Không thể vì vụ ở Yên Bái mà đề xuất Bí thư, Chủ tịch tỉnh có cảnh vệ
Theo luật sư, không thể vì vụ ở Yên Bái mà sinh ra đội ngũ cảnh vệ rất đông cho 63 tỉnh, thành phố về hai chức danh Bí thư, Chủ tịch tỉnh.
Thảo luận về Dự án Luật Cảnh vệ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt đưa thông tin khiến nhiều người bất ngờ, đó là nhiều tỉnh, thành phố đề nghị Bí thư, Chủ tịch tỉnh là đối tượng được cảnh vệ. Từ góc độ tiếp thu, giải trình, ông Võ Trọng Việt thẳng thắn bác đề xuất này và cho rằng quy định 18 đối tượng được cảnh vệ như trong Dự thảo Luật là phù hợp với tình hình thực tiễn.
Về vấn đề này, phóng viên phỏng vấn luật sư Phạm Thanh Bình, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Ảnh minh họa (ANTV) |
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, Bí thư, Chủ tịch tỉnh là đối tượng được cảnh vệ là không cần thiết, thậm chí phản cảm. Ông có bàn luận gì trước đề xuất này của một số lãnh đạo địa phương?
Luật sư Phạm Thanh Bình: Dự thảo Luật Cảnh vệ hiện nay quy định 18 nhóm đối tượng được cảnh vệ. Mỗi nhóm đối tượng được cảnh vệ thông thường kèm theo 1 lái xe, 2 thư ký và ít nhất 1 cảnh vệ. Với định biên nhân sự như vậy, mỗi đối tượng cảnh vệ có ít nhất 4 người và 18 nhóm đối tượng như vậy thì có thể lên tới 1000 người trợ lý, kể cả lái xe, thư ký, cảnh vệ. Rõ ràng, đây là một con số rất lớn.
Bây giờ với yêu cầu đưa thêm 63 vị Chủ tịch, 63 Bí thư tỉnh, thành phố trên cả nước thì sẽ có một đội ngũ cảnh vệ rất lớn, lãng phí, nhất là trong bối cảnh ngân sách hiện nay còn hạn hẹp. Trên thực tế, lãnh đạo địa phương đi đâu cũng có cảnh sát dẫn đường, có bảo vệ vòng trong, vòng ngoài. Nếu đưa nhóm này vào đối tượng cảnh vệ thì khoảng cách giữa những người lãnh đạo với nhân dân càng ngày càng xa.
Chúng tôi cho rằng, trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp như hiện nay, việc quy định thêm nhóm Chủ tịch, Bí thư tỉnh, thành phố vào nhóm đối tượng cảnh vệ là không cần thiết, không những lãng phí cho ngân sách, “đẻ” ra định biên rất cồng kềnh mà còn tạo ra khoảng cách rất xa giữa lãnh đạo địa phương đối với nhân dân.
PV: Về đối ngoại thì sao thưa ông, nó sẽ tác động ra sao đến hình ảnh, môi trường an ninh của đất nước ta vốn được coi là hiền hòa, an bình?
Luật sư Phạm Thanh Bình: Đứng về phương diện đối ngoại cũng tạo hình ảnh không hay về đất nước, tức là đi đến đâu cũng “tiền hô hậu ủng”, vòng trong vòng ngoài, tạo ra một bức tranh không những phản cảm mà vô hình chung còn tạo tâm lý bất an, xã hội không ổn định. Việc này sẽ đi ngược với truyền thống văn hóa của người dân Việt Nam, không phù hợp với thực tế chính trị- xã hội của chúng ta hiện nay – đó là một xã hội rất ổn định
PV: Nhiều lãnh đạo địa phương cũng là đại biểu Quốc hội, tức là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân. Khi đưa ra đề xuất này phải chăng lãnh đạo nhiều địa phương vẫn còn tư tưởng đòi hỏi như một đặc quyền, đặc lợi cho riêng mình mà quên mất “vai” là đại biểu Quốc hội của nhân dân, thưa ông?
Luật sư Phạm Thanh Bình: Đúng vậy, nhiều vị đại biểu Quốc hội hiện nay là Bí thư, Chủ tịch ở các địa phương. Khi họ đưa ra đề xuất này, chúng tôi cũng thấy đúng là họ đã quên mất “vai” là đại biểu Quốc hội của nhân dân, họ đã đặt mình vào cương vị là những người được hưởng đặc quyền, đặc lợi. Chính vì vậy, đề xuất này không phù hợp cả về mặt pháp lý, đạo lý.
Chúng tôi tán thành với ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt khi ông bác đề xuất đưa Bí thư, Chủ tịch tỉnh, thành phố vào đối tượng cảnh vệ.
PV: Chúng ta cũng cần xác định rõ giữa cảnh vệ và bảo vệ là hoàn toàn khác nhau, thưa ông?
Luật sư Phạm Thanh Bình: Hiện nay việc ra quy định pháp lệnh cảnh vệ là cần thiết. Một số ý kiến đề xuất, bổ sung thêm Chủ tịch, Bí thư các tỉnh đúng là chưa phân biệt được giữa khái niệm cảnh vệ và bảo vệ. Rõ ràng cảnh vệ là tập trung vào những đối tượng đặc biệt quan trọng, tức là bảo vệ yếu nhân. Còn Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh là những “ông quan to” ở địa phương, nhưng họ không phải là yếu nhân của đất nước.
Chúng ta không thể vì vụ ở Yên Bái mà sinh ra đội ngũ cận vệ rất đông cho 63 tỉnh, thành phố về hai chức danh này. Việc làm như vậy tạo ra hình ảnh Việt Nam mất ổn định.
Vấn đề quan trọng ở chỗ, không phải “đẻ” ra nhiều cảnh vệ mà cần phải tạo ra môi trường xã hội yên bình, lành mạnh; trong con mắt của người nước ngoài, Việt Nam là một đất nước ổn định, có như vậy mới thu hút được đầu tư và cũng làm cho bạn bè thế giới yên tâm hơn đến với chúng ta.
Bác Hồ đã từng nói không có cảnh vệ nào bảo vệ được bằng nhân dân. Do đó, nếu phát huy được sự đồng thuận, tin cậy, quý mến của nhân dân đối với các đối tượng cảnh vệ thì chúng ta sẽ xây dựng được một hàng rào cảnh vệ rất tốt, chống lại mọi hành vi xâm hại. Chứ không phải cứ đưa nhiều cảnh vệ là bảo vệ tốt hơn đối với những đối tượng cảnh vệ nói riêng và các vị quan đầu tỉnh nói chung.
PV: Xin cảm ơn ông./.
TIN LIÊN QUAN |
---|