Học sinh phải học quá nhiều Toán và tiếng Việt

09/05/2017 16:53

Tính tổng thời lượng dành cho việc học Toán, tiếng Việt của học sinh tiểu học lên tới gần 62% tổng thời lượng các môn hiện nay. Thế nhưng thực tế học sinh Việt Nam vẫn rất dốt Văn?

TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội, tiếp tục góp ý về dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

hoc-sinh-phai-hoc-qua-nhieu-toan-va-tieng-viet

TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Nhìn vào bảng phân chia số tiết học giữa các môn ở bậc tiểu học theo dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, tôi có nhiều trăn trở. Thời lượng dành cho Toán, tiếng Việt quá lớn.

Cả 5 lớp bậc tiểu học đều dành số tiết nhiều nhất cho hai môn trên. Ở lớp 1, tiếng Việt có 420 tiết một năm, lớp 2 là 350 tiết, lớp 3 là 280. Trong khi đó các môn rèn luyện về thể chất, lối sống, cuộc sống quanh ta chỉ 70 tiết. Vì sao giai đoạn trẻ cần được chú trọng giáo dục để hình thành và phát triển hài hòa thể chất lẫn tinh thần lại phải học quá nhiều ở môn tiếng Việt?

Trong chương trình hiện hành của bậc tiểu học, ngoài thời lượng dành cho việc dạy nội dung chính môn tiếng Việt và Toán, những giờ học hướng dẫn thực chất cũng chỉ để làm bài tập hai môn này. Tỉnh tổng thời lượng dành cho việc học Toán, tiếng Việt của học sinh tiểu học lên tới gần 62% tổng thời lượng các môn hiện nay. Thế nhưng thực tế, học sinh Việt Nam vẫn rất dốt Văn?

Việc đánh giá học tập của học sinh cũng bị thiên về kết quả học tập của Toán, tiếng Việt. Ở cấp THCS, THPT hai môn này được coi là tiêu chí đánh giá học sinh giỏi, tiên tiến, trung bình. Các môn khác chỉ được tính tổng điểm. Ở cấp tiểu học, Toán, tiếng Việt còn có vị thế cao hơn nhiều. Đây là hai môn duy nhất có kiểm tra/thi cuối kỳ, cuối năm để đánh giá chất lượng học tập của học sinh. Các môn khác không thi, giáo viên chỉ cần đánh giá định tính.

Sự phân bố và đánh giá môn học thiên lệch dẫn đến việc học thêm học nếm, học lệch kéo dài suốt bao năm qua. Chương trình học ở trong trường không nặng nhưng vì muốn điểm cao, cha mẹ vẫn miệt mài cho con đi học lớp nâng cao Toán, tiếng Việt, Ngoại ngữ. Chính điều này đã khiến trẻ mệt mỏi.

Việc đánh giá đổ dồn vào môn Toán, tiếng Việt, Ngoại ngữ, các môn học còn lại mặc nhiên được coi là phụ cũng khiến trẻ em không được học tập các môn khác nghiêm túc.

hoc-sinh-phai-hoc-qua-nhieu-toan-va-tieng-viet-1

Bảng phân bố số tiết giữa các môn học hiện nay của chương trình tiểu học Việt Nam.

Chúng ta vẫn biết giáo dục Việt Nam nặng kiến thức, ít thực tiễn. Một trong những nguyên nhân rõ nét là chúng ta đã biến các môn học thực tiễn thành môn phụ bằng chính sự đánh giá thiên lệch này. Học sinh Việt Nam tốt nghiệp đại học nhưng rất kém hiểu biết về Lịch sử, Địa Lý, Sinh vật… Hệ lụy rất rõ nét thể hiện ở chỗ chúng ta suy đoán và hành động nhiều khi rất cảm tính và phản khoa học.

Khi các môn không được đánh giá công bằng, chắc chắn hiện tượng môn chính, môn phụ sẽ xuất hiện và đóng đinh trong suy nghĩ của học sinh, giáo viên và phụ huynh. Từ đó, việc học lệch sẽ xuất hiện và để lại nhiều các hệ lụy.

Hát nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, Lịch sử, Địa lý, Sinh vật… là những bộ môn tạo nên hiểu biết và văn hóa con người. Việc coi thường những môn học này chính là nguyên nhân tạo ra sự thiếu hiểu biết và kém văn hóa.

hoc-sinh-phai-hoc-qua-nhieu-toan-va-tieng-viet-2

Bảng phân bố số tiết giữa các môn học trong chương trình tiểu học của Phần Lan.

Ở tiểu học của Phần Lan, tỷ lệ các giờ Toán và tiếng mẹ đẻ chỉ chiếm 52%, đặc biệt số giờ học của trẻ Phần Lan ít hơn trẻ Việt Nam 300 phút/tuần. Giáo dục Nhật Bản bên cạnh việc ưu tiên thời lượng lớn nhất dành cho môn tiếng Nhật (360 tiết/năm) thì các môn Thể dục, Cuộc sống đều có thời lượng nhiều thứ hai (135 tiết/năm), tương đương với Toán học.

Tôi nghĩ, có lẽ đã đến lúc chúng ta cần trả lại vị thế quan trọng cho những bộ môn vốn được mặc định ngầm là môn phụ. Khi đó, những vấn đề mà giáo dục Việt Nam gặp phải như thiếu tính thực tế, thiên lệch, thiếu hấp dẫn mới có thể được giải quyết.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN