Lần đầu tiên máy bay chiến đấu F-35B được lắp ráp tại Italia
Chiếc máy bay chiến đấu thế hệ 5 F-35B đầu tiên lắp ráp tại Italia theo bản quyền chuyển giao từ hãng chế tạo Mỹ Lockheed Martin đã xuất xưởng.
Trang tin quân sự Defense News đăng tải, chiếc máy bay chiến đấu thế hệ 5 F-35B (phiên bản cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng - SVTOL) đầu tiên lắp ráp tại Italia theo bản quyền chuyển giao từ hãng chế tạo Mỹ Lockheed Martin đã xuất xưởng.
Đây là chiếc F-35 thứ 2 sau chiếc F-35A (phiên bản dành cho không quân) được doanh nghiệp Final Assembly and Check Out (FACO) lắp ráp tại Cameri, Italia vào tháng 12-2015.
Hiện tại, chưa rõ thời điểm chiếc F-35B kể trên được chấp nhận vào biên chế quân đội Italia.
FACO được biết tới là cơ sở sửa chữa và bảo dưỡng chính dành cho máy bay chiến đấu thế hệ 5 F-35 tại châu Âu. Đây cũng là một trong những cơ sở được cấp bản quyền lắp ráp máy bay F-35 bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ. Trong tương lai, FACO sẽ chịu trách nhiệm lắp ráp tổng cộng 90 máy bay F-35, bao gồm 60 chiếc F-35A và 30 chiếc F-35B, dành cho quân đội Italia. Ngoài ra, các đơn vị F-35 dành cho quân đội Hà Lan cũng được lắp ráp tại đây.
Chiếc F-35B đầu tiên xuất xưởng tại cơ sở của FACO tại Cameri. |
Tính tới thời điểm hiện tại, Italia đã đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD vào quá trình nghiên cứu và phát triển; chuẩn bị cơ sở vật chất cho dây chuyền lắp ráp máy bay thế hệ 5 tại Cameri. Rome hy vọng, FACO sẽ là một trong những đầu mối chính cung cấp máy bay F-35 cho các quốc gia đồng minh NATO và các quốc gia có nhu cầu. Hiện tại, hợp đồng đầu tiên cung cấp 8 chiếc F-35A/B đầu tiên cho quân đội Italia trị giá tới gần 1 tỷ USD tại FACO đã có hiệu lực.
F-35 được biết tới là chương trình phát triển vũ khí đắt giá bậc nhất thế giới. Dòng máy bay này được thiết kế với khả năng tàng hình và đa năng. Tuy nhiên, quá trình phát triển F-35 đã chậm tiến độ và dính nhiều bê bối, trục trặc. Gần đây nhất, Cơ quan Quản lý thử nghiệm và kiểm soát chất lượng (OT & E) thuộc Lầu Năm góc khẳng định, dòng máy bay chiến đấu thế hệ 5 này có lỗi trong phần mềm điều khiển, dễ tổn thương khi trúng sét và các chuyến bay thử của F-35 hạn chế nhiều do lỗi kỹ thuật. Thậm chí, các đơn vị F-35A đầu tiên bàn giao cho Không quân Mỹ cũng bị phát hiện nhiều vấn đề liên quan tới lỗi kỹ thuật.
Được thiết kế với nhiều tính năng tân tiến, trong đó có khả năng tàng hình, Bộ Quốc phòng Mỹ dự kiến chi ra 392 tỷ USD để mua 2.442 máy bay F-35 (mức giá dự kiến mỗi máy bay là 160 triệu USD). Tuy nhiên, giá thành của F-35 có thể sẽ tăng lên nhiều do các lỗi kỹ thuật và quá trình phát triển chậm tiến độ tới 7 năm.
Ngoài quân đội Mỹ, F-35 hiện đang được các nước Anh, Hà Lan, Italia, Israel, Canada, Na Uy, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc quan tâm đặt mua.
Theo QĐND
TIN LIÊN QUAN |
---|