Kỷ niệm Ngày Quốc tế 1/5: Đòi hỏi chăm lo quyền lợi cho người lao động

01/05/2017 17:05

Trong 'Lời kêu gọi' tuyên bố khi Quốc tế Cộng sản I được thành lập năm 1861, lãnh tụ Karl Marx đã nói nhiều đến việc phải rút ngắn thời gian lao động trong ngày.

Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế Cộng sản I họp ở Geneve (Thụy Sĩ) tháng 4/1864 coi vấn đề đấu tranh cho ngày làm việc 8 giờ là một nhiệm vụ quan trọng trước mắt. Sau đó, tại Đại hội lần thứ hai ở London (Anh), Eugene Dupond - người thay mặt Karl Marx - đã đưa ra một dự thảo nghị quyết đòi thực hiện ngày làm 8 giờ.

Những công nhân viên chức người Anh di cư sang Mỹ làm ăn đã mang tới nước này phong trào đấu tranh đòi làm việc 8 giờ một ngày. Năm 1868, nhà cầm quyền Mỹ buộc phải ban hành đạo luật ấn định ngày làm 8 giờ trong các cơ quan, xí nghiệp nhà nước; nhưng ở các xí nghiệp tư, công nhân vẫn phải làm việc từ 11 đến 12 giờ mỗi ngày.

Tháng 1/1884, tại thành phố công nghiệp lớn Chicago, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ thông qua nghị quyết nêu rõ: “...Từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ”. Sở dĩ chọn ngày ấy là do hàng năm, hợp đồng mới giữa thợ và chủ được ký vào ngày 1/5 và để bọn chủ tư bản biết trước quyết định của công nhân mà không kiếm cớ chối từ.

Đến ngày 1/5/1886, khắp nơi công nhân mang biểu ngữ: “Từ nay trở đi không người thợ nào phải làm việc quá 8 giờ một ngày”, “Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ giải trí, 8 giờ nghỉ ngơi”. Gần 5.000 cuộc bãi công với khoảng 340.000 công nhân tham gia đã nổ ra trên toàn nước Mỹ. Ngay trong hôm đó, ở Washington, New York, Baltimore, Boston... đã có 125.000 công nhân giành được quyền ngày chỉ làm 8 giờ.

Tại Thành phố Chicago, cuộc đấu tranh giai cấp diễn ra hết sức ác liệt. Ngày 1/5, toàn thể công nhân Chicago nghỉ việc, xuống đường biểu tình đòi làm việc 8 giờ. Những hôm sau, 40.000 công nhân vẫn tiếp tục bãi công. Bọn chủ đuổi những công nhân bãi công, thuê người làm ở các thành phố bên cạnh đến, thuê bọn khiêu khích và cảnh sát đàn áp, phá hoại cuộc đấu tranh của công nhân. Nhiều xung đột dữ dội xảy ra làm hàng trăm công nhân chết và bị thương, các thủ lĩnh công đoàn bị bắt... Báo cáo của Liên đoàn Lao động Mỹ xác nhận: “Chưa bao giờ trong lịch sử nước Mỹ lại có một cuộc nổi dậy mạnh mẽ, toàn diện trong quần chúng công nghiệp đến như vậy”.


Ngày 14/7/1889, Quốc tế Cộng sản II được thành lập ở Paris (Pháp), dưới sự lãnh đạo của Friedrich Engels và Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế Cộng sản II đã quyết định lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản các nước. Từ đó, ngày 1/5 trở thành Ngày Quốc tế Lao động, ngày đấu tranh của giai cấp công nhân, ngày nghỉ ngơi và biểu dương lực lượng, ngày hội của công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.


Ở nước ta, ngày 1/5/1925, lần đầu tiên bộ phận vô sản, cần lao Việt Nam tổ chức, hưởng ứng Ngày Quốc tế Lao động. Từ đây, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam đã lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày đỉnh cao của phong trào đấu tranh chống thực dân - đế quốc, giành độc lập - tự do - dân chủ, giành những quyền lợi kinh tế - xã hội. Vào ngày này, trên khắp ba miền Bắc - Trung - Nam, người lao động đều tiến hành rầm rộ mít tinh, biểu tình với sự xuất hiện cờ đỏ búa liềm, truyền đơn đòi tăng lương, giảm giờ làm, bỏ lệ đánh công nhân, hoãn sưu thuế cho nông dân…

Lịch sử đấu tranh cách mạng đã ghi dấu ấn về những cuộc biểu tình, bãi công tiêu biểu của công nhân tại Nhà máy điện Yên Phụ (Hà Nội), Nhà máy xi măng Hải Phòng (Hải Phòng), Mỏ than Hòn Gai, Cẩm Phả (Quảng Ninh)… ở Bắc Kỳ. Còn nổi bật ở Nam Kỳ là công nhân Nhà máy điện Chợ Quán (Sài Gòn), Nhà máy xe lửa Dĩ An, nông dân Đức Hòa (Long An), Cao Lãnh (Đồng Tháp), Chợ Mới (An Giang) và tại nhiều tỉnh đòi bỏ sưu, hoãn thuế… Và tại Trung Kỳ, từ Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Nam đến Khánh Hòa, Bình Thuận, nông dân cũng nổi dậy đấu tranh chống sưu cao thuế nặng.

Phong trào đấu tranh ở Nghệ An, Hà Tĩnh mở đầu với cuộc biểu tình lớn ngày 1/5/1930 tại Thành phố Vinh - Bến Thủy: Công nhân Nhà máy xe lửa Tràng Thi, nhà máy cưa, nhà máy diêm, nhà máy cá hộp, nhà máy điện cùng với nông dân các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc sát cánh bên nhau biểu tình đấu tranh đòi tăng lương, bớt giờ làm, phản đối chính sách khủng bố của đế quốc và tay sai, đòi bồi thường thiệt hại cho các gia đình bị tàn sát trong Cuộc bạo động Yên Bái, ủng hộ cuộc đấu tranh của Nhà máy sợi Nam Định. Phong trào đấu tranh tại Nghệ An nhanh chóng lan sang các huyện của Hà Tĩnh, làm nên cao trào cách mạng tiêu biểu (Xôviết Nghệ Tĩnh) năm 1930 - 1931.

Còn tại Hà Nội, ngày 1/5/1938, một cuộc biểu tình lớn gồm hàng chục ngàn người đã diễn ra ở khu Đấu xảo với sự tham gia của 25 ngành, giới: Thợ hỏa xa, thợ in, nông dân, phụ nữ, người cao tuổi, nhà văn, nhà báo... Đây là cuộc mít tinh lớn nhất trong thời kỳ vận động dân chủ (1936-1939), một cuộc biểu dương hùng hậu sức mạnh đoàn kết của nhân dân lao động.

Sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngày 18/2/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 22 quy định những ngày nghỉ Tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo, trong đó ghi nhận ngày 1/5 là một trong những ngày quốc lễ lớn, nhân dân lao động được nghỉ ngơi.

Ngày 29/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 56 quyết định để công nhân, nhân viên được nghỉ nhưng có hưởng lương đầy đủ trong Ngày Quốc tế Lao động 1/5 và trong ngày đó, ai vì điều kiện khách quan của công việc không thể nghỉ được thì sẽ hưởng lương gấp đôi. Ngày 1/5/1946, Bác ra lời kêu gọi trong đó xác nhận: “Ở nước ta lần này là lần đầu mà đồng bào ta, anh chị em lao động ta được tự do đón tiếp ngày 1/5…Đối với chúng ta nó là một ngày để tỏ cho thế giới biết rằng ngày này chẳng những là ngày tết lao động, mà nó còn là ngày toàn dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”.


Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1946-1975), ở các vùng bị địch tạm chiếm, cuộc đấu tranh của nhân dân lao động để đòi quyền lợi, độc lập, dân chủ, tự do nhân kỷ niệm ngày 1/5 cũng thường diễn ra sôi nổi và có khi rất quyết liệt. Cuộc biểu dương lực lượng trong ngày 1/5/1961 của 16.000 công nhân Sài Gòn, Chợ Lớn chào mừng sự ra đời của Liên hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam Việt Nam là một minh chứng điển hình.


Từ khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc (tháng 5/1975) và nhất là từ khi khởi đầu công cuộc đổi mới toàn diện (tháng 12/1986), ngày 1/5 đã trở thành ngày hội lớn của nhân dân Việt Nam, ngày biểu dương sức mạnh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, quyết tâm thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đồng thời, đó cũng là ngày biểu thị tình đoàn kết hữu nghị với giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, cùng đấu tranh cho thắng lợi của hòa bình, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Theo Kinhtedothi.vn

TIN LIÊN QUAN