Triều Tiên trả tự do cho sinh viên Mỹ: Thuật đàm phán hay động cơ riêng?

16/06/2017 20:17

(Baonghean) - Giới truyền thông Mỹ gán cho Triều Tiên là quốc gia có một trong những hình phạt đáng sợ nhất thế giới: Hơn chục năm trời lao động khổ sai tại một trong những trại lao động bản địa “khét tiếng”. Khi công dân Mỹ trót vướng vòng lao lý ở Bình Nhưỡng, “mãn hạn sớm” là mơ ước xa vời. Bởi thế, việc Triều Tiên vài ngày trước bất ngờ trả tự do cho sinh viên Mỹ Otto Warmbier là động thái hết sức đáng lưu tâm.

Otto Warmbier - sinh viên Mỹ vừa được Triều Tiên trả tự do, đã bị hôn mê suốt 1 năm nay.Ảnh: USA Today
Otto Warmbier - sinh viên Mỹ vừa được Triều Tiên trả tự do, đã bị hôn mê suốt 1 năm nay. Ảnh: USA Today

“Tiền lệ” gian nan

Từ trước đến nay, việc đàm phán với Bình Nhưỡng vốn luôn đầy thử thách, và không phải lúc nào thành công cũng mỉm cười với những người thương thuyết. Trong nhiều trường hợp, để đổi lấy tự do cho công dân của mình, Washington phải dùng đến những phương pháp “có một không hai”. Ngày 17/3/2009, Euna Lee và Laura Ling - 2 nhà báo Mỹ đã bị bắt giữ và buộc tội xâm nhập trái phép vào Triều Tiên để tiến hành một chiến dịch bôi nhọ, với mức án 12 năm lao động khổ sai cho mỗi người, không có cơ hội kháng án. Đến tháng 8/2009, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã có chuyến đi riêng tới Bình Nhưỡng và gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên khi ấy là Kim Jong-il để tìm cách giúp các nhà báo được trả tự do. Triều Tiên cho hay ông Clinton đã “bày tỏ lời xin lỗi chân thành”, và cựu lãnh đạo xứ cờ hoa đã phải dành 3 giờ đồng hồ dùng bữa tối và chụp ảnh cùng ông Kim Jong-il. Một ngày sau đó, Euna Lee và Laura Ling được tha bổng và phóng thích.

Cuối năm 2012, một lần nữa giới chức Mỹ lại thông báo Kenneth Bae - chủ một công ty du lịch đã bị bắt khi tới Triều Tiên công tác, bị buộc tội “có hành vi thù địch” chống lại nước này, tạo lập các cơ sở ở Trung Quốc với mục đích “hất cẳng” chính quyền Triều Tiên, khuyến khích công dân Triều Tiên lật đổ chính phủ, và tiến hành một “chiến dịch bôi nhọ nham hiểm”.

Truyền thông nhà nước của Triều Tiên cũng loan tin ông Bae đã âm mưu lật đổ nước này thông qua các hoạt động tôn giáo. Án 15 năm lao động khổ sai có vẻ quá sức so với tình hình sức khỏe của ông Bae khi ấy, nhưng khi cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp quốc Bill Richardson tới Triều Tiên để thương thuyết cho vị doanh nhân này hồi tháng 1/2013, mọi chuyện cũng không được dàn xếp. 4 tháng sau đó, cựu ngôi sao bóng rổ nhà nghề Mỹ Dennis Rodman - người khẳng định có tình bạn vĩnh cửu với nhà lãnh đạo Kim Jong-un - tuyên bố rằng mình sẽ cố gắng để giúp Bae được thả, nhưng động thái này cũng không có hiệu quả, ít nhất là một cách tức thì.

Tháng 1/2014, trả lời kênh CNN về chuyến đi Triều Tiên và vụ việc của ông Bae, ngôi sao thể thao Rodman đột ngột chỉ trích ông này thậm tệ, dù sau đó có xin lỗi và viện cớ “uống say”. Mãi 10 tháng sau, Bae mới thoát cảnh tù tội sau khi James Clapper -Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ khi ấy tới Bình Nhưỡng và trao thư của Tổng thống Barack Obama cho nhà cầm quyền. Khi bình an trở về, điều trái khoáy là Bae lại cảm tạ Dennis Rodman - vì đã thu hút chú ý của dư luận với trường hợp của mình.

Và ngày 2/1/2016, Otto Warmbier, sinh viên Đại học Virginia đã bị buộc tội thực hiện một “hành vi thù địch” chống chính phủ Triều Tiên. Sau đó, chính quyền Bình Nhưỡng đã phát đi đoạn băng ghi lại cảnh Warmbier xin lỗi và nhận “tội gỡ một khẩu hiệu chính trị xuống khu lễ tân của Khách sạn Quốc tế Yanggakdo”, tuyên án sinh viên này 15 năm tù khổ sai. Tuy nhiên, mới đây người ta lại nhận được thông tin rằng, Warmbier đã bị hôn mê suốt 1 năm qua.

Ngày 6/6, tiến trình ngoại giao được khởi động khi Đặc phái viên Bộ Ngoại giao Mỹ Joseph Yun gặp Trưởng phái đoàn Triều Tiên tại Liên Hợp quốc Pak Kil-yon ở New York và hay tin về tình hình sức khỏe đang chuyển biến xấu của Warmbier. Sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã tham vấn Tổng thống Donald Trump và chỉ đạo ông Yun chuẩn bị cho chuyến đi tới Triều Tiên nhằm đem Warmbier trở về Mỹ. Yun và một đội ngũ y tế đã được cử tới Triều Tiên hôm 12/6 để đòi tự do cho Warmbier với lý do nhân đạo. Hôm 13/6, cậu sinh viên 22 tuổi được thả, nhưng trong tình trạng sức khỏe xấu và được các bác sỹ Trung tâm Y khoa Đại học Cincinnati của Mỹ kết luận trong buổi họp báo ngày 15/6 là mất tri giác, trong tình trạng thực vật, mất tế bào não ở tất cả các khu vực của não bộ.

Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng đến Triều Tiên hồi tháng 8/2009 để gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-il về việc phóng thích tù nhân. Ảnh: Getty
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng đến Triều Tiên hồi tháng 8/2009 để gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-il về việc phóng thích tù nhân. Ảnh: Getty

Tính toán của Bình Nhưỡng

Phía Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay họ đang tiếp tục điều tra về tính xác thực của những thông tin mà Triều Tiên cung cấp, xem liệu có phải Warmbier bị ngộ độc và hôn mê suốt quãng thời gian dài hay không. Còn từ góc nhìn của mình, Bình Nhưỡng cảm thấy không có gì bất hợp lý khi họ bắt giữ tù nhân Mỹ và trả tự do cho những người đó khi thời cơ chín muồi. Trong trường hợp Otto Warmbier, dù Bộ Ngoại giao Mỹ đã thật sự quyết liệt để “đòi người”, song xét cho cùng đó chưa hẳn là yếu tố quyết định khiến Triều Tiên “hồi tâm chuyển ý”.

Thay vào đó, giới phân tích cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un còn có 3 động cơ khác nữa. Thứ nhất, nếu Warmbier qua đời, ông Kim sẽ yếu thế hơn trong các đàm phán với chính quyền Mỹ. Ngược lại, nếu Warmbier còn sống, Bình Nhưỡng có thể ghi lại cảnh cậu ta cầu xin được thả, và dùng nó làm “lá chắn người” trong trường hợp xảy ra tấn công. Nhưng nếu Warmbier chết, ngoài việc giảm quyền năng đàm phán của Triều Tiên, việc này còn có thể kích động đòn trả đũa. Bởi thế, nếu không đủ khả năng chữa trị cho Warmbier, hay nếu tình trạng của cậu ta đã vô phương cứu chữa, thì Bình Nhưỡng nên trả người chứ không thể để tù nhân chết trong tù.

Thứ hai, việc phóng thích tù nhân có thể được Bình Nhưỡng xem là cử chỉ “nhân đạo”. Dựa theo những gì được biết về Kim Jong-un, giới quan sát phỏng đoán, nhà lãnh đạo này có thể quả quyết rằng Warmbier đáng phải chịu tù khổ sai 15 năm, nhưng Triều Tiên đang tỏ thiện chí. Không đánh đắm tàu, không phóng tên lửa và giam giữ hàng nghìn người trong các trại cải tạo, Bình Nhưỡng rốt cuộc đã chấp thuận để cậu sinh viên ốm yếu được phép trở về với cha mẹ, còn mong chờ gì nữa? Không sở hữu một chiến dịch ngoại giao công chúng tinh vi trong các quốc gia phương Tây, Triều Tiên cũng không có nhiều “khán giả” để hy vọng họ sẽ “ngả” về phía mình. Nhưng ít nhất, quốc gia này hy vọng những điều họ làm sẽ xoa dịu, hoặc ít nhất không giục giã thêm tiếng trống trận của Mỹ.

Cuối cùng, Tổng thống Donald Trump đã thể hiện rằng, dù tốt hay xấu, ông vẫn muốn quan tâm tới mạng sống của người dân Mỹ hơn mạng sống của bất kỳ ai khác. Thậm chí, ông chủ Nhà trắng còn sẵn lòng “tống khứ” người di cư và người xin tị nạn trở về bên bờ vực cái chết để bảo vệ người dân Mỹ khỏi những hiểm họa an ninh có thể xảy ra. Như Trump từng nhắc đến người di cư Syria trong chiến dịch tranh cử tổng thống hồi cuối năm ngoái rằng: “Tôi cảnh báo những người đến Mỹ từ Syria - một phần gây nên việc nhập cư ồ ạt này rằng nếu tôi giành chiến thắng, họ sẽ phải trở về”. Và dưới thời Trump, hậu họa nảy sinh từ cái chết của một công dân Mỹ có thể sâu xa hơn nhiều so với hàng nghìn người Hàn Quốc hay Nhật Bản. Đó chính là lý do mà Triều Tiên phải cân nhắc.

Thu Giang

TIN LIÊN QUAN