Trái khoáy con trai 'nhà cao cửa rộng', mẹ già ở lều tranh

18/04/2017 08:27

(Baonghean) - Dù có con cái đầy đủ, nhà cửa đàng hoàng, kiên cố nhưng bà Thái Thị Thân ở xóm 4, xã Tân Sơn (Đô Lương) hơn 2 năm nay vẫn phải ở trong lều tranh rách nát, xập xệ.

Mẹ già ở lều tranh

Hơn 2 năm nay, người dân xã Tân Sơn (Đô Lương) không khỏi chạnh lòng trước gia cảnh của bà Thái Thị Thân (85 tuổi, xóm 4, xã Tân Sơn). Dù tuổi đã cao, sức yếu nhưng hàng ngày bà Thân phải ở trong căn lều tranh khoảng 10m2, rách nát, lụp xụp và hết sức chật chội. Xung quanh lều được thưng bạt sơ sài, mùa mưa thì thấm dột tứ phía, mùa hè thì nóng nực.

Hơn 2 năm nay, bà Thân phải ở trong căn lều tranh rách nát, ẩm thấp này. Ảnh: Phạm Bằng
Hơn 2 năm nay, bà Thân phải ở trong căn lều tranh rách nát, ẩm thấp này. Ảnh: Phạm Bằng

Trong căn lều ấy, một nửa được dành để đặt một chiếc giường đã ọp ẹp. Kế bên là 2 chiếc bàn khung sắt được làm nơi đặt bàn thờ người chồng liệt sỹ. Nhìn cảnh tượng này, không ai có thể nghĩ rằng bà Thân đang có hai người con, trong đó một người con trai sống cách căn lều bà đang ở chừng 30m.

Bà Thân là vợ liệt sỹ Nguyễn Công Bình, hy sinh năm 1972. Sau khi chồng hy sinh, bà một mình tần tảo nuôi 2 người con là ông Nguyễn Công Kỉnh và bà Nguyễn Thị Tịnh khôn lớn. Cuộc sống dù có nhiều khó khăn nhưng bà Thân luôn tần tảo, thức khuy dậy sớm, siêng năng ruộng đồng để giành những điều tốt đẹp nhất cho con.

Là thân nhân liệt sỹ, bà Thân được Nhà nước, các tổ chức đoàn thể quan tâm, giúp đỡ. Hiện bà đang hưởng trợ cấp hàng tháng với mức 1,318 triệu đồng/tháng. Trong những dịp lễ, Tết, các chính sách cho người có công bà đều được nhận đầy đủ.

Những tưởng cuộc sống về già của bà sẽ được vui vầy, an nhàn bên con cháu nhưng hơn 2 năm nay, bà Thân phải sống một cuộc sống khổ cực, vất vả.

Cuộc sống khốn khó, vất vả của bà Thân trong căn lều tranh. Ảnh: Phạm Bằng
Cuộc sống khốn khó, vất vả của bà Thân trong căn lều tranh. Ảnh: Phạm Bằng

Trước đó, ngày 25/3/2015, ông Nguyễn Công Kỉnh tự ý dùng gỗ ra dựng lều bạt tại vùng đất trường tiểu học cũ ở xóm 4 (cách nhà ông Kỉnh khoảng 30m). Sau khi dựng lều xong, bà Thân ra ở trong căn lều rách nát này để đòi Chính quyền cấp đất. Ông Kỉnh còn đưa Bằng Tổ quốc ghi công, Huân chương Kháng chiến rồi lập bàn thờ người bố liệt sỹ trong lều.

Không chỉ vậy, trên bàn thờ còn xuất hiện một Bằng Tổ quốc ghi công và ảnh của liệt sỹ Đào Công Khoát. Theo chính quyền xã thì 2 gia đình liệt sỹ Nguyễn Công Bình và Đào Công Khoát không có quan hệ anh em, dòng tộc.

“Việc ông Kỉnh thờ bố mình và cho gia đình liệt sỹ Đào Công Khoát để Bằng Tổ quốc ghi công và di ảnh trong căn lều đó là có tội với các liệt sỹ. Gia đình các liệt sỹ đều có nhà cửa đàng hoàng, thân nhân còn đủ thì sao lại phải thờ trong căn lều rách nát đó?” - một người dân xóm 4 đặt câu hỏi.

Con trai ở nhà kiên cố

Trái ngược hình ảnh của bà Thân trong căn lều rách nát là ngôi nhà cấp 4 kiên cố, rộng rãi, có mái che của người con trai bà - ông Nguyễn Công Kỉnh. Được biết, thửa đất ông Kỉnh đang sử dụng trước là của bà Thân. Thực hiện Nghị định 64 của Chỉnh phủ, năm 1997, Nhà nước cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Công Kỉnh.

Căn nhà cấp 4 kiên cố, rộng rãi, thoáng mát của ông Kỉnh. Ảnh: Phạm Bằng
Căn nhà cấp 4 kiên cố, rộng rãi, thoáng mát của ông Kỉnh. Ảnh: Phạm Bằng

Điều trái khoáy hơn nữa, căn nhà của ông Kỉnh cách căn lều tranh mà bà Thân đang sống chỉ khoảng 30m. Trước hoàn cảnh của bà Thân, nhiều người đã khuyên nhủ ông Kỉnh đưa mẹ về sống để đảm bảo sức khỏe nhưng ông Kỉnh không nghe theo.

Không chỉ vậy, hành vi tự ý dựng lều trên đất tập thể của ông Kỉnh không chỉ vi phạm pháp luật mà còn không nhận được sự đồng tình của người dân. Nhiều người bức xúc và cho rằng, trên địa bàn xã đang có hàng chục gia đình chính sách, nếu ai cũng như ông Kỉnh thì kỷ cương phép nước ở đâu, những chính sách tốt đẹp của Nhà nước dành cho đối tượng chính sách sẽ bị lợi dụng.

Ông Nguyễn Bá Đài, người dân xóm 4 cho biết rằng, đa số dân trong xóm không ai đồng tình với cách làm của ông Kỉnh, nhưng không ai dám góp ý với ông vì nếu nói trái ý hay chê bai là ông chửi. Tôi đã từng tham dự nhiều cuộc làm việc của xã, xóm để vận động, tuyên truyền ông Kỉnh tự tháo dỡ căn lều nhưng ông cố chấp không nghe.

Không chỉ dựng lều, ông Kỉnh còn dùng cọc tre vây sang cả thửa đất bên cạnh. Ảnh: Phạm Bằng
Không chỉ dựng lều, ông Kỉnh còn dùng cọc tre vây sang cả thửa đất bên cạnh. Ảnh: Phạm Bằng

Ông Nguyễn Bá Tân - Chủ tịch UBND xã Tân Sơn cho biết, thửa đất mà ông Kỉnh đang dựng lều cho mẹ mình ở vào năm 2006 đã được UBND huyện Đô Lương quy hoạch phân lô chi tiết đất ở đấu giá. Ngay sau khi nắm được sự việc, UBND xã Tân Sơn cùng các ban ngành, đoàn thể đến thuyết phục, vận động ông Kỉnh tự tháo dỡ lều và đưa bà Thân về sống nhà để đảm bảo sức khỏe. Song, ông Kỉnh vẫn không thực hiện và kéo dài cho đến nay.

Phạm Bằng

TIN LIÊN QUAN