Khắc phục tính hình thức trong sinh hoạt chi bộ

02/07/2017 10:13

(Baonghean) - Vừa qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Quế Phong có đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ giai đoạn 2007 - 2010 và những năm tiếp theo” Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Đăng Khoa - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy về nội dung này.

Đồng chí Lê Văn Phượng (thứ 2, trái sang) - Bí thư Chi bộ Pỏm Om, xã Hạnh Dịch (Quế Phong) trao đổi với cán bộ xã và người dân về kết quả vụ thu hoạch lúa
Đồng chí Lê Văn Phượng (thứ 2, trái sang) - Bí thư Chi bộ Pỏm Om, xã Hạnh Dịch (Quế Phong) trao đổi với cán bộ xã và người dân về kết quả vụ thu hoạch lúa

P.V: Sau 10 năm thực hiện Đề án trên, Ban Thường vụ Huyện ủy đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện, thưa đồng chí?

Đồng chí Trần Đăng Khoa: Tôi còn nhớ trước khi có Đề án, điều trăn trở đối với Ban Thường vụ Huyện ủy là mặc dù các cấp ủy Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt chi bộ định kỳ hàng tháng theo quy định của điều lệ Đảng.

Tuy nhiên, nội dung sinh hoạt chi bộ nhiều nơi còn dàn trải, chung chung, một số chi bộ cơ quan hành chính, y tế, trường học còn nặng về công việc chuyên môn, chưa quan tâm đúng mức công tác xây dựng Đảng; chưa xác định được những vấn đề trọng tâm cần tập trung thảo luận; tinh thần tự phê bình và phê bình của một số đảng viên còn hạn chế; số lượng đảng viên tham dự sinh hoạt chưa đầy đủ, chưa đều; có nơi ghi biên bản sinh hoạt chi bộ còn sơ sài.

Sau khi Đề án được ban hành, nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ đã đổi mới về nội dung và hình thức.

Nhiều tổ chức cơ sở đảng đã thành lập Ban Chỉ đạo và xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ trong cấp ủy để tổ chức thực hiện như các Đảng bộ Công an, Quân sự; một số đảng bộ khối xã, thị trấn đã in sao toàn bộ nội dung Đề án và quy trình tổ chức sinh hoạt chi bộ định kỳ đến các chi bộ và chọn chi bộ điểm để tổ chức chỉ đạo như: Đảng bộ xã Tri Lễ, Đảng bộ thị trấn Kim Sơn.

Hàng năm, cấp ủy các cấp đã đưa vào chương trình kiểm tra, giám sát nội dung này. Ban Tổ chức Huyện ủy cũng đã tiến hành khảo sát việc tổ chức sinh hoạt chi bộ ở hầu hết các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, đồng thời cử cán bộ trực tiếp tham dự sinh hoạt với các chi bộ theo điểm phụ trách do Ban Thường vụ Huyện ủy phân công.

P.V: Vậy những kết quả nổi bật sau 10 năm thực hiện Đề án là gì?

Đồng chí Trần Đăng Khoa: Trước hết, đó là việc duy trì chế độ sinh hoạt của chi ủy, chi bộ định kỳ đã thực hiện nề nếp hơn trước, đúng với thời gian quy định.

Đặc biệt, sau kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và XII, các chi ủy, chi bộ đã tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, thường xuyên hơn trong tổ chức sinh hoạt định kỳ, đồng thời quan tâm tổ chức thực hiện sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề.

Đảng bộ huyện Quế Phong có 48 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 20 đảng bộ và 28 chi bộ cơ sở trực thuộc; có 304 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, trong đó có 194 chi bộ khối, xóm, bản và 110 chi bộ trực thuộc đảng bộ khối các cơ quan.

Tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt hàng tháng từ 80 - 90% trở lên; đa số đảng viên vắng mặt đều xin phép và có lý do chính đáng.

Thứ nữa, là về nội dung sinh hoạt chi bộ đã có nhiều đổi mới, từng bước khắc phục tính hình thức, đơn điệu. Trong các cuộc sinh hoạt định kỳ, công tác thông tin thời sự và phổ biến chủ trương chính sách mới đã được nhiều chi bộ quan tâm.

Nhiều chi bộ đã tổ chức cho cán bộ, đảng viên nghiên cứu, học tập các chuyên đề về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và đăng ký học tập và làm theo; tăng cường hơn công tác giáo dục tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên; tập trung thảo luận, giải quyết những vấn đề cụ thể của địa phương, đơn vị và những vấn đề liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm của đảng viên.

Việc chuẩn bị nội dung sinh hoạt chi bộ của chi ủy, bí thư chi bộ được chú trọng và thực hiện nghiêm túc. Kết quả đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở đảng và đảng viên sau khi thực hiện Đề án cho thấy tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh tăng lên qua các năm. Số chi bộ không hoàn thành nhiệm vụ và đảng viên vi phạm tư cách giảm hẳn.

Sản xuất giống chanh leo tại xã Tri Lễ (Quế Phong). Ảnh tư liệu
Sản xuất giống chanh leo tại xã Tri Lễ (Quế Phong). Ảnh tư liệu

P.V: Vấn đề quan trọng nhất là Ban Thường vụ Huyện ủy đánh giá được những tồn tại, hạn chế gì để khắc phục, chấn chỉnh kịp thời trong sinh hoạt chi bộ, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Đồng chí có thể cho biết cụ thể hơn vấn đề này?

Đồng chí Trần Đăng Khoa: Ban Thường vụ Huyện ủy cũng nhận thấy rằng, việc nghiên cứu, quán triệt Đề án ở một số tổ chức cơ sở đảng còn chậm, một số nơi lúng túng trong chỉ đạo triển khai thực hiện. Việc tiếp thu của một số cán bộ, đảng viên chưa sâu; nhận thức về vị trí, vai trò, chức năng của chi bộ còn hạn chế.

Đặc biệt là vai trò của các đồng chí bí thư chi bộ, một số mặc dù đã được tập huấn, bồi dưỡng hàng năm nhưng quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn vướng mắc. Một số tổ chức cơ sở đảng quán triệt, học tập các chủ trương, nghị quyết của cấp trên mới chỉ dừng lại ở cấp ủy viên mà chưa quán triệt sâu rộng đến cán bộ, đảng viên.

Mặt khác, công tác thực hiện ở một số chi bộ, nhất là ở các chi bộ khối cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp còn những hạn chế, hầu hết các chi bộ chỉ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác sản xuất, kinh doanh. Một số nội dung như tư tưởng, xây dựng tổ chức các đoàn thể còn mang tính thời vụ.

Nhiều chi bộ trường học thực hiện việc duy trì chế độ sinh hoạt định kỳ chưa thường xuyên, đặc biệt là thời gian nghỉ hè, nhiều chi bộ không tổ chức sinh hoạt đúng quy định.

Đặc biệt, qua kiểm tra cho thấy, là việc sinh hoạt theo chuyên đề còn ít, thậm chí một số chi bộ trong hơn một năm không tổ chức sinh hoạt chuyên đề.

Việc ghi chép, theo dõi các kỳ sinh hoạt ở một số chi bộ vùng sâu, vùng xa còn sơ sài, không đầy đủ, có chi bộ ghi chưa chính xác những nội dung yêu cầu nhằm phục vụ công tác kiểm tra, giám sát về sau như: ý kiến phát biểu của đảng viên; số ý kiến đồng ý, biểu quyết, chữ ký chủ tọa, thư ký cuộc sinh hoạt…; chế độ lưu trữ hồ sơ cũng còn nhiều bất cập.

Nuôi cá lồng trong lòng hồ thủy điện Hủa Na, Quế Phong. Ảnh tư liệu
Nuôi cá lồng trong lòng hồ thủy điện Hủa Na, Quế Phong. Ảnh tư liệu

P.V: Vậy đâu là giải pháp để Quế Phong phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế để mỗi chi bộ đều mạnh lên, góp phần xây dựng Đảng bộ thực sự vững mạnh. Vì như Bác Hồ đã căn dặn “Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do đảng viên đều tốt”.

Đồng chí Trần Đăng Khoa: Thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc tiếp tục quán triệt Đề án đến toàn thể chi bộ và đảng viên trong toàn Đảng bộ huyện gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và XII. Trong đó, chúng tôi yêu cầu tăng cường sinh hoạt chuyên đề, gắn với thực hiện các nội dung như: xây dựng nông thôn mới, các đề án, kế hoạch thực hiện nghị quyết đại hội Đảng.

Mặt khác, xác định vai trò của người đứng đầu là hết sức quan trọng, nên Huyện ủy nghiên cứu xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ bí thư chi bộ cơ sở và tổ chức hội thi Bí thư chi bộ giỏi để tạo điều kiện cho cấp ủy các chi bộ cơ sở, nhất là chi bộ xóm, bản có điều kiện giao lưu, học tập lẫn nhau, nhằm phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu của các đồng chí bí thư chi bộ, cấp ủy viên cơ sở. Tất nhiên, đi đôi với đó, cấp ủy cấp trên phải tăng cường kiểm tra, giám sát để có đánh giá kịp thời.

P.V: Cảm ơn đồng chí!

Thành Duy

TIN LIÊN QUAN