Bệnh viện trần tình lý do mua hóa chất, vật tư đắt gấp 6 lần

25/05/2017 09:25

Viện Huyết học Truyền máu Trung ương giải thích đã mua 2 loại hóa chất đắt hơn cơ sở khác do nhà cung cấp tính sai đơn giá.

Thạc sĩ Lê Lâm, Phó Viện trưởng Huyết học Truyền máu Trung ương cho rằng, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước liên quan đến Viện chưa chính xác. Kiểm toán nhận định Viện Huyết học Truyền máu Trung ương mua hóa chất Series Retic Park reagen kit, 1x380 ml+1.900 ml đắt gấp 5,8 lần so với giá tại Bệnh viện Thống Nhất.

Ông Lâm cho biết đã yêu cầu công ty cung ứng loại hóa chất này giải thích với bệnh viện. Theo đó, hóa chất Series Retic Park reagen kit không có giá 2,8 triệu đồng như báo cáo kiểm toán. Thực tế giá trúng thầu tại Bệnh viện Thống Nhất gần 11 triệu đồng, còn cung ứng cho Viện Huyết học là gần 17 triệu đồng.

"Sở dĩ có mức giá chênh như vậy là do nhân viên công ty tính sai đơn giá. Vì vậy, dù trúng thầu nhưng công ty cũng không thể cung cấp mặt hàng này cho Bệnh viện Thống Nhất", ông Lâm giải thích.

benh-vien-tran-tinh-tai-sao-mua-hoa-chat-vat-tu-dat-gap-3-6-lan

Giáo sư Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Huyết học Truyền máu Trung ương. Ảnh: N.P.

Giáo sư Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Huyết học Truyền máu Trung ương cho biết thêm, giá trúng thầu tại Viện so với các bệnh viện khác trên cả nước đều ngang nhau, thậm chí tại Viện có thể rẻ hơn. Trong năm 2015, Viện đấu thầu 4 gói thầu hóa chất, tương ứng với 1.000 hoạt chất, có gói giảm 23% so với giá kế hoạch Bộ Y tế phê duyệt.

Về sự chênh lệch giá một thùng Diff Timepac 2x2075 ml được kiểm toán cho là gấp 3 lần giá tại Bệnh viện Chợ Rẫy, lãnh đạo Viện giải thích do 2 hộp hóa chất này có quy cách đóng gói và hàm lượng khác nhau. Vì thế, việc so sánh này không thể hiện đúng bản chất. So với các bệnh viện khác như K, Việt Đức, Bạch Mai thì giá này tương đương nhau, dao động 40-42 triệu đồng.

Bệnh viện Chợ Rẫy được Kiểm toán nhiều lần viện dẫn các mức giá vật tư để đối chiếu với giá cùng loại ở các bệnh viện khác. Giải thích cho sự chênh lệch này, đại diện Chợ Rẫy đơn cử thùng Diff Timepac 2x2075 ml, tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương có giá 42.607.000 đồng.

Hóa chất thuộc chủng loại thuốc thử pha sẵn cho phản ứng peroxidase cytochemical reaction, dùng để xét nghiệm tìm gốc tự do. Diff Timepac chỉ chạy trên thiết bị Siemens - USA. Loại ở Chợ Rẫy có quy cách đóng gói 9070 ml một thùng, giá trúng thầu 3.190 đồng/ml, tương đương giá 28.933.300 đồng một thùng.

Chiếc kim cánh bướm tại Bệnh viện Việt Đức theo Kiểm toán giá 1.090 đồng, ở Bệnh viện Chợ Rẫy giá 7.350 đồng, tức chênh nhau 6,7 lần. Đại diện Chợ Rẫy cho biết, đây là tên gọi chung cho thiết bị dùng để truyền thuốc vào tĩnh mạch. Trên thị trường có nhiều loại với các mức giá khác nhau.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy yêu cầu từ các khoa lâm sàng đưa lên là phải sử dụng loại kim cánh bướm an toàn G23 dài 30 cm. Khi Chợ Rẫy mời thầu, tiêu chí an toàn được thể hiện trong 4 yêu cầu là đầu kim bằng CrNi phủ silicon, đảm bảo sắc bén nhưng trơ nhẵn để hạn chế tối thiểu tổn thương thành mạch; gắn khóa Luer giúp chống trào ngược dịch, bọt khí; không có chất phụ gia DEHP là chất độc gây rối loạn nội tiết; kim đã gắn cố định với dây nối 30 cm.

Giá dự kiến mua sắm kim cánh bướm an toàn G23 dài 30 cm năm 2015 bệnh viện đề xuất theo báo giá của nhà cung cấp là 7.350 đồng mỗi kim. Thời điểm đó chỉ có một nhà cung cấp là công ty từ Thái Lan. Bệnh viện đã lấy giá tham khảo này đưa vào kế hoạch xin Bộ Y tế, sau đó trúng thầu giá 6.300 đồng một kim.

Giá một hộp Cleaning Solution (Clean A), 1x500 ml tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là 5.067.000 đồng, đắt gấp 3,1 lần Bệnh viện Chợ Rẫy. Giải thích về lý do giá rẻ hơn, đại diện Chợ Rẫy cho biết năm 2015, hóa chất Cleaning Solution tương ứng với sản phẩm ISE Cleaning Sol. Đây là dung dịch chỉ dùng để rửa máy của hãng Roche.

Với quy cách đóng gói 5 x 100 ml một hộp, giá kế hoạch khi được Bộ Y tế phê duyệt và sau đó trúng thầu là 3.416 đồng/ml, tương đương 1.708.000 đồng một hộp 500 ml.

benh-vien-tran-tinh-tai-sao-mua-hoa-chat-vat-tu-dat-gap-3-6-lan-1

Chiếc kim bướm tại Bệnh viện Chợ Rẫy đắt gấp 6,7 lần ở Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: Lê Phương.

Là một trong những bệnh viện tuyến trung ương bị cho là có các trang thiết bị y tế chưa hết thời gian tính hao mòn đã hỏng, tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương giải thích do "sử dụng công suất lớn, thường xuyên nên các máy này hỏng sớm trước thời gian khấu hao".

Trong đó, hệ thống tagMan PCR-Roche mà Kiểm toán Nhà nước nêu tên thực chất được bệnh viện mượn của một công ty, dùng để đo tải lượng virus HIV, virus viêm gan B, viêm gan C trong cơ thể bệnh nhân. Máy hỏng thì công ty kia phải chịu.

Nhìn chung hầu hết bệnh viện có tên trong báo cáo kiểm toán đều cho rằng, cùng một hóa chất nhưng tùy thuộc nhà sản xuất, sử dụng trên thiết bị nào, quy cách đóng gói ra sao... sẽ quyết định những mức giá khác nhau.

Hiện nay trong đấu thầu thuốc, tất cả giá được cơ quan quản lý nhà nước đưa lên website, bệnh viện có thể tra cứu để tham khảo. Với đấu thầu vật tư thiết bị y tế, vì chưa có thông tin giá cả hàng hóa nên mỗi bệnh viện chỉ gửi công văn đến Bộ Y tế phê duyệt rồi về tự đấu thấu mà chưa thể tra cứu các nơi để có sự so sánh giá, dẫn đến vênh giá nhau ở nhiều bệnh viện.

Báo cáo trong kỳ họp Quốc hội hôm 23/5, đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết kết quả kiểm toán công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế năm 2015 phát hiện nhiều bất cập.

Theo đó, Bộ Y tế phê duyệt giá kế hoạch giữa các bệnh viện hầu hết là khác nhau cho một loại vật tư, hóa chất của cùng một nhà cung cấp. Điều này dẫn đến sự chênh lệch rất lớn giữa giá được phê duyệt cao nhất và thấp nhất đối với một loại vật tư, hóa chất.



Theo VNE

TIN LIÊN QUAN