Xã trồng mía ép nước giải khát ở Nghệ An

16/04/2017 07:20

(Baonghean.vn) - Giống mía có thân vàng tía, nhiều nước, thơm ngọt được người dân xã Giang Sơn Đông huyện Đô Lương nhân rộng phục vụ ép nước mía trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa.

Ông Dương Đức Quý ở xóm Thị Tứ là một trong những hộ trồng mía phục vụ ép nước giải khát nhiều nhất xã Giang Sơn Đông. Ảnh Nguyên Nguyên
Ông Dương Đức Quý ở xóm Thị Tứ trồng mía phục vụ ép nước giải khát nhiều nhất xã Giang Sơn Đông. Với 18 sào mía, năm nay ông thu về khoảng 180 triệu đồng. Ảnh Nguyên Nguyên

Hiện nay thương lái nhiều vùng tìm về xã Giang Sơn Đông (Đô Lương) để mua loại mía thân vàng tía còn gọi là mía F34 phục vụ nhu cầu ép nước giải khát.

Theo ông Nguyễn Trọng Tuấn – Chủ tịch UBND xã, năng suất bình quân mỗi sào mía trồng trên đất lúa cao cưỡng đạt 4 tấn/sào, với giá 250.000 đồng/tạ, người trồng mía trên địa bàn xã thu được 10 triệu đồng/sào, cao rất nhiều lần so với các loại cây trồng khác.

Ông Dương Đức Quý ở xóm Thị Tứ là một trong những hộ trồng mía nhiều nhất xã Giang Sơn Đông. Năm nay, 18 sào mía của gia đình ông đem về nguồn thu trên dưới 180 triệu đồng.

Ông Quý phấn khởi chia sẻ: “Mới đầu gia đình tôi chỉ trồng vài sào thôi nhưng thấy hàng năm, thương lái về đặt hàng mà không có bán nên đã tăng diện tích lên. Nhiều hộ khác cũng tăng diện tích nhưng cho đến nay, đầu ra vẫn ổn định, đó là điều đáng mừng”.

Cũng theo ông Quý, năng suất bình quân mỗi sào mía có thể nâng lên 5 - 6 tấn khi đầu tư thêm phân bón và chăm sóc nhưng với trường hợp phải sử dụng hệ thống cọc chống, bởi nếu mía quá tốt sẽ dễ đổ, khi đó năng suất, chất lượng sẽ giảm và khách hàng cũng thường “kén” mua những cây mía bị đổ.

Đến nay, trên địa bàn xã có trên 40 ha mía cung cấp cho thị trường loại mía để ép nước giải khát. Hầu hết diện tích mía này được chuyển đổi từ đất lúa và đất màu kém hiệu quả. Giống mía F34 được nhân dân trên địa bàn bảo tồn từ lâu nay trong vườn nhà và được nhân rộng trong vòng 5 năm nay.

Ông Ngọc Kim Nam - Chủ tịch UBND huyện Đô Lương (thứ 2 bên trái) khảo sát vùng trồng mía ép nước giải khát tại Giang Sơn Đông. Ảnh Nguyên Nguyên
Ông Ngọc Kim Nam - Chủ tịch UBND huyện Đô Lương (giữa) khảo sát vùng trồng mía phục vụ ép nước giải khát tại Giang Sơn Đông. Ảnh Nguyên Nguyên

Loại mía có thể thích nghi với điều kiện đất khô hạn và cũng không bị ảnh hưởng khi mưa gây ngập úng cục bộ ở vùng nội đồng của xã. Chính vì vậy, đây được xem là cây trồng thế mạnh đem lại sự yên tâm cho bà con xã Giang Sơn Đông.

Cả xã Giang Sơn Đông có 10/19 xóm bà con trồng mía cung cấp cho thị trường ép nước giải khát. Mùa thu hoạch chính của giống mía F34 bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm, đây là thời điểm nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước mía giải khát trên địa bàn Nghệ An và các tỉnh lân cận tăng cao.

Điều đặc biệt là giống mía này thân thẳng, khi ép được nhiều nước với màu vàng đẹp, thơm ngọt. Chính vì vậy, loại mía này trở thành “đặc sản” được nhiều thương lái tìm mua.

Ông Nguyễn Trọng Tuấn – Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Nhiều hộ muốn tăng diện tích mía này lên nhưng xã khảo sát không còn quỹ đất, nếu có thể cũng chỉ tăng thêm được 10 ha nữa. Vấn đề quan trọng là không để ảnh hưởng đến diện tích các cây trồng khác. Trên cơ sở đó, xã khuyến cáo người dân đầu tư thâm canh, tăng năng suất mía trên diện tích hiện có, cùng đó củng cố các hoạt động của làng mật mía và hình thành các tổ liên gia hoặc mô hình HTX để ổn định đầu ra cho sản phẩm về lâu dài”.

Video người dân khẳng định giá trị mía F34

Ông Tuấn cho biết thêm, đầu năm nay, Chủ tịch UBND huyện Đô Lương Ngọc Kim Nam đã khảo sát thực tế trồng giống mía F34, khuyến khích các hộ nâng cao năng suất theo hướng đầu tư phân bón, chăm sóc và xây dựng hệ thống cọc bê tông để chống, giằng mía. Quá trình đó, nếu các hộ khó khăn về nguồn vốn, huyện nghiên cứu chính sách hỗ trợ lãi suất để nâng cao năng suất, giá trị cây mía trên địa bàn xã. Đó là tín hiệu vui đối với các hộ trồng mía nguyên liệu cho nghề ép nước mía giải khát ở Giang Sơn Đông.

» Bất ngờ với khả năng ngăn ngừa ung thư của nước mía

Nguyên Nguyên

TIN LIÊN QUAN