Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Mỹ: Làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác với các nước lớn

29/05/2017 10:37

Nhận lời mời của Tổng thống Mỹ, Donald Trump, chuyến thăm Mỹ lần này của Thủ tướng Việt Nam nhằm đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác với các nước lớn, trong đó có Mỹ.

Nhận lời mời của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Donald Trump, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 29-31/5/2017. Theo lịch trình, thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ hội đàm với Tổng thống Donald Trump; Cùng trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian tới, đặc biệt trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, giáo dục, khắc phục hậu quả chiến tranh, các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, vì hòa bình, ổn định và sự phát triển của khu vực và trên thế giới.

Hơn 20 năm kể từ ngày Thổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bình thường hoá quan hệ với Việt Nam năm 1995 và thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, quan hệ Việt Nam và Mỹ đã và đang gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng. Mỹ đã tích cực ủng hộ Việt Nam ra nhập tổ chức thương mại thế giới WTO và ủng hộ Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.

Trong chính sách đối ngoại của mình, Mỹ coi Việt Nam là một đối tác đầy triển vọng ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương để có thể hợp tác và chia sẻ các lợi ích chung về địa chính trị, an ninh và kinh tế, cũng như có mối quan tâm chung về việc đảm bảo tự do hàng hải và thương mại ở Biển Đông, ngăn chặn việc sử dụng vũ lực trong các tranh chấp lãnh thổ, bảo đảm việc giải quyết hòa bình các tranh chấp biển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Donald Trump, quan hệ Việt - Mỹ

Hai nước đã xác lập quan hệ đối tác toàn diện vào dịp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức Hoa Kỳ hồi tháng 7/2013, mở ra nhiều cơ hội và triển vọng hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực. Hai bên đã ký kết một số hiệp định và các văn kiện quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho việc hợp tác toàn diện giữa hai nước, trong đó phải kể đến Hiệp định khung về thương mại và đầu tư; Hiệp định hợp tác năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, hay còn gọi là Hiệp định hạt nhân dân sự 123 v.v…

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius cho biết, Hoa Kỳ không hài lòng ở vị trí nhà đầu tư thứ 4 hay thứ 5 tại Việt Nam. Chúng tôi muốn là nhà đầu tư số 1 tại Đông Nam Á. Chúng tôi có thể là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam nhưng tôi nghĩ rằng để đạt được điều đó, chúng tôi sẽ có nhiều việc cần phải làm chứ không thể tự nhiên mà đạt được mục đích đó. Sẽ phải làm rất nhiều việc nhất là về các quy định pháp lý để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ thương mại giữa hai nước”.

Hiện có trên 700 dự án của Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam với số vốn hơn chục tỷ USD, đứng thứ 7 trong số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Các dự án đầu tư FDI của Mỹ vào Việt Nam chủ yếu trên các lĩnh vực dịch vụ, bên cạnh đó là công nghiệp, xây dựng, bất động sản v.v…Theo ông Adam R.Sitkoff - Giám đốc điều hành Phòng thương mại Mỹ tại Việt Nam, “lĩnh vực công nghệ thông tin của Mỹ hiện nay rất mạnh ở đây và hầu hết mọi người đi đâu cũng thấy có chiếc Iphone trong túi như là biểu hiện của việc sử dụng công nghệ Mỹ, cho thấy họ muốn quan hệ 2 nước tiếp tục phát triển.”

Trao đổi thương mại hai chiều liên tục tăng trong những năm qua với mức tăng trưởng hàng năm đạt khoảng 20%. Đến nay, kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt hơn 30 tỷ USD, tăng hơn 130 lần so với thời điểm năm 1994, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn của Mỹ. Theo bà Virgina Foot - Chủ tịch Hội đồng Thương mại Việt - Mỹ, quan hệ kinh tế luôn đóng vai trò rất quan trọng đối với cả 2 nước. Đó là lý do tại sao bạn có thể thấy từ việc cải thiện đời sống của người dân Việt Nam cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty Mỹ tại đây. Tất cả đều tập trung vào phát triển kinh tế.

Sự hợp tác trong giáo dục đào tạo giữa Việt Nam và Mỹ cũng phát triển mạnh. Việt Nam hiện đang dẫn đầu trong số các nước ASEAN và đứng thứ 8 trong số tất cả các nước về số lượng sinh viên học ở Mỹ với khoảng 16000 người với tốc độ tăng lên nhanh chóng qua từng năm. Nhiều sáng kiến về trao đổi giáo dục đã được triển khai, trong đó phải kể đến sáng kiến Chương trình Liên minh Giáo dục Đại học ngành kỹ thuật; chương trình học bổng Fulbright do Mỹ cung cấp cho sinh viên Việt Nam và thành lập trường Đại học Fullbright ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, an ninh - quốc phòng là một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa Việt Nam và Hoa kỳ trong những năm gần đây. Hai nước đã thường xuyên có các cuộc đối thoại chính trị - an ninh - quốc phòng và thống nhất trao đổi hợp tác trong nhiều lĩnh vực quan trọng.

Trong đó phải kể đến hợp tác chống phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, mua sắm quốc phòng, hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, hỗ trợ nhân đạo, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả chiến tranh, xử lý chất độc da cam, rà phá bom mìn, tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh v.v…

Hai bên đã ký Biên bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương tháng 9/2011 và Mỹ đã cung cấp khoản viện trợ 18 triệu USD cùng 5 tàu tuần tra nhanh nhằm giúp Việt Nam nâng cao năng lực cho các đơn vị tuần tra ven biển. Nhiều tàu chiến Mỹ đã cập cảng Việt Nam như một phần trong hợp tác quân sự, trong đó có các tàu khu trục và soái hạm, các tàu cứu hộ, y tế v.v... Hợp tác hải quân Việt - Mỹ được cụ thể hơn khi hai nước bắt đầu tham gia diễn tập chung. Hai bên đồng ý tiếp tục hợp tác về thực thi luật pháp trên biển, đặc biệt là tăng cường năng lực để đối phó với thảm họa và tìm kiếm cứu nạn.

Về vấn đề Biển Đông, cả Việt Nam và Mỹ đều đồng nhất quan điểm giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp ngoại giao hòa bình, tránh các hành động khiêu khích đơn phương, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).

Một trong những lĩnh vực hợp tác rất chặt chẽ, lâu dài và tích cực giữa Việt Nam và Mỹ trong những năm qua là khắc phục hậu quả chiến tranh. Hai bên đã thể hiện rõ thiện chí và quyết tâm giải quyết những vấn đề do chiến tranh để lại. Hoạt động tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam do chính phủ Mỹ tiến hành đã được phía Việt Nam hỗ trợ và tham gia rất tích cực.

Phía Hoa Kỳ cũng hỗ trợ Việt Nam rà phá bom mìn còn sót lại và ngăn chặn thương vong trong tương lai. Nhiều dự án tẩy chất độc da cam dioxin và hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam đang được triển khai tại một số địa phương.

Không thể phủ nhận, hơn hai thập kỷ qua là khoảng thời gian vô cùng gian nan, thử thách với những nỗ lực không mệt mỏi của cả hai bên, song cũng là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa đối với quan hệ Việt - Mỹ. Với tinh thần khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, Việt Nam và Mỹ đã chung tay xây dựng được một niềm tin và sự hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Những thành tựu to lớn ấy chắc chắn là nền tảng vô cùng quý báu để chính phủ và nhân dân hai nước tiếp tục phát huy hơn nữa sự hợp tác thiết thực và hiệu quả, cùng nhau vun đắp cho mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước ngày càng phát triển và đạt được những tầm cao mới trong những năm tới đây.

Bởi vậy, Đại sứ Ted Osius luôn tin rằng, tiềm năng hợp tác giữa 2 quốc gia là rất lớn vì nhiều lí do. Ở Mỹ, cộng đồng người Mỹ gốc Việt là khá đông, hiện có khoảng hơn 2 triệu người Mỹ gốc Việt và lớp trẻ trong cộng đồng này đặc biệt rất tập trung cho tương lai và những cơ hội do quan hệ 2 nước mang lại.

“Tôi cho rằng người Mỹ muốn biết nhiều hơn về Việt Nam hiện nay. Và trách nhiệm của chúng tôi là phải giúp cho nhân dân Mỹ hiểu Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng như thế nào; Triển vọng phát triển của Việt Nam lớn như thế nào và Việt Nam đã trở thành đối tác mạnh như thế nào của Hoa Kỳ”, Đại sứ Ted Osius quả quyết.

Theo Vietnamnet.vn

TIN LIÊN QUAN