Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp: Lợi cả đôi đường
Với hiệu quả của chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp (NH - DN) tại TP Hồ Chí Minh, liên tục trong quý II/2014 nhiều địa phương trên cả nước đã bắt đầu vào cuộc, chủ động tham gia và bước đầu phát huy hiệu quả rất tích cực.
Trước đó, NHNN cũng đã có công văn số 2667/NHNN-VP ngày 17/4/2014 về việc thực hiện chương trình kết nối NH - DN. Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã chỉ đạo sẽ nhân rộng mô hình này đến các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Để phát huy hiệu quả của Chương trình, bên cạnh sự nỗ lực, chủ động của ngành Ngân hàng và các bộ, ngành liên quan; sự chỉ đạo tham gia tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương có vai trò hết sức quan trọng vào thành công của chương trình, góp phần tăng cường sự kết nối thúc đẩy quan hệ tín dụng giữa NH - DN.
Các ngân hàng đã xây dựng chương trình riêng để hỗ trợ doanh nghiệp. |
Cụ thể, lãnh đạo các UBND tỉnh, thành chủ trì cùng ngành Ngân hàng trên địa bàn chủ động tích cực giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các DN thông qua tổ chức đối thoại trực tiếp giữa NH và DN; chỉ đạo đề xuất mô hình kết nối phù hợp giữa ngành NH và địa phương nhằm góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; có các giải pháp cụ thể, thiết thực đối với từng nhóm DN đang có khó khăn. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương gắn với chương trình kết nối NH - DN để thực hiện đồng bộ.
Lãnh đạo các địa phương phải hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng đang hoạt động trên địa bàn thuận lợi trong việc mở rộng và tăng trưởng tín dụng; đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động ngân hàng (như xử lý tài sản đảm bảo, các thủ tục xác nhận, công chứng,…);… tạo điều kiện cho DN thuận lợi trong quan hệ tín dụng với NH. Trong quá trình thực hiện chương trình kết nối NH - DN, tùy vào nhu cầu cụ thể của từng địa phương, có thể mở rộng thêm các đối tượng là hợp tác xã, kinh tế hộ gia đình, tiểu thương ở các chợ đầu mối,…
Có thể thấy, với sự hỗ trợ và chỉ đạo sát sao của NHNN, thành phố Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Thái Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Kon Tum, An Giang, Long An, Đồng Tháp… đã bắt đầu vào cuộc. Trong đó, tỉnh Thái Bình có 6 chi nhánh NH tham gia hỗ trợ vay vốn cho 11 DN với tổng vốn cho vay hơn 938 tỷ đồng. Tỉnh Thanh Hóa có 7 chi nhánh NH tham gia cho 13 DN vay với tổng vốn cam kết gần 770 tỷ đồng. Tỉnh Khánh Hòa có 5 chi nhánh NH hỗ trợ cho 31 DN vay với tổng vốn hơn 1.266 tỷ đồng… Thành phố Hà Nội tuy nhập cuộc muộn hơn, nhưng trong lần đầu “ra quân” đã có 11 NH trên địa bàn được tham gia chương trình với số vốn cam kết là 11.297,6 tỷ đồng. Tại đây, 3 DN được vay trên 300 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 7 - 7,5%/năm. |
Là một trong những NH tham gia tích cực ngay từ những ngày đầu, ông Nguyễn Minh Tâm - PTGĐ Ngân hàng Sacombank nhận thấy, đây là giai đoạn cần hành động thiết thực cụ thể để hỗ trợ DN vượt khó, ổn định và phát triển sản xuất. Bởi những chương trình mà NH thực hiện đều có kết quả, nhiều kí kết đều được giải ngân tới điểm cần đến và cụ thể tới từng DN. “Chúng tôi đánh giá chương trình này không những là hoạt động tín dụng trên phạm vi của các NH tham gia mà còn là sự quyết tâm của chính quyền địa phương cùng với DN bằng những hành động thiết thực của mình, góp phần đưa hoạt động kinh doanh sản xuất ổn định hơn”, ông Tâm nói.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Vân - PTGĐ Khối Khách hàng Doanh nghiệp Đông Á Bank cũng cho hay, để thể hiện tinh thần trách nhiệm chia sẻ khó khăn đối với các DN, đặc biệt là về lãi suất, theo đó với mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 12% trong năm 2014, NH đã đăng ký gói hỗ trợ 2.700 tỷ đồng cho vay theo chương trình kết nối với lãi suất chỉ từ 6 - 9%/năm. Bên cạnh đó, NH cũng có chương trình riêng dành cho các DN lĩnh vực may mặc, cung ứng thức ăn chăn nuôi, thức ăn gia súc… với lãi suất thấp.
Tuy nhiên, để chủ động nguồn vốn ưu đãi đồng hành cùng với chương trình kết nối, lãnh đạo NHNN chi nhánh một số tỉnh thành đề xuất: lãnh đạo địa phương cần phải có các giải pháp kèm theo như giải pháp hỗ trợ thị trường, bảo lãnh tín dụng và bản thân DN phải nỗ lực vươn lên cải thiện năng lực tài chính của mình. Chính những giải pháp trên sẽ tạo niềm tin trong quan hệ tín dụng giữa NH và khách hàng, tăng hiệu quả mô hình kết nối NH - DN.
Theo Hải Yên/baotintuc
TIN LIÊN QUAN |
---|