Tích tụ ruộng đất: Vẫn thiếu doanh nghiệp trên đồng

09/06/2017 11:02

(Baonghean) - Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh có 456.755 hộ gia đình sản xuất nông, lâm, thủy sản với phương thức sản xuất nông hộ là chủ yếu; đây thực sự là một trở ngại lớn trong phát triển một nền sản xuất hàng hoá lớn.

Nghĩa Đồng - Tân Kỳ tiên phong trong chuyển đổi ruộng đất và đưa cơ giới vào sản xuất
Nghĩa Đồng - Tân Kỳ tiên phong trong chuyển đổi ruộng đất và đưa cơ giới vào sản xuất

Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 8/5/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về đẩy mạnh vận động nông dân dồn điền, đổi thửa và khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn trong nông nghiệp ra đời đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân các địa phương và đạt kết quả rất cao; tuy nhiên, tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa lớn gắn với chuỗi giá trị vẫn còn hạn chế khi kinh tế nông hộ vẫn chiếm đa số.

Vì vậy, việc khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn trong nông nghiệp gắn với việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm là xu thế phát triển tất yếu trong giai đoạn tới, trong đó khẳng định vai trò đầu tàu của doanh nghiệp trong chuỗi liên kết.

Thời gian qua, UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và PTNT đã tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp như: Công ty CP Chuỗi thực phẩm TH, Vinamilk, Công ty công nghệ cao Phủ Quỳ...

Nông dân huyện Tân Kỳ liên kết với Công ty Vinamilk để tiêu thụ sản phẩm sữa bò. Ảnh: Châu Lan
Nông dân huyện Tân Kỳ liên kết với Công ty Vinamilk để tiêu thụ sản phẩm sữa bò. Ảnh: Châu Lan

Những địa phương tiên phong

Nghĩa Đồng là một xã trung du miền núi, nằm phía Bắc huyện Tân Kỳ, có tổng diện tích tự nhiên 1.704 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 936ha. Xã hiện có 2.050 hộ, với khoảng 9.300 nhân khẩu, được phân bố thành 15 đơn vị xóm. Nghĩa Đồng đã tiên phong trong chuyển đổi ruộng đất, tích tụ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn một cách hiệu quả, đồng bộ. Các cánh đồng ở xã Nghĩa Đồng đã được chỉnh trang, đầu tư đường lớn, thuận lợi cho xe vận chuyển, máy móc cơ giới đi lại. Hiện nay, thửa ruộng lớn ở xã Nghĩa Đồng là hơn 1.500m2, và các hộ khác cơ bản mỗi nhà chỉ một thửa. Đất bãi trồng mía, đất màu cũng mỗi nhà một thửa.

Sau khi chuyển đổi ruộng đất, nông dân Nghĩa Đồng đầu tư mạnh cơ giới hóa với gần 50 chiếc, chủ yếu là máy cày để làm đất lúa, đất mía. Xã đã chuyển đổi cơ cấu cây con, đưa mía xuống đồng, đưa trang trại ra đồng. Hiện mía có cánh đồng lớn 50 ha, ở xóm 3, 4a, 4b, năng suất trên 80 tấn/ha.

Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Đồng - ông Ngô Xuân Nghĩa cho biết: “Sau chuyển đổi ruộng đất, ô thửa đã lớn nhưng nhiều hộ vẫn muốn thuê thêm đất để làm, sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn khi có máy móc và đất rộng, nên mặc dù có nhu cầu tích tụ ruộng đất lớn song tâm lý bà con không muốn chuyển nhượng, cho thuê đất. Nhiều gia đình thiếu lao động khó sản xuất trong khi một số hộ lại có nhu cầu sản xuất lớn lại thiếu đất. Hiện nay trong họ hàng anh em cho nhau, nhượng nhau là chủ yếu”.

Hiệu quả sau chuyển đổi ở xã Nghĩa Đồng là chủ động toàn bộ nước tưới tiêu do kênh mương đảm bảo, nhờ đó lúa cho năng suất cao hơn trước 20%, đạt khoảng 70 tạ/ha (trước chỉ đạt 50 tạ/ha). Hệ thống giao thông nội đồng thuận tiện nên thu hoạch xong là máy móc kéo về nhà luôn. Bên cạnh đó nhờ chủ động nguồn nước nên nông dân sản xuất lúa NA2, NA6 - là những giống lúa cho giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ.

Mới đây, xã Nghĩa Đồng vinh dự được Chủ tịch nước Trần Đại Quang về thăm, nói chuyện và biểu dương các mô hình kinh tế tại xã. Theo báo cáo của xã cho thấy: Với tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã Nghĩa Đồng đạt 9%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 28 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 2,7%. Chủ tịch nước cũng hoan nghênh nhân dân xã Nghĩa Đồng đã nhanh nhạy áp dụng những tiến bộ khoa học - công nghệ, những kinh nghiệm hay vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi để tự làm giàu, nổi bật như hộ gia đình ông Ngô Xuân Ngoạn, ở xóm 10, xã Nghĩa Đồng quy mô 70 con cho thu nhập hơn 2 tỷ đồng/năm.

Xã Kỳ Tân (Tân Kỳ) cũng là một địa phương thực hiện tốt công tác chuyển đổi ruộng đất. Trước chuyển đổi, mỗi hộ có 5-7 thửa, đất màu, bãi, đồi vệ manh mún, chủ yếu là hốc chọ, rất khó khăn trong chuyển đổi; vì vậy, xã tập trung cao trong chỉ đạo, hiện 7/10 xóm thực hiện rất tốt công tác chuyển đổi dồn điền, đổi thửa, quy hoạch đường, hệ thống thủy lợi, mỗi hộ chỉ có 1 - 2 thửa đất lúa thuận lợi trong sản xuất. Đất bãi, vùng màu cũng chỉ có 1 hộ một thửa. Sau chuyển đổi ruộng đất, hiệu quả sản xuất ở xã Kỳ Tân được tăng lên rõ rệt, năng suất lúa cao hơn 10% so với trước. Cả xã đã có gần 30 máy cày và một số máy gặt đập liên hợp.

Nông dân huyện Hưng Nguyên áp dụng kỹ thuật làm mạ khay. Ảnh: Châu Lan
Nông dân huyện Hưng Nguyên áp dụng kỹ thuật làm mạ khay để cấy máy trên diện rộng. Ảnh: Châu Lan

Ở xã Nghi Văn (Nghi Lộc), việc chuyển đổi ruộng đất cũng rất hiệu quả khi mỗi hộ chỉ còn một thửa, cơ giới hóa “vào” được trong tất cả các khâu sản xuất.

Ở huyện Diễn Châu, xã Diễn Hồng đã tạo được những vùng trang trại nối dài liền thửa; xã Diễn Trường sau chuyển đổi ruộng đất, một số nông dân đã thuê thêm đất để sản xuất lớn quy mô hàng chục ha trồng ngô để bán cho Nhà máy sữa TH, và người sản xuất có lãi lớn hơn mỗi vụ từ 50-60 triệu đồng so với trước; như hộ ông Chu Văn Phong, ông Hồ Trọng Mão thuê đất trồng tới 300 sào ngô...

Các huyện khác như Yên Thành, Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu, Anh Sơn... cũng thực hiện tốt công tác dồn điền, đổi thửa.

Thống kê cho thấy: Quy mô bình quân diện tích thửa đất toàn tỉnh Nghệ An trước dồn điền, đổi thửa là 986m2, sau dồn điền, đổi thửa là 1.811m2, tăng 1,84 lần; trung bình số thửa/hộ trước dồn điền, đổi thửa là 5,4 thửa, sau dồn điền, đổi thửa là 2,3 thửa, giảm 2,35 lần. Toàn tỉnh có 318.825 hộ tham gia thực hiện dồn điền, đổi thửa.

“Vắng” doanh nghiệp trên đồng ruộng

Qua tích tụ ruộng đất ở Nghệ An đã cho thấy có sự khác biệt về số thửa, về quy hoạch, về năng suất sản phẩm cũng như đi lại, vận chuyển hàng hóa trên cánh đồng. Cách thức sản xuất cũng đã khác hơn khi máy móc cơ giới hóa đã tham gia tích cực vào các khâu từ làm đất, cấy, cày, thu hoạch, gặt đập, vận chuyển. Song vấn đề lớn đặt ra vẫn là “đầu ra” cho sản phẩm. Sự kết hợp “4 nhà”, đặc biệt với doanh nghiệp trong sản xuất, xây dựng các chuỗi giá trị, chuỗi liên kết trong sản xuất vẫn chưa rõ, nhất là chưa thấy được sự bền vững trên các cánh đồng.

Từng mùa vụ thường thấy có doanh nghiệp đến liên kết đầu tư giống lúa và hứa hẹn bao tiêu sản phẩm trên các cánh đồng, nhưng đa số hết vụ là hết liên kết. Thực tế một số doanh nghiệp chỉ mượn đất của dân để “hội thảo”, quảng bá các giống lúa của họ và sau đó lại chuyển dịch sang các địa phương khác. Nhìn chung từ cây lúa cũng giống như cây lạc, ớt, cà rốt... doanh nghiệp đang thử nghiệm và “ẩn dấu” một mục tiêu khác với nhu cầu mong muốn của nông dân.

Khi liên kết doanh nghiệp hứa hẹn mua lúa cao hơn 10 - 20% giá thị trường, song để sản xuất tiếp vụ sau thì còn chờ thời gian trả lời. Vì vậy, trong nhiều báo cáo của các xã đã và đang về đích nông thôn mới đều cho thấy một thực trạng là liên kết không bền vững hoặc đang thành lập liên kết. Nông sản của nông dân hiện nay ngoài cây ngô và mía, sắn, chè, sữa bò thì hầu hết đều rất khó tiêu thụ. Bà con phải tự bán ngoài chợ, phục vụ chăn nuôi hoặc phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái.

Một khó khăn của doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp đó là thiếu đất; thường doanh nghiệp phải đi thuê, mượn và bị động. Nông dân hầu như không muốn mất đi quyền làm chủ đối với đất đai nên hầu hết họ không chấp nhận việc thu hồi hay nhượng lại đất. Một số doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao hầu như đều bị “bó cái khôn” khi không thuê được đất với giá hợp lý hoặc phải mua lại với giá rất cao làm chi phí đội lên. Đó là thực trạng đối với một số doanh nghiệp như Tâm Nguyên, Á Châu, Vĩnh Hòa...

Theo ông Nguyễn Văn Lập – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian tới, Sở sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm gồm khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn trong nông nghiệp; triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 06/12/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2016 - 2020.

Cùng đó triển khai các chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh nhằm tạo động lực cho phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững như: Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất. Củng cố và phát triển kinh tế hợp tác, đẩy mạnh phát triển các loại hình kinh tế trang trại, thực hiện có hiệu quả Luật Hợp tác xã năm 2012, tăng cường thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.

Theo tiến sỹ kinh tế Nguyễn Minh Phong: Hạn chế lớn nhất hiện nay trong tích tụ ruộng đất là bị giới hạn bởi hạn điền và nông dân sợ mất chủ quyền đối với đất đai. Bởi vậy, cần ưu tiên mở rộng hạn điền và tăng góp cổ phần hay cho thuê đất thay vì mua đứt hoặc cưỡng ép thu hồi đất của nông dân.


Châu Lan

TIN LIÊN QUAN