Hội nghị G20 'gai góc' nhất trong lịch sử

09/07/2017 21:33

(Baonghean) - Diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới đang có những biến chuyển phức tạp, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G20) năm nay được đánh giá là kỳ hội nghị “gai góc” nhất trong lịch sử.

Mặc dù đã đạt được nhiều sự đồng thuận quan trọng song Hội nghị G20 năm nay vẫn chứng kiến nhiều khác biệt và bất đồng, chủ yếu đến từ Mỹ, nền kinh tế hàng đầu thế giới.

“Nóng” từ trong ra ngoài

Các nhà lãnh đạo 20 nền kinh tế phát triển nhất thế giới tại Hội nghị của nhóm ở Đức ngày 7/7. Ảnh Reuters.
Các nhà lãnh đạo 20 nền kinh tế phát triển nhất thế giới tại Hội nghị của nhóm ở Đức ngày 7/7. Ảnh Reuters.

Với chủ đề “Định hình một thế giới kết nối”, chương trình nghị sự của Hội nghị G20 năm nay tập trung vào 3 nội dung chính là bảo đảm sự ổn định, tạo nền tảng tự cường cho tương lai và cam kết trách nhiệm, với hai nghị trình chính là biến đổi khí hậu và thương mại tự do.

Có thể nói, chưa bao giờ kể từ cuộc họp đầu tiên năm 2008, chương trình nghị sự của Hội nghị G20 lại bị bao phủ bởi hàng loạt vấn đề nóng bỏng và nhức nhối nhất của thế giới như năm nay.

Từ chủ nghĩa bảo hộ thương mại, biến đổi khí hậu đến mối đe dọa của khủng bố, an ninh hạt nhân, khủng hoảng chính trị Syria…, tất cả khiến cho bầu không khí hội nghị trở nên hết sức căng thẳng ngay từ phút khai mạc.

Sau ngày làm việc đầu tiên, Thủ tướng nước chủ nhà Angela Merkel đã phải thốt lên “các cuộc bàn thảo là rất khó khăn” khi tất cả những vấn đề được đưa ra trong các phiên thảo luận chính là tự do hóa thương mại, biến đổi khí hậu, vấn đề hạt Triều Tiên, khủng hoảng Syria đều nhận được những quan điểm khác biệt.

Trong bối cảnh như vậy, điểm sáng duy nhất dễ đạt được sự đồng thuận là vấn đề chống khủng bố - mối lo ngại chung của toàn cầu. Hội nghị đã đạt được nhất trí về bản tuyên bố chung gồm 21 điểm lên án chủ nghĩa khủng bố.

Trong đó khẳng định cam kết hành động mạnh mẽ để chặn đứng nguồn tài chính của các nhóm và tổ chức khủng bố. Một trong những giải pháp được nêu ra là hỗ trợ hệ thống tài chính quốc tế chống lại việc tài trợ cho khủng bố và tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi thông tin.

Các nước G20 cũng hối thúc các nước ủng hộ Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính, tổ chức quốc tế được thành lập năm 1989, gồm 37 quốc gia thành viên, ngăn chặn hiệu quả các nguồn tài trợ khủng bố.

Bất đồng trong những vấn đề còn lại khiến các quan chức phải làm việc thâu đêm nhằm cố gắng đạt được một giải pháp thỏa hiệp về câu chữ trong nội dung tuyên bố chung cuối cùng của hội nghị.

Và văn kiện cuối cùng đã cho thấy sự khéo léo của nước chủ nhà Đức khi vừa thừa nhận, vừa cố gắng làm hài hòa những khác biệt trong 2 vấn đề lớn là biến đổi khí hậu và thương mại. Tất cả các nước trong G20 trừ Mỹ đều đồng ý rằng hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là không thể đảo ngược.

Đối với vấn đề thương mại, từ trước tới nay diễn đàn G20 luôn cổ súy cho thương mại tự do, nhưng lần này, do phải tính tới quan điểm của Mỹ thiên về hướng bảo hộ mậu dịch, tuyên bố chung đã phải nhấn mạnh vai trò của các biện pháp tự vệ trong thương mại. Điều này được xem như sự nhượng bộ đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Người biểu tình phản đối G20 ở Hamburg, Đức. Ảnh: Reuteurs
Người biểu tình phản đối G20 ở Hamburg, Đức. Ảnh: Reuters

Tương tự như không khí căng thẳng bên trong phòng họp, phía bên ngoài hội nghị năm nay cũng khá rối ren. Các cuộc biểu tình của hàng chục nghìn người dưới đường phố Hamburg trở thành “điểm trừ” của nước chủ nhà Đức năm nay.

Các hàng rào được dựng lên khắp nơi, những kẻ phá hoại mặc toàn đồ đen nổi lửa đốt xe, giựt các bảng chỉ đường làm vũ khí, ném đá và chai bia vào cảnh sát. Ít nhất hơn 200 cảnh sát bị thương trong các cuộc bạo loạn.

Những người biểu tình phần vì phản đối việc tổ chức Hội nghị quan trọng này ở trung tâm thành phố làm cản trở và xáo trộn cuộc sống người dân, phần vì phản đối G20.

Nhiều người biểu tình cho rằng, G20 là diễn đàn ủng hộ toàn cầu hóa và vì lợi ích của tất cả mọi người, song quan điểm “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump đã khiến mọi thứ bị đảo lộn….

Mỹ bị “cô lập”

Những khác biệt và bất đồng ở Hội nghị G20 lần này đều xuất phát từ quan điểm và chính sách của Mỹ. Lần đầu tiên tham dự hội nghị quan trọng này, Tổng thống Mỹ Donald Trump được báo chí mô tả với cụm từ “bị cô lập”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump "bị cô lập" vì những quan điểm khác biệt ở G20. Ảnh CNN

Rõ ràng, trong hai vấn đề chính và đáng quan tâm nhất của Hội nghị là biến đổi khí hậu và tự do thương mại, Mỹ đều có quan điểm đi ngược với phần còn lại của nhóm.

Thêm vào đó, những vấn đề nóng nhất của thế giới hiện nay như Triều Tiên, Syria, di cư và nhiều vấn đề đáng lo ngại khác dường như Mỹ không hề đả động gì nhiều tại một diễn đàn đa phương quan trọng này.

Điều đó cũng cho thấy, vai trò của Mỹ không chỉ trong G20 mà trên thế giới đã suy giảm đáng kể. Nhiều nhà phân tích đặt ra câu hỏi “tính hiệu quả của G20 sẽ ra sao nếu không có vai trò đầu tàu của Mỹ?”.

Kể từ tháng 11/2008, khi Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush đăng cai Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của nhóm G20, nước Mỹ luôn giữ vai trò chủ chốt trong nhóm đặc biệt đối với các vấn đề kinh tế toàn cầu.

Khoảng thời gian đó, G20 với hành động nhanh chóng, “đã cứu một hệ thống tài chính toàn cầu trong khi rơi tự do”, như lời một chuyên gia từng nói. Còn nay, thế giới dường như trở nên thiếu tính kết nối bởi những tuyên bố mang tính “co cụm” từ phía Mỹ, ít nhất là trong vấn đề chống biến đổi khí hậu và tự do thương mại.

Ông Trump gặp Tổng thống Nga Putin bên lề hội nghị. Ảnh
Ông Trump gặp Tổng thống Nga Putin bên lề hội nghị. Ảnh internet

Vì thế, với những gì vừa diễn ra tại Hội nghị G20 vừa qua, người ta đang lo ngại, thay vì những diễn đàn đa phương, thế giới đang xuất hiện “G-0” – trong đó các nước đi một mình hoặc hình thành các liên minh ngẫu hứng nhằm theo đuổi các lợi ích của họ. Điều này chắc chắn là một thách thức đối với vai trò liên kết các nền kinh tế như G20.

Được coi là “sân chơi” của những nền kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm tới 2/3 dân số, 90% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), hơn 80% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu, Hội nghị Thượng đỉnh G20 luôn được xem là hoạt động định hướng và dự báo xu thế phát triển toàn cầu trong tương lai gần.

Dù đạt được những kết quả nhất định nhưng qua diễn đàn lần này cho thấy vẫn còn khoảng cách lớn trong cách tiếp cận các vấn đề nổi cộm của thế giới hiện nay.

Điều đó cho thấy, nếu không thể dung hòa những khác biệt về lợi ích giữa các nước sẽ rất khó đạt được mục tiêu “định hình một thế giới kết nối” mà nước Đức đã đề ra trong nhiệm kỳ làm Chủ tịch G20 năm nay.

Thanh Huyền

TIN LIÊN QUAN