'Cú hích' cho thương mại tự do Đức - Ấn?

31/05/2017 09:52

(Baonghean) - Trong chuyến công du 2 ngày tại Đức, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã được chào đón nồng nhiệt tại Lâu đài Meseberg của Chính phủ Đức, tham dự các cuộc đối thoại quan trọng với người đồng cấp Angela Merkel. Với ông Modi, chuyến thăm lần này sẽ “mở ra một chương mới” trong mối quan hệ đối tác chiến lược giữa 2 quốc gia.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: AFP
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: AFP

Đối tác chủ chốt

Trong thời gian đến Đức, tháp tùng ông Modi là các bộ trưởng trong nội các và đại diện các doanh nghiệp của Ấn Độ. Điều này cũng không có gì lạ, bởi vốn dĩ Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ trong Liên minh châu Âu (EU), với kim ngạch thương mại song phương lên tới gần 20 tỷ USD.

Nếu như ngày đầu tiên lưu lại quốc gia “đầu tàu” kinh tế châu Âu, nhà lãnh đạo Ấn Độ đã có những cuộc gặp phi chính thức với “bà đầm thép” Berlin, thăm thú, dạo chơi trong khuôn viên Lâu đài Meseberg thì ngày 30/5, hai vị nguyên thủ lại cùng tham dự các cuộc đối thoại với trọng tâm chính là thương mại và đầu tư.

Bộ trưởng Phát triển nhân lực của Ấn Độ - ông Prakash Javadekar cho biết: “Chính phủ Ấn Độ dồn hoàn toàn trọng tâm vào vấn đề phát triển. Giờ đây khi Thủ tướng Modi tới Đức, người ta sẽ chứng kiến quả ngọt sản sinh từ các cuộc gặp và thảo luận giữa 2 nước. Giữa 2 quốc gia thực sự tồn tại sự hợp tác mật thiết”.

Bên cạnh đó, 2 nhà lãnh đạo cũng đề cập đến các chủ đề cùng chung mối quan tâm bao gồm hợp tác trong lĩnh vực phòng thủ, chống chủ nghĩa khủng bố và quảng bá ngôn ngữ của mỗi nước.

Chia sẻ về nội dung này, ông Javadekar nói: “Chúng tôi có các chương trình trao đổi dành cho giáo viên, theo đó giáo viên Đức tới Ấn Độ và đào tạo giáo viên Ấn Độ cách giảng dạy tiếng Đức. Hiện nay, chúng tôi cũng sẽ cử giáo viên Ấn Độ tới Đức để truyền đạt cho người Đức cách giảng dạy ngôn ngữ Hindi. Chúng tôi đã quyết định sẽ thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ của nước này ở nước kia và ngược lại, và còn nhiều sáng kiến khác nữa”.

Sau các cuộc thảo luận cấp cao, ông Modi và bà Merkel đã cùng tham gia diễn thuyết tại cuộc gặp các nhà lãnh đạo kinh doanh chủ chốt đến từ cả Đức lẫn Ấn Độ. Không ngoài dự kiến của nhiều người, Thủ tướng Ấn Độ đã tận dụng tốt dịp này để quảng bá uy tín cá nhân với tư cách một nhà cải cách kinh tế và bày ra trước mắt các giám đốc điều hành doanh nghiệp những lợi ích dễ thấy nhất của việc rót tiền đầu tư vào một nền kinh tế đang phát triển nhanh như Ấn Độ.

Quả thực, Đức là đối tác thương mại quan trọng bậc nhất của New Delhi tại châu Âu, khi tổng kim ngạch trao đổi hàng hóa và dịch vụ song phương đạt tới 19,4 tỷ USD trong năm 2016. Chưa hết, khoảng 1.800 công ty Đức hiện đang hoạt động trên thị trường Ấn Độ.

Tiềm năng kinh tế của quốc gia Nam Á là yếu tố chính thu hút sự quan tâm của ngày càng nhiều doanh nghiệp Đức và thúc đẩy họ đầu tư vào đây. Sản lượng kinh tế thường niên của Ấn Độ tăng trưởng khoảng 6-7%, nhanh hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển hơn tại châu Âu và Bắc Mỹ.

Thêm vào đó, chính quyền Modi cũng đã thúc đẩy thông qua một số cải cách được đón đợi bấy lâu, chẳng hạn như “đại tu” hệ thống mã số thuế phức tạp của quốc gia để đưa ra thuế doanh số quốc gia, thay thế hơn chục loại thuế cấp bang và liên bang khác. Biện pháp này được kỳ vọng sẽ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại thị trường Ấn Độ và thúc đẩy tăng trưởng.

Thu hút đầu tư và thúc đẩy FTA?

Trước các ông lớn kinh doanh của Đức, ông Modi đã khéo léo đưa đẩy để tôn vinh các thành tựu của chính phủ Ấn Độ trên mặt trận kinh tế, đồng thời mời gọi họ cùng tham gia, biến quốc gia Nam Á đông dân thành một trong những điểm đến đầu tư hàng đầu.

Khách quan nhìn nhận, đầu tư nước ngoài hết sức cần thiết cho chiến dịch “Sản xuất tại Ấn Độ” của Modi, với mục tiêu biến quốc gia này thành một trung tâm sản xuất. Dự án nói trên là một trụ cột chính trong các nỗ lực của chính quyền nhằm tạo việc làm cho hàng triệu người trẻ Ấn Độ đang chen lấn trên thị trường lao động mỗi năm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp Modi hoàn thành những lời hứa khi tranh cử là phát triển kinh tế và đáp ứng yêu cầu của xã hội Ấn Độ.

Về phần mình, các doanh nghiệp Đức khẳng định lạc quan về môi trường kinh doanh tổng thể tại Ấn Độ. Nhưng họ cũng chỉ ra những vấn đề khiến lòng nhiệt tình của họ suy giảm, không muốn rót thêm vốn vào thị trường này. Đó là thói quan liêu quá đà, tệ tham nhũng và thiếu cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng cũng như lao động có tay nghề. Chưa hết, các công ty của Đức nhấn mạnh rằng, họ cần một khuôn khổ pháp lý và hành chính đáng tin cậy hơn để hoạt động tại Ấn Độ.

Một vấn đề khác nữa được đề cập trong các cuộc thảo luận Merkel - Modi là thỏa thuận thương mại tự do Ấn Độ - EU. Đàm phán về hiệp định này - có tên gọi chính thức là Hiệp định đầu tư thương mại song phương (BTIA) - khởi động từ năm 2007, nhưng đến nay qua 10 năm vẫn chưa được ký kết.

Khoảng cách lập trường giữa 2 phía đối với nhiều điều khoản trong bản hiệp ước đề xuất không hề nhỏ, bởi thế tạo ra tiến triển gần như là nhiệm vụ hết sức nặng nề. Các cuộc đàm phán đã lâm vào thế bế tắc hồi năm 2013, song Thủ tướng Merkel dường như đang nỗ lực thuyết phục Modi ủng hộ thỏa thuận và phát tín hiệu với thế giới rằng Ấn Độ là nơi dành cho thương mại tự do.

Cách đây không lâu, Đại sứ Đức tại Ấn Độ Martin Ney cũng phát biểu trong cuộc họp báo tổ chức tại New Delhi rằng, Ấn Độ và EU nên “lên tiếng ủng hộ thương mại tự do và tìm kiếm một hiệp định thương mại tự do”, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của việc này trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi đưa ra các biện pháp bảo hộ và rào cản thương mại trên thế giới.

“Sản xuất tại Ấn Độ” - sáng kiến của ông Modi sẽ được hưởng lợi nếu nước này thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài. Ảnh: Internet
“Sản xuất tại Ấn Độ” - sáng kiến của ông Modi sẽ được hưởng lợi nếu nước này thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài. Ảnh: Internet

Duy trì tương tác

Dẫu có những bất đồng, song phải ghi nhận rằng hợp tác giữa 2 quốc gia vẫn rất mật thiết, thể hiện ở việc Đức ủng hộ Ấn Độ tiến hành một số dự án “cưng” của Modi chẳng hạn như “Thành phố thông minh” và “Xóa sạch băng đảng”.

Giới chức Đức khẳng định, Berlin cam kết tài trợ cho các dự án chiến lược dài hạn tại Ấn Độ - đơn cử như thi công mới và mở rộng đường bộ, đường sắt, cảng và trạm điện trên khắp đất nước nhằm phục vụ quá trình phát triển.

Anandi Iyer, người đứng đầu Viện Fraunhofer tại Ấn Độ cho rằng, bên cạnh các thành phố thông minh, một lĩnh vực tiềm năng khác có thể có sự hợp tác sâu rộng giữa 2 bên liên quan tới sản xuất thông minh - hay còn gọi là Công nghiệp 4.0 tại Đức. “Đây là lĩnh vực đem lại lợi ích chung cho cả Đức và Ấn Độ trong thời gian tới”, Iyer nhận định.

Đồng thời, bà cũng chỉ ra rằng, Ấn Độ có năng lực về phần mềm trong khi Đức rất mạnh về kỹ thuật xây dựng, và sự kết hợp giữa 2 bên có thể tạo ra nhiều cơ hội thú vị. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng nói thêm: “Cần phải nhớ rằng cả 2 điều trên đều là các sáng kiến chiến lược và đòi hỏi sự tương tác hết sức tập trung và lâu dài để cho ra kết quả khả quan nhất”. Lý thuyết là vậy, nhưng liệu New Delhi và Berlin trong thời gian tới có khả năng tận dụng tốt năng lực của mình để đem lại những thành tựu tương xứng với mối quan hệ đôi bên cùng có lợi hay không thì vẫn cần thời gian trả lời.

Thu Giang

(Theo DW)

TIN LIÊN QUAN