Cách máy bay thoát hiểm khi bị chết động cơ
Khả năng lượn ở độ cao lớn có thể giúp máy bay có thêm thời gian để thoát hiểm khi tất cả động cơ ngừng hoạt động.
Máy bay vẫn có thể tiếp đất an toàn dù chết động cơ. Ảnh minh họa: Express. |
Trong trường hợp máy bay chết động cơ khi đang bay trên đất liền, phi công giàu kinh nghiệm có thể xử lý tình huống an toàn bởi phi cơ vẫn có thể lượn một quãng rất xa để khởi động lại động cơ và đáp xuống đường băng an toàn, theo Nicoday.com.
"Thông thường, cứ mỗi 300 m độ cao, máy bay có thể lượn khoảng 3,2 km. Vì thế ở độ cao 12.200 m, máy bay có thể bay tiếp quãng đường khoảng 129 km mà không cần động cơ. Các phi công đều được đào tạo kỹ năng điều khiển máy bay tiếp tục lượn kiểu này, với mục tiêu tranh thủ thêm thời gian cho đến khi động cơ khởi động lại. Việc tính toán để hạ cánh thành công khi không có lực đẩy của động cơ từ độ cao 12.200 m là rất khó", một cơ trưởng người Anh giấu tên cho biết.
Patrick Smith, tác giả cuốn sách Cockpit Confidential, cũng chia sẻ ý kiến tương tự. "Giống như tắt động cơ xe hơi khi đổ đèo, chiếc xe vẫn tiếp tục di chuyển, máy bay cũng vậy", Smith nói.
Kỹ thuật bay lượn từng được các phi công thương mại thể hiện trước công chúng trong nhiều năm qua. Nổi tiếng nhất là màn thể hiện của cơ trưởng Chesley 'Sully' Sullenberger năm 2009. Sau cú va chạm với một con chim làm hỏng hoàn toàn động cơ, Sullenberger điều khiển máy bay A320 bay lượn và đáp xuống sông Hudson ở New York, Mỹ. Tất cả 155 hành khách và phi hành đoàn đều sống sót.
Phi công điều khiển máy bay chết động cơ đáp xuống sông Hudson
Năm 1982, máy bay Boeing 747 của hãng hàng không British Airways cất cánh từ sân bay Heathrow đến Jakarta bay qua cột tro núi lửa cách đích đến 177 km. Tro bụi núi lửa khiến cả 4 động cơ ngừng hoạt động và máy bay lượn trong 20 phút từ độ cao 11.277 m xuống 3.657 m. Ở độ cao này, phi hành đoàn khởi động lại thành công động cơ và hạ cánh an toàn, dù không thể nhìn rõ đường băng vì tro bụi phủ kín kính buồng lái.
Theo VNE
TIN LIÊN QUAN |
---|