(Baonghean.vn) - Với chủ đề “Khát vọng hoàn lương”, phạm nhân tại Trại giam số 3 đã thể hiện những bức tranh sinh động, đầy màu sắc nhằm thổ lộ ước mơ, khát khao của những phận người đã một thời lầm lỡ.
Trại giam số 3 (Tổng cục VIII - Bộ Công an), đóng chân trên địa bàn xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ hiện có trên 3.000 phạm nhân đang chấp hành án. Đặc thù của đơn vị là chỉ có phạm nhân nam, mặc dù vậy, theo Thiếu tá Đào Anh Sơn - Phó giám thị Trại giam số 3 thì trong trại giam có rất nhiều “nhân tố bí ẩn”, với nhiều tài năng khác nhau.
Ngoài đội văn nghệ tập hợp những phạm nhân có năng khiếu hát hay, múa dẻo chẳng thua kém gì các phạm nhân nữ, một số phạm nhân khác còn có biệt tài ở các lĩnh vực như điêu khắc, xây dựng và đặc biệt là hội họa.
Báo Nghệ An xin giới thiệu một số bức tranh mang chủ đề “Khát vọng hoàn lương” do phạm nhân Trại giam số 3 sáng tác:
|
Lấy bối cảnh là khu vực lao động, sản xuất bên ngoài Phân trại K2, phạm nhân Bùi Đức Nam đã phác họa khung cảnh bình yên của Trại giam sau giờ lao động cải tạo, phạm nhân trở về buồng giam với niềm phấn chấn lại thường khi nghĩ đến ngày về không còn xa ngái trước mắt. Ảnh: Hà Thư |
|
Cũng dưới góc nhìn của phạm nhân Bùi Đức Nam, tác phẩm hội họa “Người thầy” là cái nhìn trìu mến, nặng nghĩa ân tình của cán bộ quản giáo với phạm nhân trong việc truyền nghề để phạm nhân có “cần câu cơm” sau khi chấp hành xong bản án tù. Ảnh: Hà Thư |
|
“Giọt mồ hôi trên con đường hướng thiện” là chủ đề mà phạm nhân Phạm Huy Hồng lựa chọn để thể hiện sự tri ân của phạm nhân đối với Ban giám thị và cán bộ quản giáo. Lao động sản xuất, những giọt mồ hôi của chính mình đổ xuống chính là thước đo hướng thiện mật ngọt nhất. Ảnh: Hà Thư |
|
Bức tranh mang tựa đề “Giá trị đích thực” của phạm nhân Nguyễn Tân Quang, hiện đang thụ án tại Phân trại K2, Trại giam số 3. Bức tranh thể hiện khá trọn vẹn những hoạt động lao động sản xuất hằng ngày trong trại giam của phạm nhân, từ trồng rau, nuôi cá đến xây dựng các công trình phúc lợi trong đơn vị. Ảnh: Hà Thư |
|
Phạm nhân Phan Bá Hương, trước khi khoác lên mình tấm áo sọc dọc là người đàn ông đã có tất cả,vợ đẹp, con khôn nhưng phút sa ngã phận người, Phan Bá Hương đã đánh mất tất cả. Tác phẩm “Ngày ấy đâu rồi” là sự tiếc nuối, xót xa về quá khứ, là hai mặt của một thực tiễn đau lòng. Ảnh: Hà Thư |
|
“Tiếng hát tình đời” của phạm nhân Trần Hồng Chương lại là cái nhìn đa chiều về các hoạt vui chơi,sinh hoạt của phạm nhân sau những giờ lao động, cải tạo. Phạm Hồng Chương cũng là một cây văn nghệ nổi tiếng, là đội trưởng đội văn nghệ phạm nhân của Trại giam số 3. Ảnh: Hà Thư |
Hà Thư