Những điểm mới, quan trọng cần được nhận thức đầy đủ về kinh tế tư nhân

12/05/2017 10:26

(Baonghean.vn) - Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ra Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế tư nhân đã tạo sự hồ hởi, phấn khởi trong xã hội. Người dân cả nước tin tưởng và kỳ vọng là với nghị quyết mới này, những ngăn trở, những rào cản cả trong tư tưởng lẫn hành động của người dân và của các công bộc của dân sẽ được gỡ bỏ, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân có bước phát triển nhảy vọt cả về chất lẫn lượng.

Hội nghị trung ương 5, Tổng bí thư, Nguyễn Phú Trọng, kinh tế tư nhân
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XII.

Vấn đề đặt ra là phải làm gì và làm như thế nào để Nghị quyết đi nhanh vào cuộc sống, phát huy hết hiệu quả, tác dụng để kinh tế tư nhân thật sự xứng đáng là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Đây là việc không hề dễ dàng nếu như không khắc chế, không triệt tiêu được những “tác dụng phụ”, những phát sinh ngoài mong muốn của việc ưu tiên phát triển kinh tế tư nhân khiến cho kết quả không đúng như mong muốn.

Chính vì thế mà trong bài phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý là phải: chăm lo phát triển kinh tế tư nhân nhanh, lành mạnh và đúng đắn. Sự lưu ý có tính chất như nhắc nhở này hết sức quan trọng. Cần phải thấu triệt tinh thần đó để thực hiện cho đúng. Bởi trong thực tế đã có những doanh nghiệp tư nhân phát triển nhanh chóng một cách kỳ lạ, mà chủ yếu là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.

Có vẻ như các doanh nghiệp đó luôn nhận được những sự ưu ái, hỗ trợ mạnh mẽ từ phía các cơ quan công quyền. Nhờ vậy mà luôn thâu tóm, nắm giữ được những khu đất nằm ở những vị trí đắc địa và luôn triển khai các dự án theo kiểu vừa chạy vừa sắp hàng.

Nghĩa là vừa xây dựng vừa hoàn thiện các thủ tục theo quy định để tiết kiệm thời gian, chi phí. Mặc dù, cách làm đó là vi phạm các quy định của pháp luật về lĩnh vực này. Nhờ đó, chỉ trong thời gian rất ngắn, ngắn ở mức không thể ngắn hơn được nữa, đơn vị được ưu ái trở thành một doanh nghiệp có tâm cỡ nhất nhì cả nước. Trong khi các doanh nghiệp khác không những không nhận được sự hỗ trợ tương tự mà còn phải kêu trời về cách hành xử, các loại thủ tục theo kiểu hành là chính và buộc phải có chi phí “bôi trơn” mới được việc...

Chỉ chừng đó thôi, cũng đủ thấy có sự bất thường trong cung cách phát triển của các doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp tư nhân. Và đây chính là biểu hiện cụ thể của cái gọi là chủ nghĩa tư bản thân hữu như các chuyên gia, nhà nghiên cứu kinh tế - chính trị dùng để mô tả một kiểu làm ăn mà trong đó thành quả kinh doanh phụ thuộc vào các mối quan hệ thân thiết giữa các doanh nhân và các quan chức chính quyền chứ không phải do thực lực của doanh nghiệp. Nó được biểu hiện bằng cách cư xử thiên vị của chính quyền cho các doanh nghiệp thân hữu trong việc cung cấp tài chính, giấy phép, các khoản miễn giảm thuế và các hình thức can thiệp khác.

Dĩ nhiên, khi được ưu ái đủ bề thì các doanh nghiệp thân hữu sẽ phát triển rất nhanh nhưng rất không lành, không mạnh. Không mạnh, vì lẽ, nếu cắt đi những sự ưu ái và phải tự bươn trải trên thương trường thì các doanh nghiệp kiểu đó sẽ khó trụ vững. Nó không lành vì sẽ hủy hoại môi trường kinh doanh, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Tích tụ những bất công và bất bình trong xã hội.

Toàn cảnh hội nghị Trung ương 5. Ảnh: Internet
Toàn cảnh hội nghị Trung ương 5. Ảnh: Internet

Điều nguy hiểm hơn, nó sẽ triệt tiêu sức cạnh tranh của nền kinh tế vì các doanh nghiệp - xương sống của nền kinh tế mà phát triển kiểu này thì hoàn toàn không có đủ sức cạnh tranh với bên ngoài. Đồng thời, nó hủy hoại và làm tha hóa đội ngũ cán bộ, công chức, nhân viên trong các cơ quan công quyền. Làm vô hiệu các nỗ lực cải cách hành chính. Và cuối cùng nó sẽ điều phối các hành vi của những người có trách nhiệm thông qua đó chi phối các hoạt động của chính quyền. Tình trạng này đã xảy ra ở không ít quốc gia trên thế giới, để lại hậu quả rất nặng nề về kinh tế và xã hội.

Chính vì thế, khi đề cập vấn đề phát triển kinh tế tư nhân, người đứng đầu Đảng ta đã nhấn mạnh: Phát huy mặt tích cực có lợi cho đất nước, doanh nghiệp, doanh nhân và người lao động; đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát, thực hiện công khai, minh bạch; ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực, đặc biệt là phòng chống mọi biểu hiện của "chủ nghĩa tư bản thân hữu", quan hệ "lợi ích nhóm", "thao túng chính sách", cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính.

Đây chính là những điểm mới, điểm quan trọng cần phải được nhận thức đầy đủ, sâu sắc để thực hiện đầy đủ, chính xác có hiệu quả để đạt được mục đích đưa kinh tế tư nhân cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể làm nòng cốt để bảo đảm xây dựng thành công nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế.

Qua những gì đã đề cập ở trên, có thể đi đến một nhận định là muốn thực hiện tốt Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân cần phải thực hiện đúng phương châm: nhanh, lành mạnh và đúng đắn./.

Duy Hương

TIN LIÊN QUAN