Tướng Lê Văn Cương nói về khủng hoảng Qatar và sự mất vai trò của Mỹ ở Trung Đông

20/06/2017 09:14

(Baonghean.vn) - Căng thẳng ngoại giao giữa Qatar và các nước láng giếng Vùng Vịnh không phải vấn đề bỗng nhiên xảy ra, mà là cao trào khi mâu thuẫn bị dồn nén nhiều năm và gia tăng lên. Căng thẳng vẫn chưa có dấu hiệu kết 'hạ nhiệt', kéo theo một chuỗi các hệ luỵ về kinh tế, quân sự, an ninh.

Báo Nghệ An có cuộc trao đổi về vấn đề này với PGS - TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện khoa học, chiến lược, Bộ Công an.

PGS - TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương tại trường quay Báo Nghệ An ngày 19/6.
PGS - TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương tại trường quay Báo Nghệ An ngày 19/6.

PV: Năm 2014 đã từng xảy ra mâu thuẫn giữa Qatar và các nước Vùng Vịnh. Thiếu tướng có thể nhắc lại sự kiện này được không ạ?

PGS – TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương: Qatar từ lâu bị các nước Ả-rập-Xê-út (Saudi Arabia), Ai Cập, các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) phản đối vì hỗ trợ Hồi giáo cực đoan, đặc biệt là anh em hồi giáo (MB), nhóm đã bị cả Saudi Arabia và UAE đặt ngoài vòng pháp luật.

Đặc biệt, cuộc khủng hoảng ngoại giao xảy ra vào tháng 3-2014, khi Saudi Arabia, UAE và Bahrain từng triệu hồi đại sứ từ Qatar vì Qatar ủng hộ Tổng thống Ai Cập lúc đó là Mohammed Morsi, một thành viên MB. Sáu tháng sau, các đại sứ mới trở lại sau khi Qatar “xuống thang”, trục xuất một số thành viên MB, nhằm giảm sức ép từ các nước vùng vịnh.

PV: Cuộc khủng hoảng lần này được đánh giá là nghiêm trọng hơn rất nhiều so với năm 2014. Vậy đâu là nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân sâu xa, thưa Thiếu tướng?

PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương: Nguyên nhân trực tiếp khởi nguồn từ “cuộc chiến” truyền thông giữa các bên, sau khi Hãng thông tấn nhà nước Qatar đăng tuyên bố của Quốc vương về chính sách ngoại giao của nước này và ngay lập tức bị Saudi Arabia, UAE, Ai Cập cho rằng không phù hợp với lợi ích chung của khối, cùng với cáo buộc Qatar hỗ trợ các Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và lực lượng khủng bố al-Qaeda.

Theo cáo buộc từ Arabia thì lãnh đạo Qatar dường như muốn khuyên bảo các nước Vùng Vịnh rằng không nên cấm vận, trừng phạt Iran – một cường quốc Hồi giáo khu vực.

Mặc dù chính phủ Qatar đã có lời cải chính, rằng hệ thống mạng đã bị tin tặc tấn công, nhưng những tuyên bố đó đã được các phương tiện truyền thông của Saudi Arabia, Ai Cập, UEA liên tục phát đi nhiều lần, gây nên làn sóng phẫn nộ trên các mạng xã hội.

Những động thái diễn ra trong bối cảnh Saudi Arabia đang muốn lập một liên minh các nước Hồi giáo dòng Sunni để đối đầu với Iran – Hồi giáo dòng Shiite, thì Qatar lại kêu gọi cải thiện quan hệ với Iran. Đây là điều mà các nước vùng vịnh cho rằng “không thể chấp nhận được”, và đưa ra tuyên bố chung – “Qatar cần bị trừng phạt thích đáng”.

Nguyên nhân sâu xa bắt đầu từ những đối lập về quan điểm chính trị giữa Qatar và các nước khối Arab, đặc biệt xung quanh vấn đề tổ chức hồi giáo IS. Hơn thế, Qatar lại có mối quan hệ kinh tế hữu hảo, thuận lợi với Iran trong việc khai thác mỏ khí lớn tại vùng Trung Đông này

Cuộc chiến ngoại giao giữa các nước vùng Vịnh với Qatar còn dấy lên từ mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo giữa người Hồi giáo dòng Shiite thân Iran và dòng Sunni với sự ủng hộ của Saudi Arabia. Điều này khiến thế giới Arab bị chia rẽ sâu sắc tạo ra sự cạnh tranh giữa các quốc gia Arab, đặc biệt là các cuộc cạnh tranh giữa hai dòng phái khác nhau của đạo Hồi.

Thủ đô Doha của Qatar. Ảnh: EPA

PV: Trong chuyến công du tới Trung Đông vào hồi tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã vấp phải sai lầm trầm trọng trong những phát ngôn của mình. Đề nghị Thiếu tướng làm rõ thêm vấn đề này?

PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trong chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Donald Trump kể từ khi nhậm chức, ngày 21/5, ông đã có bài diễn thuyết trước các nhà lãnh đạo từ 50 quốc gia Hồi giáo, trong đó nêu rõ Washington mong muốn siết chặt quan hệ hợp tác trong cuộc chiến chống tổ chức IS. Mỹ và giới lãnh đạo Saudi Arabia cùng các đồng minh đang đứng cùng phía chiến tuyến trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.

Đáng chú ý nhất trong các tuyên bố của ông Trump khi mô tả Iran là khởi nguồn của chủ nghĩa khủng bố, hay nhân tố chính gây bất ổn tại Trung Đông. Theo đó, Trump đã kêu gọi các nước Arab dòng Hồi giáo Sunni, đoàn kết lại nhằm bao vây cấm vận, cô lập các nước dòng Hồi giáo Shiite

Chính những tuyên bố vội vã, sai lầm này của ông Trump đã dấy lên sự bất bình trong dư luận Mỹ, bởi lãnh đạo Nhà Trắng đã không cải thiện được xung đột tại Vùng Vinh, mà còn khoét sâu thêm mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo vốn đã chất chứa lâu nay.

PV: Cuộc khủng hoảng giữa Qatar và các nước Vùng Vịnh lần này đã có tác động như thế nào đến vai trò và lợi ích của Mỹ tại Trung Đông, thưa Thiếu tướng?

PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đối với Mỹ, cuộc khủng hoảng giữa Qatar và các nước Vùng Vịnh lần này có tác động rất lớn. Không chỉ sự hợp tác kinh tế về mua bán dầu mỏ, Mỹ hưởng lợi rất nhiều từ vùng Vịnh nhờ các hợp đồng mua bán vũ khí và các hoạt động quân sự. Hiện nay, căn cứ không quân Al-Udeid ở Qatar là căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông. Có thể thấy, Qatar, hay Vùng vịnh đều là đồng minh của Mỹ.

Tuy nhiên, việc Qatar ủng hộ chủ nghĩa cực đoan và Iran lại là khúc mắc lớn nhất của Mỹ. Dư luận cho rằng, mâu thuẫn giữa Qatar và các nước láng giềng vùng Vịnh là hệ quả của chuyến thăm các nước Trung Đông mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Trung Đông. Điều này khiến vai trò của Mỹ tại Trung Đông đã bị suy giảm rõ rệt.

Hơn tất cả, Mỹ muốn biến tất cả các quốc gia vùng Vịnh trở thành đồng minh trung thành với cường quốc này, mà không có sự ảnh hưởng từ chủ nghĩa cực đoan hay Iran. Song cuộc khủng hoảng lần này đã cho thấy Trump đang “tự lấy đá ghè vào chân mình”, đặt Mỹ vào thế khó xử khi biến các nước đồng minh của mình trở thành kẻ thù, đối địch lẫn nhau.

Tổng thống Donald Trump đã kéo Mỹ vào "mớ bòng bong" Trung Đông. Ảnh: internet

PV: Ngay cả Nga và Trung Quốc cũng đã có những động thái tham gia vào việc giải quyết mâu thuẫn tại Trung Đông. Phải chăng, cuộc khủng hoảng lần này đã có ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích các nước này, thưa Thiếu tướng?

PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương: Cuộc khủng hoảng lần này có tác động đến Trung Quốc và Nga bắt nguồn từ lợi ích kinh tế. Qatar là một bán đảo nhô ra tại Hồng Hải, nằm trên huyết mạch thiên lý “Vành đai và con đường” của Trung Quốc. Cho nên, khi Qatar rơi vào thế cô lập đã có ảnh hưởng không nhỏ đến sáng kiến ‘Vành đai và con đường” của Bắc Kinh. Bên cạnh đó, Qatar còn là đối tác của Trung Quốc trong khai thác khí hoá lỏng.

Giống như Trung Quốc, Nga còn có lợi ích chiến lược thiết thực hiện tại cũng như lâu dài ở khu vực này mà việc thực hiện nó không thể không bị tác động bởi cuộc khủng hoảng hiện tại xung quanh Qatar.Nga là quốc gia có vai trò tích cực trong quá trình chống khủng bố trong khu vực cũng bày tỏ hy vọng sự căng thẳng ngoại giao này sẽ không ảnh hưởng đến nỗ lực và quyết tâm “quét sạch” khủng bố trên phạm vi toàn cầu.

PV: Vậy cuộc khủng hoảng này có sớm được giải quyết không, thưa Thiếu Tướng?

PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương: Những gì đang xảy ra cho thấy các nước trong khối Arab vùng Vịnh đang có những bất đồng lớn, khó mà hàn gắn. Để giải quyết mâu thuẫn, Qatar sẽ phải “xuống nước” trước. Nhưng không có nghĩa là Qatar sẽ đơn phương, mà đòi hỏi các nước Arab cũng phải chấp nhận nhân nhượng Qatar. Bởi suy cho cùng, không nước nào hưởng lợi khi căng thẳng bị kéo dài.

Nhiều cường quốc lớn trong khu vực và trên thế giới như Mỹ, Nga, Trung Quốc, EU… đều lên tiếng ủng hộ các nước liên quan sớm có những hành động nhằm kìm chế căng thẳng phát sinh. Đồng thời, sẽ hợp tác với nhau để từng bước hoá giải mâu thuẫn. Do đó, chiến tranh quân sự giữa Qatar và các nước Vùng Vịnh sẽ không xảy ra.

PV: Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Mỹ Nga

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN