Sớm xây dựng Khu Bảo tồn thiên nhiên Phuxailaileng

29/03/2017 11:05

(Baonghean) - Báo Nghệ An đăng tải ý kiến của kỹ sư Nguyễn Đình Võ về việc sớm xây dựng Khu Bảo tồn thiên nhiên Phuxailaileng.

Sở dĩ chúng tôi tâm huyết với đề nghị cần sớm xây dựng Khu Bảo tồn thiên nhiên Phuxailaileng bởi đây là một khối núi lớn, nằm giữa biên giới Việt - Lào, có độ cao tuyệt đối 2.711m - cao nhất dãy Trường Sơn, nóc nhà của Bắc Trung bộ và Bắc Việt - Lào, cao thứ nhì của Việt Nam, chỉ sau Phanxiphăng (3.143m) của Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn - nóc nhà phía Bắc của Tổ quốc.

a
Trên đỉnh Phuxailaileng.

Trong tự nhiên, độ cao là điểm tựa quan trọng của địa quyển, có ảnh hưởng lớn đến khí quyển, thủy quyển đặc biệt là sinh quyển. Phuxailaileng lại là trung tâm của vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Miền Tây Nghệ An (UNESCO 2007), có vị trí vô cùng quan trọng trong chiến lược bảo vệ môi trường chống biến đổi khí hậu - phong phú về đa dạng sinh học và là đầu nguồn của nhiều khe suối thuộc hệ thống đầu nguồn lưu vực sông Cả.

Năm 2003, Hội KHKT Lâm nghiệp đã tổ chức hội thảo về "Ý tưởng thành lập Khu BTTN Phuxailaileng do Cộng đồng quản lý" được Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, có đủ các nhà khoa học đầu ngành trong nước và thế giới đến từ EU, đặc biệt có ngài Giáo sư - Tiến sỹ James Hardcastle đại diện Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) tham dự và có các bài phát biểu quan trọng. Hội thảo đã thảo luận sâu rộng, nhất trí cao với ý tưởng do hội đề ra và kiến nghị với các cơ quan thẩm quyền nhà nước nghiên cứu sử dụng, thực hiện.

Năm 2014, với tinh thần trách nhiệm cao, Sở Khoa học và Công nghệ đã xây dựng đề tài nghiên cứu "Đa dạng sinh học khu vực Phuxailaileng" do Trung tâm môi trường và phát triển cùng liên hiệp hội phối hợp với khoa Sinh - Trường Đại học Vinh thực hiện, một lần nữa chứng minh đề xuất trên là đúng. Bước đầu đã phát hiện và thống kê được 726 loài thực vật bậc cao của 398 chi, 139 họ thuộc 4 ngành thực vật.

Có nhiều loài quý hiếm ghi trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ thế giới (IUCN) phong phú đa dạng về nhóm cây làm thuốc, trong đó họ nhân sâm (Araliaceae) có tới 10 loài, đặc biệt có loài Panax SP. được coi là Sâm Fuxailaileng, gần giống như Sâm Ngọc linh Nam Trường Sơn vậy. Ghi nhận được 348 loài động vật có xương sống, trong đó có 60 loài thú, 147 loài chim, 76 loài lưỡng cư bò sát, có nhiều loài quý hiếm (sách đỏ Việt Nam, sách đỏ IUCN, Nghị định 32/2006) và giá trị kinh tế cao, có một số loài ở mức độ nguy cấp (EN) hoặc sẽ nguy cấp (VU) cần có biện pháp mạnh để bảo tồn và phát triển.

Trong hệ thống rừng đặc dụng của Nghệ An, từ thấp đến cao, chúng ta đã có Khu BTTN Pù Huống từ dưới 100m đến 1.600m; Vườn quốc gia Pù Mát đến 1.800m; Khu BTTN Pù Hoạt đến 2.400m. Tuy nhiên, với Phuxailaileng ở độ cao 2.711m có những nét độc đáo riêng mà các khu rừng nói trên chưa có, không thể để nó mai một, mất mát.

Bông đào ửng phớt trong tuyết trên đỉnh Puxailaileng, ngọn núi cao nhất của dãy Trường Sơn (2.711m) ở Kỳ Sơn, Nghệ An, ngày 25/1/2016.
Bông đào ửng phớt trong tuyết trên đỉnh Phuxailaileng ngày tuyết rơi.

Hệ thực vật ở đây vừa mang tính chất nhiệt đới - á nhiệt đới - vừa mang tính chất ôn đới - vừa mang tính chất thường xanh vừa mang tính chất rụng lá - nửa rụng lá. Theo các nhà khoa học, Phuxailaileng thuộc khu vực Trường Sơn là một trong những trung tâm đa dạng sinh học của thế giới. Thực vật vùng này có quan hệ mật thiết với khu hệ thực vật Ấn Độ, Miến Điện, Mã Lai và gần gũi với hệ thực vật Hải Nam - Nam Trung Hoa, có nhiều nguồn gen quý cho việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Mới đây, Công ty CP Tư vấn đầu tư và công nghệ môi trường HQ phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, Trường Đại học Vinh và UBND huyện Kỳ Sơn tổ chức Hội thảo quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Nghệ An đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2020, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất, thành lập mới và đưa vào hoạt động Khu bảo tồn thiên nhiên Phuxailaileng có diện tích 49.517,51ha; diện tích vùng đệm là 15.492,17ha. Khu bảo tồn nằm trong diện tích của các xã Na Ngoi, Nậm Càn, Mường Típ, Tây Sơn (Kỳ Sơn) và xã Tam Hợp, Lưu Kiền (Tương Dương)...

Như vậy, việc thành lập Khu BTTN phuxailaileng là cần thiết và cấp bách. Tuy vậy, trao đổi với một số nhà chuyên môn, họ đang lo ngại về nguồn vốn đầu tư và tổ chức thực hiện cần có thêm thời gian.

Theo chúng tôi có mấy giải pháp giải quyết sau:

1 - Về mặt tổ chức: Không làm theo kiểu lâm nghiệp truyền thống - chủ yếu do Nhà nước - mà thực hiện theo lâm nghiệp xã hội: dân biết, dân bàn, dân làm do cộng đồng thực hiện. Tổ chức nhà nước chỉ gọn nhẹ để hướng dẫn chỉ đạo, kiểm tra.

- Về ban quản lý: Do điều kiện địa chính trị tại đây thích hợp có thể tổ chức liên ngành: Bộ đội Biên phòng và Kiểm lâm vừa quản lý việc bảo vệ an ninh biên giới, vừa quản lý việc bảo vệ xây dựng rừng, thực thi các chương trình nghiên cứu đa dạng sinh học. Tranh thủ sự tham gia của các hiệp hội khoa học kỹ thuật tư vấn các chương trình dự án: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, văn hóa - giáo dục cộng đồng phù hợp.

- Có bài học từ VQG Hoàng Liên Sơn, tại đây có thể xây dựng những tuyến du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm từ VQG Pù Mát (hoặc từ Khu BTTN Pù Hoạt) về cội nguồn đất trời, vùng cao vùng sâu, hoang dã của Phuxailaileng, thưởng thức những cảm giác mạnh mẽ, sảng khoái ở độ cao 2.711m, ngắm nhìn phong cảnh tứ phương, đất trời của Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, rất hấp dẫn các nhà khoa học và du khách trong nước và quốc tế ưa khám phá cái mới lạ của tự nhiên.

- Nhân dân được tổ chức lại theo hướng nông thôn mới - những làng sinh thái, làng văn hóa cộng đồng, là lực lượng sản xuất chính để thực hiện việc bảo vệ rừng, bảo tồn nhiên nhiên, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc.

Nhân dân ở đây chủ yếu là người Mông, xen ghép với một số người Thái và người Khơ mú, giàu bản sắc; có những sản phẩm nổi tiếng như bò Mông, gá ác (gà đen), cải ngọt, đồ sắt người Mông cần được bảo tồn và phát triển. Từng bước hạn chế và chấm dứt hẳn việc du canh, du cư, săn bắt hái lượm trái phép các sản phẩm trong rừng, sống lành mạnh bằng nghề rừng. Phát triển việc canh tác lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng là hướng quan trọng. Thế mạnh là các dược liệu như bo bo (Altinia Blethro kcaslyx Kschum); sâm phuxailaileng (Panax SP.) và nhiều loài khác.

Hiện tại, Trung tâm tư vấn phát triển lâm nghiệp của hội đang có dự án bảo tồn và phát triển cây bo bo - một loại dược liệu quý do chương trình dự án nhỏ của Quỹ môi trường thế giới (GEF/SGP) tài trợ đã và đang thực hiện thành công nhân rộng ở vùng này. Sâm Phuxailaileng cũng cần có chương trình nghiên cứu phát triển. Đề nghị tỉnh hướng chương trình phát triển dược liệu tại Nghệ An đưa thực thi tại vùng này.

Tổ chức dịch vụ du lịch như: dẫn đường, tổ chức các lễ hội quảng bá văn hóa truyền thống và ẩm thực để phục vụ du khách, là hướng quan trọng để cải thiện đời sống nhân dân.

2 - Về nguồn vốn: Trước mắt cần tập trung mọi nguồn lực chính sách đối với các xã miền núi, vùng sâu vùng xa biên giới như 135, định canh định cư, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ an ninh biên giới, xây dựng nông thôn mới... Đặc biệt là các nguồn vốn trong các chương trình bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, phục hồi sinh thái rừng nghiên cứu khoa học, khi khu BTTN được thành lập, đầu tư cho nhân dân làm.

- Tích cực tuyên truyền, quảng bá để thu hút đầu tư quốc tế là biện pháp quan trọng để giải quyết nguồn vốn đầu tư. Kinh nghiệm từ Pù Mát, sau khi thành lập Khu BTTN quảng bá ra thông tin quốc tế, chúng ta có được dự án Lâm nghiệp xã hội và bảo tồn thiên nhiên Nghệ An do EU tài trợ giá trị 17,5 triệu EUR.

Hiện nay, trong các hội nghị thượng đỉnh thế giới về bảo vệ môi trường chống biến đổi khí hậu (COP), đặc biệt là COP 21 tại Pari (Pháp), rất quan tâm đến việc bảo vệ và phát triển rừng. Nhiều nước cam kết đóng góp tài chính để bảo vệ và phát triển rừng thay vì cắt giảm nguồn khí thải công nghiệp.

Ngân hàng Thế giới (WB) đã có những chương trình điều hòa cho các bên "mua" và "bán" chất thải nhà kính thông qua đầu tư vào trồng rừng và bảo vệ rừng. Nhiều tổ chức quốc tế như: IUCN, WWF, UNESCO, GEE,… và nhiều nước phát triển cũng rất quan tâm trong việc đầu tư bảo vệ và phát triển nếu chúng ta làm tốt công tác quảng bá và xây dựng các dự án để tranh thủ.

Trước mắt tỉnh cần có kế hoạch tổ chức khảo sát, bổ sung toàn diện để xây dựng luận chứng kinh tế - kỹ thuật và dự án đầu tư trình các cấp thẩm quyền phê duyệt. Trong đó Hội KHKT Lâm nghiệp sẽ làm tốt công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội dự án này.

KS. Nguyễn Đình Võ

TIN LIÊN QUAN