Đại biểu Trần Văn Mão: Không nên xử lý nội dung tố cáo qua email, điện thoại

16/06/2017 18:45

(Baonghean.vn)- Tham gia thảo luận tại hội trường về Luật tố cáo (sửa đổi), Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An có các đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Trần Văn Mão có những ý kiến đáng chú ý.

Ngày 16/6, Quốc hội làm việc tại hội trường.

Buổi sáng, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi); Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi). Tiếp đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm 02 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm 02 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; các Đoàn đại biểu Quốc hội họp để thảo luận về việc phê chuẩn bổ nhiệm 02 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật đường sắt (sửa đổi), thảo luận về dự án Luật tố cáo (sửa đổi); Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật tố cáo (sửa đổi).


Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc Công an Nghệ An, Đoàn ĐBQH Nghệ An) cho rằng có nhiều nội dung các đại biểu đã phát biểu góp ý tại tổ, qua 16 ngày rồi nhưng chưa được tiếp thu.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng để Luật Tố cáo (sửa đổi) được hoàn chỉnh, cần có sự nghiên cứu, lựa chọn và tiếp thu nghiêm túc những nội dung đại biểu Quốc hội góp ý. Về văn phong và quy phạm pháp luật của dự thảo vẫn còn nhiều khiếm khuyết; còn có hiện tượng sử dụng văn nói gây khó khăn cho sự tham gia ý kiến của đại biểu, cần sử dụng đúng văn phong theo quy phạm pháp luật.

Về nội dung, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng: chế định bảo vệ người tố cáo dự thảo chưa đầy đủ, cần được làm rõ; về nội dung xử lý đơn thư nặc danh, đại biểu cho rằng dự thảo không nhất quán với quá trình tranh luận, trao đổi tại kỳ họp. Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng cần mở rộng hình thức tố cáo, cho phép sử dụng thư điện tử, điện thoại để tố cáo, như thế việc tố cáo sẽ thuận lợi hơn, mở rộng hơn.

Tham gia thảo luận về Luật Tố cáo (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Mão (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Nghệ An) đồng tình cao với quy định về hình thức bằng đơn và tố cáo trực tiếp được quy định tại điều 20 của dự thảo Luật. Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Mão đồng tình với việc không quy định tố cáo qua thư điện tử, điện thoại di động và các hình thức tố cáo khác. Vì trong thời đại thông tin phát triển, trong thực tiễn có thể có tình trạng lợi dung thư điện tử của người khác, điện thoại di động của người khác để tố cáo, nhằm mục đích bôi nhọ đối với những người bị tố cáo.

Đại biểu Trần Văn Mão - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Nghệ An cho rằng trong thực tế có thể có hiện tượng sử dụng email hoặc điện thoại của người khác để tố cáo, do đó không nên xử lý tố cáo từ email, điện thoại. Ảnh: Huyền Thương
Đại biểu Trần Văn Mão - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Nghệ An cho rằng trong thực tế có thể có hiện tượng sử dụng email hoặc điện thoại của người khác để tố cáo, do đó không nên xử lý tố cáo từ email, điện thoại. Ảnh: Huyền Thương

Về tố cáo nặc danh, đại biểu Trần Văn Mão cho rằng không nên xử lý đơn thư tố cáo nặc danh. Vì thực tế phần lớn đơn thư tố cáo nặc danh có nội dung không đúng sự thật. Theo báo cáo của Chính phủ, các cơ quan Nhà nước mới chỉ giải quyết 87,4% tổng số đơn thư tố cáo nặc danh, trong đó 59,5% tố cáo sai, 28,3 % tố cáo có đúng có sai.

Vì vậy nếu Luật quy định giải quyết tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét giải quyết. Do đó chỉ nên xem xét xử lý tố cáo trong trường hợp người tố cáo nêu rõ họ tên, địa chỉ như quy định tại điểm a khoản 1 điều 22 của dự thảo Luật là phù hợp. Bởi cá nhân có quyền tố cáo cũng phải chịu trách nhiệm bảo đảm chính xác nội dung tố cáo và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đại biểu Trần Văn Mão cũng tham gia ý kiến về thời hiệu tố cáo, về bảo vệ người tố cáo, về vấn đề phân biệt về giới tính trong giải quyết tố cáo, thẩm quyền giải quyết tố cáo.

Nhóm PV-CTV

TIN LIÊN QUAN