Nghi Lộc có gần 360 người cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc

03/05/2017 17:20

(Baonghean.vn) - Đến khi nào Nghi Lộc sẽ được gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu lao động qua Hàn Quốc khi hiện nay vẫn còn 358 người cư trú bất hợp pháp tại quốc gia này.

Quýt làm cam chịu

Tôi gặp Nguyễn Thanh Long (22 tuổi), vào một ngày cuối tháng 4, trong một ngôi nhà xập xệ hướng về phía biển. Đã một tháng trôi qua từ khi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố 58 quận, huyện bị cấm xuất khẩu lao động theo chương trình EPS qua Hàn Quốc trong năm 2017. Nhưng Long nói rằng, anh vẫn chưa hết thất vọng sau khi nhận được “tin buồn” này. Mặc dù nó không nằm ngoài dự đoán.

Long không biết bây giờ phải làm gì cả, bởi cậu đã chuẩn bị gần như đầy đủ cho việc sang Hàn Quốc làm việc kể từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Số tiền nợ ngân hàng để cho Long chuẩn bị xuất ngoại vẫn còn chưa trả được một đồng.

Uớc mơ của Long lâu nay là được sang Hàn Quốc làm việc, kiếm tiền phụ giúp gia đình để xây một căn nhà khang trang hơn, có một cuộc sống khấm khá hơn. Nhưng giấc mộng làm giàu đó vẫn không thành hiện thực, mặc dù đó không phải là lỗi của người thanh niên chăm chỉ này.

Năm 2017, cùng với 10 địa phương khác tại Nghệ An, huyện Nghi Lộc của Long “lập thành tích” lần thứ 2 liên tiếp bị cấm xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc vì số người cư trú bất hợp pháp tại đây vượt trên 60 người.

Có lẽ những người lạc quan nhất cũng không dám khẳng định, liệu khi nào Nghi Lộc sẽ được gỡ bỏ “lệnh cấm” này. Trong khi tính tới cuối tháng 2/2017, địa phương này vẫn còn 358 người cư trú bất hợp pháp, “vinh dự” dẫn đầu trong các huyện/thị ở Nghệ An. So với 58 địa phương cả nước, con số này của Nghi Lộc cũng chỉ xếp sau huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), với 482 người.

Những người cư trú bất hợp pháp đang tước đi cơ hội được làm việc của những người đi sau. Ảnh minh họa.
Những người cư trú bất hợp pháp đang tước đi cơ hội được làm việc của những người đi sau. Ảnh minh họa.

Nguyễn Thanh Long chỉ là một trong hàng nghìn người có nhu cầu chính đáng qua Hàn Quốc làm việc đang phải cam chịu cảnh bất công như vậy. Họ đang phải trả giá cho những việc không phải mình gây ra. Có những trường hợp tốn hàng trăm triệu đồng cho việc học nghề, học tiếng, thi cử, phí cho môi giới… nhưng sau đó không được xuất cảnh chỉ vì địa phương bị liệt vào “danh sách đen”.

Hiện nay, tỷ lệ lao động Nghệ An hết hạn hợp đồng không về nước mà ở lại làm việc bất hợp pháp vẫn chiếm gần 43% tại Hàn Quốc.

Vấn nạn này đã gây ra hình ảnh xấu của lao động Việt Nam nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng. Buộc nước bạn bất đắc dĩ phải đưa ra những lệnh cấm.

Lao động bỏ trốn trở về được chào đón như "người hùng"

Từ năm 2005, Chính phủ đã có Nghị định 141, quy định rõ việc bỏ trốn, không về nước theo hợp đồng lao động là những hành vi bị cấm khi ra nước ngoài làm việc. Theo quy định này, sau khi có những hình thức xử lý bên nước bạn, lao động bỏ trốn được trở về nước, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm xử phạt nhằm giữ gìn uy tín cho thị trường lao động. Tuy nhiên, việc thực thi Nghị định vẫn còn nhiều bất cập.

Trên thực tế, đang có tình trạng rất nhiều lao động bỏ trốn, nhiều năm cư trú bất hợp pháp, khi họ đã cảm thấy "đủ giàu" hoặc lớn tuổi, họ về nước và gần như không gặp một trở ngại nào. Lúc này, phần lớn chính quyền địa phương không có một động thái gì mang tính răn đe, mặc dù đã có Nghị định.

Thậm chí nhiều nơi còn hoan nghênh, xem họ là “người hùng”, vì đã mang tiền về đầu tư, xây dựng quê hương, giúp đời sống kinh tế ổn định. Trong khi về luật, những lao động ở các huyện bị cấm đi Hàn Quốc có thể khởi kiện những người đã bỏ trốn, vì đã gián tiếp làm giảm cơ hội được làm việc của họ, mặc dù những vụ kiện này đến nay vẫn chưa có tiền lệ.

Khi mà những lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc vẫn được hưởng lương cao vì các chủ doanh nghiệp không phải trả phí môi giới thì việc bỏ trốn, không về nước theo hợp đồng được dự báo sẽ còn tăng.

Vì cám dỗ đồng tiền, họ bất chấp những rủi ro như trở thành nạn nhân của buôn bán lao động, bị bóc lột, nợ lương…

Để tránh nguy cơ đánh mất thị trường thu nhập cao này, đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước cần có những biện pháp cụ thể nhằm giảm thiểu tỷ lệ lao động bất hợp pháp./.

Tiến Hùng

TIN LIÊN QUAN