Di dời khẩn cấp 95 hộ dân ở khu vực xây dựng thủy lợi Bản Mồng
(Baonghean) - Hiện nay, xã Châu Hội có 198 hộ nằm trong diện bị ảnh hưởng ngập lụt của thủy lợi bản Mồng, trong đó có 95 hộ bắt buộc phải di dời khẩn cấp.
Ông Kim Văn Lý ở bản Bình 3, xã Châu Bình (Quỳ Châu) - một trong những hộ dân tái định cư xen dắm chia sẻ: Đất của gia đình trước đây rộng hơn 5.000 m2, nhưng chúng tôi đã nhường cho công trình thủy lợi Bản Mồng. Gia đình đã nhận tiền đền bù, xây được căn nhà mới nhưng tổng diện tích nơi ở mới chỉ được 500 m2 nên thiếu đất sản xuất...
Cũng tại đây, khu vực kênh thông hồ Châu Bình vừa qua bị sạt lở, nếu không khắc phục kịp thời sẽ là nguy cơ gây sạt lở vào đất thổ cư của người dân tái định cư.
Kiểm tra tại bản Kẻ Lè xã Châu Hội (Quỳ Châu) - nơi có nguy cơ ngập nước mùa mưa lũ. Ảnh Văn Trường |
Hạng mục công trình kênh tiêu Châu Bình chiều dài gần 10km, đi qua hai xã Châu Bình (Quỳ Châu) và Yên Hợp (Quỳ Hợp) được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt theo Quyết định số 3879 QĐ- UBND-NN ngày 9/10/2012 với số vốn 756 tỷ đồng. Dự án hoàn thành sẽ đảm bảo tiêu thoát lũ vùng trung tâm thị tứ xã Châu Bình; cấp nước và tạo nguồn cấp nước cho 180ha nông nghiệp và nước sinh hoạt, chăn nuôi, góp phần tích cực cải tạo môi trường sinh thái trong khu vực, kết hợp phát triển du lịch, dân sinh, phòng chống lũ hạ du... Công trình được khởi công vào tháng 10/2014, tuy nhiên đến nay nhiều chỗ bị sạt lở nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, hiện nay có khá nhiều hộ dân của xã Châu Hội nằm trong diện ngập úng phải di dời tái định cư nhưng vẫn chưa được di dời.
Ông Hà Văn Dũng ở bản Kẻ Lè, xã Châu Hội cho hay: “Gia đình nằm trong diện di dời của khu vực đập chính Dự án thủy lợi Bản Mồng, tuy nhiên, đến nay chưa thấy tiến hành các thủ tục để di dời. Chúng tôi vẫn phải ở nhà tạm, không dám xây dựng công trình nhà cửa, hiện vào mùa mưa thì bị ngập úng; rất mong các cấp, ngành cần vào cuộc để chúng tôi sớm được di dời ổn định cuộc sống”.
Hiện nay, xã Châu Hội có 198 hộ nằm trong diện bị ảnh hưởng ngập lụt do quá trình ngăn đập tích nước hồ thủy lợi, trong đó có 95 hộ bắt buộc phải di dời khẩn cấp. Huyện đã khảo sát chọn địa điểm tái định cư tại xã Châu Bình, dự kiến cần diện tích 500ha để tiến hành xây dựng hạ tầng tái định cư, nhưng do đây là vùng quản lý của 2 đơn vị là Lâm trường Quỳ Châu và Lâm trường Cô Ba, các thủ tục liên quan đến thu hồi đất thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh nên huyện mới chỉ có đóng vai trò lập phương án trình duyệt.
Kênh tiêu Châu Bình - Quỳ Châu sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống bà con tái định cư thủy lợi bản Mồng. Ảnh Văn Trường |
Ông Lê Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết: Tính đến thời điểm này huyện đã tiến hành lập hồ sơ đền bù cho 522/531 hộ dân bị ảnh hưởng với tổng kinh phí phê duyệt 151,6 tỷ đồng. Huyện khảo sát trình UBND tỉnh xem xét quy hoạch khảo sát lựa chọn địa điểm khu tái định cư khu vực Đồng Lùng xã Châu Bình rộng 254 ha.
Cùng đó, tiến hành quy hoạch chi tiết khu tái định cư dốc 77 thuộc bản Lầu 2 là 56 ha, khu vực bản Kẻ Can (xã Châu Bình) 106 ha. Huyện cũng đang phối hợp với các ngành liên quan tổ chức họp tham vấn cộng đồng để lấy ý kiến di dân tái định cư xen dắm trên địa bàn. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn do công tác quy hoạch chi tiết xây dựng các khu tái định cư còn chậm; hồ sơ trích lục, trích đo một số hạng mục phát sinh chưa được phê duyệt.
Trong đợt kiểm tra tại vùng ảnh hưởng Dự án thủy lợi Bản Mồng mới đây, ông Nguyễn Thanh Hiền - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh yêu cầu UBND huyện Quỳ Châu cần chỉ đạo các lực lượng có phương án lập quy hoạch các khu tái định cư để nhanh chóng di dời dân vùng bị ảnh hưởng. Với các hộ chưa chấp nhận đền bù để di dời cần vận động thuyết phục, áp dụng đúng các quy định hỗ trợ, đền bù để chi trả kịp thời. Đặc biệt cần khắc phục các điểm sạt lở trên tuyến kênh thông hồ Châu Bình để người dân tái định cư yên tâm ổn định cuộc sống.
» Giáo dân Nghệ An vạch trần sự biến chất của linh mục Nguyễn Đình Thục
Văn Trường