), vay vốn 2,6 tỷ đồng, đã có quan hệ vay vốn Agribank Tân Kỳ 15 năm nay, đầu tư phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi bò sữa, vừa rồi đã được Chủ tịch nước đến thăm nhân dịp 30/4/2017; bà Phạm Thị Dung, ở thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương, vay vốn 1 tỷ đồng, đã quan hệ nhiều năm vay vốn tại Agribank Đô Lương, đầu tư kinh doanh lương thực; hay ông Nguyễn Ngọc Trung, thôn Tiến Thanh, xã Chi Khê (Con Cuông), vay vốn 750 triệu đồng, đầu tư xây dựng nhà tưới làm rau sạch, trồng cây giống, cây ăn quả.

Agribank Nghệ An trao quà Tết cho hộ nghèo.
Agribank Nghệ An trao quà Tết cho hộ nghèo.

Ngoài ra, chương trình cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản với tổng dư nợ trên 101 tỷ đồng, trong đó Diễn Châu 13,9 tỷ đồng, Quỳnh Lưu 50,7 tỷ đồng, thị xã Hoàng Mai 37 tỷ đồng.

Thời gian tới, Agribank Nghệ An xác định tiếp tục tăng mức đầu tư, đảm bảo đủ vốn cho nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của khách hàng, đồng thời đẩy mạnh đầu tư công nghệ hiện đại, tiếp tục mở rộng mạng lưới hoạt động, phát triển các kênh phân phối hiện đại thông qua ATM, POS, Mobile Banking, Internet Banking… sẵn sàng cung ứng kịp thời nhu cầu sử dụng dịch vụ của mọi đối tượng khách hàng. Qua đó, đưa Agribank Nghệ An không chỉ là NHTM chủ lực trong đầu tư phát triển “tam nông” mà còn là tổ chức tín dụng tiên phong trong phát triển sản phẩm dịch vụ tiện ích.

Song hành với hoạt động kinh doanh hiệu quả, Agribank Nghệ An luôn phát huy trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng thông qua đầu tư nguồn kinh phí cho các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện trên địa bàn. Đáng chú ý, chi nhánh là NHTM đã có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới với kinh phí đầu tư lớn. Từ năm 2010 đến năm 2015 đầu tư trên 19 tỷ đồng công tác xã hội từ thiện. Riêng năm 2016, tài trợ xây dựng Trạm Y tế xã Nghi Vạn (Nghi Lộc) 2,5 tỷ đồng; Nhà truyền thống giáo dục kiêm Bảo tàng Phan Đăng Lưu (Yên Thành) 2 tỷ đồng; Xây dựng nhà học đa chức năng Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn (Diễn Châu) 5 tỷ đồng; Chi tài trợ khuyến học cho Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn 500 triệu đồng. Năm 2017, tiếp tục phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh để thực hiện chính sách hỗ trợ mỗi địa phương huyện, thị xã, thành phố từ 1 - 2 nhà tình nghĩa, với tổng số tiền chi phí trên toàn tỉnh Nghệ An dự kiến trên 1 tỷ đồng.

Năm 2017, Agribank Nghệ An phấn đấu đạt nguồn vốn tăng từ 16 - 18%; tỷ lệ tiền gửi dân cư tối thiểu chiếm 90%/tổng nguồn vốn. Dư nợ cho vay tăng từ 15 - 17% (trong đó, tỷ lệ dư nợ cho vay trung, dài hạn chiếm 48% trên tổng dư nợ; tỷ lệ dư nợ nông nghiệp nông thôn 80%/tổng dư nợ).

Để đạt mục tiêu đề ra, Agribank Nghệ An tiếp tục bám phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương từng thời kỳ, diễn biến của thị trường, chủ động đề ra các giải pháp phù hợp trong hoạt động kinh doanh, phấn đấu đạt kết quả cao nhất theo mục tiêu đề ra. Tích cực tìm kiếm, lựa chọn khách hàng đủ điều kiện để mở rộng cho vay. Tiếp tục phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ đẩy mạnh triển khai cho vay qua tổ. Tập trung khai thác khách hàng hộ gia đình cá nhân kinh doanh quy mô nhỏ nhằm tăng đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn.

Đẩy mạnh cho vay theo Nghị định 55 của Chính phủ. Tích cực tìm kiếm khách hàng doanh nghiệp có đủ điều kiện để mở rộng cho vay, tiếp tục triển khai cho vay theo Nghị định 67 của Chính phủ, cho vay theo Quyết định 68... Phấn đấu cho vay vốn phục vụ tốt sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đủ vốn cho vay sản xuất mùa vụ, chăn nuôi, chế biến, cho vay phục vụ đời sống theo quy định của ngân hàng cấp trên. Tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng tín dụng, thực hiện tốt kiểm tra trước, trong, sau khi cho vay, công tác thẩm định phải chú trọng hiệu quả kinh tế của dự án.

Bám sát khách hàng đôn đốc thu hồi nợ đúng hạn, hạn chế nợ xấu phát sinh, đảm bảo tỷ lệ nợ xấu dưới mức cho phép, kiểm soát chặt chẽ việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Đẩy mạnh phát triển toàn diện các sản phẩm dịch vụ, đặc biệt quan tâm chỉ đạo cụ thể đối với các sản phẩm dịch vụ thời gian qua còn phát triển chậm. Tổ chức tốt công tác thanh toán trong và ngoài nước, chi trả kiều hối, dịch vụ chuyển tiền, kinh doanh ngoại tệ, bảo hiểm ABIC, sản phẩm thẻ, dịch vụ thu tiền điện, tiền nước sinh hoạt, điểm giao dịch chứng khoán....

Nguyễn Thanh Toàn

(Agribank Nghệ An)

TIN LIÊN QUAN