Nhớ lời Bác dặn thì phải đoàn kết, hợp lực, phải 'chịu nhau'

14/06/2017 16:21

(Baonghean.vn) - Đồng chí Trương Công Anh - Nguyên Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng nhớ lời Bác dặn thì phải đoàn kết, đoàn kết ở đây là sự hợp lực, sự "chịu nhau", lấy ưu điểm của người này bù đắp cho nhược điểm của người khác; ngược lại lấy ưu điểm của người khác bù đắp cho nhược điểm của mình.

Trong những ngày này, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm quê lần thứ nhất (14/6/1957 - 14/6/2017). Báo Nghệ An đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Trương Công Anh - Nguyên Ủy viên BTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xung quanh việc xây dựng, tuyển chọn cán bộ thật sự đủ đức, đủ tài nhằm thực hiện ý nguyện thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá các tỉnh miền Bắc.
Ông Trương Công Anh đánh giá cao những vấn đề được chọn để đưa ra chất vấn
Đồng chí Trương Công Anh trong một lần trao đổi về công tác xây dựng Đảng với Báo Nghệ An. Ảnh tư liệu

Phóng viên: Thưa đồng chí, trong 2 lần về thăm quê và trong bức thư cuối cùng gửi cho Đảng bộ và nhân dân Nghệ An, một trong những vấn đề Bác Hồ quan tâm nhắc nhở Đảng bộ tỉnh nhà chăm lo xây dựng, bồi dưỡng, tuyển chọn đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo. Là người có thâm niên công tác, trải qua nhiều vị trí trong cơ cấu tổ chức Đảng của tỉnh Nghệ An, đồng chí đánh giá như thế nào về công tác cán bộ của tỉnh ta thời gian qua?

Đồng chí Trương Công Anh: Trong quá trình công tác và cho đến bây giờ đã nghỉ hưu, theo dõi tôi thấy, công tác cán bộ luôn luôn được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt chăm lo. Đây là vấn đề cần được khẳng định! Điều này thể hiện ở việc chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kế cận, bắt đầu từ đội ngũ cán bộ trẻ, thu hút những người có tài về quê hương công tác. Và gần đây, cấp ủy các cấp cũng đã triển khai một cách bài bản về công tác quy hoạch cán bộ; tăng cường luân chuyển cán bộ và luân chuyển cán bộ được coi là một biện pháp nhằm bồi dưỡng thêm năng lực cho cán bộ, đồng thời kiểm tra lại việc quy hoạch cán bộ của tổ chức đã thực sự chính xác, khách quan, trên cơ sở đó đề bạt, bố trí cán bộ phù hợp đúng năng lực, sở trường. Những việc làm đó đều nhằm lựa chọn đội ngũ cán bộ mà theo Bác Hồ là đủ đức, đủ tài, góp phần thúc đẩy sự phát triển của tỉnh nhà suốt thời gian qua.

Tuy nhiên, xung quanh công tác cán bộ ở tỉnh ta, theo tôi có mấy vấn đề cần tiếp tục được quan tâm, chăm lo hơn nữa. Trong mỗi lần về thăm quê và trong bức thư cuối cùng Người gửi cho Đảng bộ và nhân dân Nghệ An, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở đến vấn đề đoàn kết và cho đến nay vấn đề này vẫn cần phải được quan tâm. Đoàn kết ở đây là sự đồng tâm, hiệp lực trong đội ngũ cán bộ, trước hết là trong đội ngũ cán bộ chủ chốt. Sức mạnh của sự đoàn kết rất quan trọng.

Tôi đã từng nói, nếu đem so sánh với từng cương vị chủ chốt cụ thể của tỉnh so với các địa phương khác thì chúng ta không hề thua kém; nhưng khi đòi hỏi sự hợp lực thì chúng ta không bằng. Hay, chúng ta vẫn thường nói, phẩm chất của người Nghệ là thông minh, nhưng nhiều người thông minh ngồi lại với nhau chắc gì đã trở thành cái thông minh lớn hơn, ngược lại có khi là triệt tiêu lẫn nhau. Đó chính là vấn đề đoàn kết. Đoàn kết ở đây chưa đến mức đấu đá, gây mất đoàn kết, mà đoàn kết ở đây là sự hợp lực, sự “chịu nhau”, lấy ưu điểm của người này bù đắp cho nhược điểm của người khác; ngược lại lấy ưu điểm của người khác bù đắp cho nhược điểm của mình.

Vấn đề thứ hai, đó là tỉnh chưa xây dựng được chiến lược cán bộ phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh. Rõ nhất là chúng ta đã đề ra được chiến lược phát triển kinh tế, xác định rõ những ngành, nghề; cây, con chủ lực; những trọng điểm phát triển, nhưng chưa chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ phù hợp, đủ sức để thực hiện những ngành, nghề, cây, con trọng điểm, mũi nhọn đó. Thực tế lâu nay, mới chỉ chú trọng công tác cán bộ nói chung của hệ thống chính trị mà chưa đi cụ thể vào đội ngũ cán bộ từng mũi nhọn, ngành kinh tế.

Đó chính là vấn đề mà chúng ta lâu nay vẫn thường nói là thiếu đội ngũ cán bộ chuyên gia, chuyên sâu. Hay nói cách khác, công tác cán bộ đang “chạy ngoài” nhiệm vụ phát triển của tỉnh, chưa xuất phát từ nhiệm vụ phát triển để chăm lo đội ngũ cán bộ; từ đội ngũ cán bộ để tạo ra sự phát triển. Điều này thể hiện rất rõ ở chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh của tỉnh so với các địa phương trong cả nước thì đang nằm ở dạng “làng nhàng”; tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh”...

Phóng viên: Một trong những yêu cầu đặt ra hiện nay là cải cách bộ máy hành chính các cấp tinh gọn, hiệu quả mà cốt lõi nhất là từ công tác cán bộ. Vậy, theo đồng chí, tỉnh cần đổi mới gì trong công tác cán bộ?

Đồng chí Trương Công Anh: Hiện tại, chúng ta đang đặt ra mong muốn sắp xếp bộ máy bớt cồng kềnh và hiệu quả. Về nguyên tắc muốn tinh gọn thì phải thiết kế vị trí, việc làm cần thiết, có chất lượng và muốn thiết kế vị trí việc làm thì trước hết phải thiết kế tổng thể bộ máy thật đúng và trúng; trên cơ sở đó xác định rõ số lượng và chất lượng cán bộ phù hợp sự vận hành trong bộ máy. Mặt khác, hiện tại, yêu cầu đặt ra về xây dựng bộ máy nhà nước, từ Chính phủ đến các cấp: liêm chính, kiến tạo, hành động; bởi vậy vấn đề đặt ra là tỉnh cần xây dựng đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu này.

Muốn vậy, trong công tác cán bộ, từ quy hoạch, đào tạo, sắp xếp, đề bạt, luân chuyển cán bộ luôn phải đặt câu hỏi, cái mình làm và triển khai đó sẽ giải quyết được cái gì? Nghĩa là cần xây dựng đội ngũ cán bộ phải thực sự vì Đảng, vì nước, vì dân; cán bộ phải luôn đặt lợi ích chung của tỉnh, địa phương, của ngành, cơ quan, đơn vị lên trước, sau đó mới đến lợi ích của cá nhân. Thực tế, không phải không có cán bộ khi đại diện cho chính quyền các cấp, tổ chức, cơ quan, đơn vị để giải quyết một vấn đề hay một mối quan hệ nào đó vẫn đang đặt vụ lợi cá nhân của mình lên trước và lợi ích của tập thể xuống sau. Hay đối tượng nào mà “hậu hĩnh” với mình thì mình dễ dàng đón nhận và làm bạn; mối quan hệ nào công khai, sòng phẳng, không có “hậu hĩnh” thì thôi. Đây là vấn đề liên quan đến phẩm chất người cán bộ mà như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Câu nói này của Bác, mỗi cán bộ, công chức phải luôn phải được “gối đầu giường” để suy nghĩ và hành động.

Trong quy hoạch cán bộ phải được thực hiện trên cơ sở khách quan, trung thực, xây dựng được tiêu chí cụ thể, khoa học, có sự “co giãn” cần thiết, tránh tình trạng quy hoạch được coi như là “định mệnh”, người trong quy hoạch nếu không có sai phạm gì lớn, cứ bình bình là yên tâm, còn người ngoài quy hoạch thì thiếu động lực phấn đấu. Trong quy hoạch cũng cần tăng cường quy hoạch liên ngành, liên địa phương, tránh cục bộ trong quy hoạch.

Liên quan đến luân chuyển cán bộ, đây là một trong những biện pháp để kiểm tra lại việc quy hoạch của tổ chức đã phù hợp, đồng thời bồi dưỡng thêm năng lực cán bộ, từ đó căn nhắc, bố trí, đề bạt chính xác. Do đó công tác này yêu cầu phải được tăng cường và đề ra các giải pháp cụ thể. Liên quan đến tuyển chọn, sử dụng cán bộ, điều chúng ta cần học và làm theo tư tưởng của Bác Hồ xung quanh nhìn nhận, đánh giá, sử dụng người có tài, có đức, không câu nệ thành phần xuất thân, học hàm, học vị, thậm chí người cán bộ đó có thể khi sử dụng không thể đạt như mình muốn nhưng sẵn sàng làm việc vì lợi ích của dân, của nước là có thể dùng.

Và gần đây, dư luận ở đâu đó có tình trạng “quan” gia đình, dòng họ, bởi do ở đó chưa làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc cân nhắc, bổ nhiệm cán bộ. Bởi vậy, trong cân nhắc, bổ nhiệm cán bộ cần thực hiện theo tư tưởng của Người “Cất nhắc cán bộ, phải vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Như thế, công việc nhất định chạy. Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong Đảng...”

Phóng viên: Trong những ngày này, tỉnh ta đang có nhiều hoạt động kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm quê lần thứ nhất, đồng thời thể hiện quyết tâm thực hiện mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nghệ An phải trở thành tỉnh gương mẫu và tỉnh khá nhất các tỉnh miền Bắc. Để đạt được mục tiêu này, đồng chí có những góp ý gì cho tỉnh?

Đồng chí Trương Công Anh: Để thực hiện được mong muốn xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh gương mẫu, tỉnh khá nhất khu vực phía Bắc, điều cốt lõi là phải chăm lo đội ngũ cán bộ thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển. Cụ thể là phải có chiến lược cán bộ phù hợp với chiến lược phát triển của tỉnh, của từng ngành, địa phương. Từng chiến lược, đề án phát triển kinh tế - xã hội phải kèm theo chiến lược, đề án cán bộ đi theo. Muốn có được chiến lược, đề án cán bộ tương ứng với chiến lược, đề án phát triển thì cần phải đánh giá lại thực trạng đội ngũ cán bộ, đã có cái gì và chưa có cái gì, từ đó đặt ra nhu cầu đào tạo bao nhiêu, thu hút, bố trí, sử dụng như thế nào? Nói tóm lại, công tác cán bộ phải bắt đầu từ nhiệm vụ kinh tế - xã hội, trở lại phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đó.

Song song với đó, chăm lo xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước, thực sự là nhà nước: liêm chính, kiến tạo, hành động, trên cơ sở khoa học tổ chức bộ máy; từ đó xây dựng bộ máy, có thể chế hành chính, đội ngũ cán bộ phù hợp.

Một điều nữa cần quan tâm là phải kiểm kê lại những vấn đề lâu nay chúng ta đã, đang làm về công tác cán bộ, từ quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng, đề bạt, kiểm tra, giám sát, kỷ luật; cái gì là đúng, là tốt, thì tiếp tục kế thừa, phát huy; cái gì chưa đúng, chưa tốt thì kiên quyết sửa đổi, khắc phục; cái gì yêu cầu bổ sung, đổi mới. Chăm lo công tác tư tưởng nhằm tạo sự đoàn kết, đồng thuận cao trong đội ngũ cán bộ; khắc phục những vấn đề “ba người tài ngồi lại với nhau không tạo thành cái tài lớn hơn”.

Cuối cùng cần phải mở cửa, phải hội nhập, quan tâm đến công tác đối ngoại, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa địa phương mình với các địa phương khác, giữa cấp dưới với cấp trên, giữa tỉnh với các Bộ, ngành Trung ương, trên tinh thần cởi mở, trao đổi, học hỏi bạn bè, nhằm tạo nguồn lực từ bên ngoài để phát triển.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Mai Hoa

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN