Ngăn chặn tình trạng khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản

16/05/2017 11:09

(Baonghean.vn)- Góp ý xây dựng Luật Thủy sản (sửa đổi), các đại biểu đề nghị cần cụ thể hóa những khu vực được đánh bắt, khu vực bảo tồn, ngăn chặn tình trạng khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản.

Sáng 16/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức hội nghị góp ý xây dựng Dự án Luật Thủy sản (sửa đổi). Đồng chí Trần Văn Mão - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì.

anh 11
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Quỳnh Lan

Sau 14 năm thi hành, Luật Thủy sản năm 2003 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa theo kịp với sự phát triển nhanh của ngành thủy sản Việt Nam. Do đó, việc ban hành Luật thủy sản (sửa đổi) sẽ thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội đối với ngành thủy sản là ngành kinh tế, xã hội,… góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia trên biển và phát triển thủy sản bền vững.

Dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) gồm 8 chương, 100 điều. Luật quy định về hoạt động thủy sản, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động thủy sản, trách nhiệm quản lý Nhà nước về thủy sản.

anh 4
Ông Trần Hữu Tiến - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật thủy sản sửa đổi. Ảnh: Quỳnh Lan.

Tại hội nghị, góp ý vào Dự thảo luật, nhiều đại biểu lo lắng trước thực trạng đáng báo động hiện nay là nguồn lợi thủy sản đang bị tận diệt bằng các hình thức đánh bắt như kích điện, thuốc nổ, hóa chất… Các đại biểu đề nghị Dự thảo luật cần quy định cụ thể hơn về công tác quản lý Nhà nước nhằm ngăn chặn thực trạng này.

Dự thảo luật cần quy định cụ thể hóa những khu vực được đánh bắt, những khu vực ven bờ, khu vực bảo tồn. Xung quanh vấn đề đánh bắt xa bờ, nhiều đại biểu cho rằng, hoạt động này chưa được quan tâm đúng mức. Tàu đánh cá mới chỉ thay đổi về công suất máy tàu, thân tàu chứ chưa thay đổi cơ bản về nghề, chất lượng công nghệ,…

anh 33
Vận chuyển cá vào bờ tại Cảng cá Quỳnh Lập (TX.Hoàng Mai). Ảnh: Quỳnh Lan

Hội nghị đã lắng nghe 9 ý kiến đóng góp xây dựng Dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi), tập trung vào 3 nhóm: Về tên gọi, phạm vi, đối tượng, giải thích từ ngữ, đề nghị bổ sung quy định rõ để bảo đảm tính khả thi. Về kỹ thuật lập pháp, cơ cấu, bố cục của Dự thảo luật chưa bảo đảm tính logic và tính khả thi trong thực tiễn, đề nghị bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp.

Dự thảo luật có 32 nội dung dành cho Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn chi tiết là quá nhiều. Vì vậy, cần quy định cụ thể trong Luật để thực hiện; đồng thời cần bổ sung nội dung về phê duyệt, quản lý, khai thác vùng thủy sản nội địa.

Thay mặt đoàn ĐBQH của tỉnh, đồng chí Trần Văn Mão - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu và sẽ tổng hợp gửi cơ quan soạn thảo nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo Luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Từ đó, xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh để bảo đảm khi luật ra đời có hiệu quả trong thực tiễn, tương thích với pháp luật quốc tế./..

Quỳnh Lan

TIN LIÊN QUAN