3 yếu tố quyết định chất lượng bài thi của sỹ tử

23/05/2017 08:24

(Baonghean.vn) - Thi cử đỗ đạt là do mình, không phải do kiêng kị mà có. Sức khỏe kiến thức với tâm lý thoải mái sẽ giúp sĩ tử vượt qua mọi trở ngại để làm bài thi tốt.

1. Nắm vững kiến thức

Để có một bài thi tốt thì việc chuẩn bị về kiến thức luôn là điều tiên quyết, chính việc nắm vững, nắm chắc sẽ giúp các em tự tin rất nhiều khi bước vào phòng thi.

Nắm chắc kiến thức giúp sĩ tử tự tin bước vào phòng thi. Ảnh minh họa.
Nắm chắc kiến thức giúp sĩ tử tự tin bước vào phòng thi. Ảnh minh họa.

Việc vất vả “cày ngày cày đêm” không có khoa học sẽ càng đẩy các bạn rơi vào tình trạng quá tải, thiếu máu lên não, dẫn đến tình trạng chậm nhớ chóng quên, gây khó khăn cho việc tiếp nhận kiến thức của các sĩ tử. Chính vì vậy điều quan trọng đầu tiên mà các bạn cần lưu ý đó là hãy vạch ra mục tiêu học tập cho từng giai đoạn. Việc xác định được mục tiêu học tập rõ ràng giúp bạn quản lí thời gian, khối lượng công việc tốt hơn.

Xác định điểm mạnh, điểm yếu của bản thân cũng là một điều quan trọng để có một kế hoạch học tập khoa học. Bên cạnh đó, áp dụng một số phương pháp học mới như sơ đồ cây, take note, học thông qua hình ảnh, bản đồ,... sẽ giúp việc học trở nên thú vị hơn, từ đó việc tiếp nhận kiến thức sẽ trở nên dễ dàng hơn với các sĩ tử.

2. Dồi dào sức khỏe

Để thí sinh có đủ sự tỉnh táo để hoàn thành tốt các bài thi thì chế độ ăn uống là một vấn đề cần được lưu tâm.

Nguyên tắc ăn uống mùa thi

Nên “ăn chín, uống sôi”, chọn món ăn dễ tiêu, hạn chế ăn vặt lề đường, không thử các món ăn mới lạ đề phòng dị ứng thức ăn. Không nên ăn uống ngoài quán, hàng rong vì dễ bị nhiễm khuẩn và đau bụng bất thường.

Tốt nhất phụ huynh nên nấu ăn cho con tại nhà. Cho con ăn vừa đủ chứ không ăn no quá bữa sáng và bữa trưa, bởi sẽ làm sĩ tử mệt mỏi do năng lượng cơ thể bị tập trung vào tiêu hóa, chứ không phải cho não hoạt động.

Thí sinh tuyệt đối không bỏ bữa sáng, vì sẽ mất tỉnh táo, rất mệt mỏi và có thể bị ngất xỉu vì đói khi làm bài.

Những món bổ não để học tốt

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mùa thi có các dưỡng chất sau nhất định phải bổ sung nhất để trí não hoạt động tốt:

Cung cấp đầy đủ dưỡng chất để trí não sĩ tử hoạt động tốt. Ảnh minh họa.
Cung cấp đầy đủ dưỡng chất để trí não sĩ tử hoạt động tốt. Ảnh minh họa.

- Bổ sung Glucose cho não bằng hấp thụ các loại ngũ cốc nguyên hạt, đậu, khoai, rau củ - giúp lượng đường huyết ổn định (hạn chế nước ngọt, bánh kẹo ngọt, thức uống có đường vì sẽ làm đường huyết tăng nhanh và giảm cũng nhanh).

- Bổ sung Omega-3 và Omega-6 tốt cho hệ thần kinh, có trong cá basa, cá thu, cá ngừ, cá hồi, cá trích… Nên ăn cá 3 lần/tuần (hoặc ăn các loại hạt nhiều dầu).

- Bổ sung Phospholipid rất tốt cho trí nhớ, có nhiều trong lòng đỏ trứng, thịt nội tạng.

- Acid amin giúp dẫn truyền thần kinh, có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu. Sĩ tử ăn 55 - 60g chất đạm/ ngày (khoảng 250g thịt cá/ngày kèm với 1,5 - 2 bát cơm/bữa là đủ đạm).

- Chất sắt rất dễ bị thiếu trong bữa ăn, dẫn tới thiếu máu, mệt mỏi, học kém tập trung, dễ buồn ngủ. Bổ sung sắt bằng cách ăn nhiều tiết, gan, thịt, cá, rau dền, rau ngót, các loại đậu. Hoa quả giàu vitamin C như cam, bưởi, táo, đu đủ giúp hấp thu tốt chất sắt.

- Bổ sung i ốt để trí não không bị trì trệ, giảm tiếp thu bài. I ốt có nhiều trong các loại cá biển và hải sản. Nhưng rẻ nhất là nêm muối i-ốt vào thức ăn hàng ngày.

Bên cạnh chế độ ăn hợp lý, các sĩ tử nên ăn thêm 2-3 bữa phụ. Hàng ngày bổ sung vitamin và khoáng chất có trong ngũ cốc nguyên hạt và các loại rau quả.

Bổ sung nước

Thi cử vào lúc nắng nóng hoành hành, học sinh dễ bị mất nước nhanh, ảnh hưởng đến kết quả thi. Ngay từ bây giờ sĩ tử nên ăn các loại rau quả dưa hấu, dưa leo, dưa chuột, táo, quả lựu… giàu nước, nhiều dưỡng chất vitamin C, tốt cho sức khỏe.

3. Tinh thần lạc quan

Quan trọng nhất là phụ huynh và chính sĩ tử hãy tạo tâm lý an tâm cần thiết trước khi bước vào phòng thi.

- Đối với sỹ tử, cố gắng bình thường hóa những cuộc thi cử. Hãy xem như đó chỉ là một ngày bình thường trong cuộc đời và ngày đó là một ngày các bạn được thể hiện tài năng, kiến thức đã ôn tập bấy lâu nay. Chính cách suy nghĩ tích cực này sẽ làm cho tinh thần trở nên thư thái hơn, tự tin vượt mọi rào cản, chinh phục những bài toán khó và viết lên những bài văn cảm động, những thông điệp cuộc sống ý nghĩa.

Kết thúc môn thứ nhất, hãy nghỉ ngơi, quên hết cuộc thi vừa rồi để bước vào môn thi mới.
Kết thúc môn thứ nhất, hãy nghỉ ngơi, quên hết cuộc thi vừa rồi để bước vào môn thi mới. Ảnh minh họa.

Khi thi xong thí sinh thường đối chiếu kết quả với các bạn khác, tạo nên tâm lý tự ti và có thể dẫn đến việc buông xuôi. Nhiều bạn thí sinh sau buổi thi đều mất thời gian, tâm trí cho vấn đề trao đổi, quan tâm, nghe ngóng với các thí sinh khác về kết quả của môn này. Hỏi càng nhiều, bạn càng nhận ra, mỗi người một ý không ai giống mình và bạn sẽ cảm giác lo lắng, mang nặng tâm lý tiêu cực, chán nản. Từ đó đâm ra tâm lý sợ sệt rằng mình sẽ rớt, đồng thời tinh thần để thi môn thi sau không còn như lúc đầu nữa.

Vì thế, sau khi kết thúc môn thứ nhất, hãy nghỉ ngơi, ăn uống, quên hết cuộc thi vừa rồi và ngủ trưa khoảng 30 phút để não bộ được thư giãn, nghỉ ngơi và bước vào môn thi mới. Hãy để tư duy của bạn được thông thái, hãy mang tâm thế của một "chiến binh dũng mãnh" hiên ngang chinh phục những chặng núi cao.

- Đối với phụ huynh, hãy quan tâm bằng những cử chỉ thương yêu, lời động viên, hỏi han tâm sự… giúp con bớt lo âu, căng thẳng, mất bình tĩnh và còn tăng thêm tự tin cho con khi bước vào phòng thi.

Hoa Lê

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN