Quân đội làm kinh tế là gánh việc ngay cả doanh nghiệp nhà nước không làm

07/07/2017 09:17

Quân đội làm kinh tế là còn phải gánh các nhiệm vụ chính trị và những việc ngay cả doanh nghiệp nhà nước không làm, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ.

Sau những thông tin tranh luận về việc "quân đội làm kinh tế hay không làm kinh tế", một tọa đàm khoa học đã được báo Quân đội nhân dân tổ chức hôm nay với chủ đề "Kết hợp kinh tế với quốc phòng - nhiệm vụ chiến lược lâu dài", có sự góp mặt của nhiều đại diện trong, ngoài Bộ Quốc phòng.

Gen bảo vệ là gen trội, gen kinh tế là bổ sung

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã bình luận tới 40 phút về vấn đề này, song ngay từ lời đầu, ông bày tỏ: "Khi nhận được lời mời, tôi hơi ngạc nhiên vì việc này rõ như ban ngày rồi, việc gì phải bàn".

"Đảng ta đưa ra quan điểm là quốc phòng gắn với kinh tế, kinh tế với quốc phòng. Điều này đã được đưa vào Văn kiện của Đảng và điều 68 của Hiến pháp năm 2013. Cương lĩnh nêu rõ, kết hợp quốc phòng an ninh với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên từng địa bàn", ông trích dẫn lại.

Kể lại trải nghiệm trong chính gia đình mình, khi cả bố ông và các anh em trong nhà đều đã làm quản lý trong doanh nghiệp quân đội, nguyên Phó Thủ tướng nhìn nhận: "Đơn vị quân đội làm kinh tế nhưng trong đó, nhân tố chính trị rất rõ. Gen bảo vệ đất nước vẫn là gen trội, gen kinh tế là gen bổ sung".

quân đội làm kinh tế, kinh tế quốc phòng, quân đội, Vũ Khoan, quốc phòng
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ về nhiệm vụ làm kinh tế trong quân đội. Ảnh: Trọng Hải

Ông cũng cho biết: "Trong làm kinh tế của quân đội, yếu tố sản xuất là chính, làm kinh doanh thấp hơn. Đặc biệt, quân đội gánh vác những nhiệm vụ chính trị xã hội mà không ai có thể làm được. Đơn cử như chúng ta quan niệm DN nhà nước làm những cái mà DN tư nhân không làm thì quân đội cũng phải làm những việc mà ngay cả DNNN không làm".

"Ví dụ như làm đường tuần tra biên giới, có ai lên làm được đâu. Nhiệm vụ ban đầu giao cho địa phương nhưng địa phương làm lủng củng, sau đó, quân đội nhân dân làm và chỉ có quân đội mới làm được. Nhờ đó mà có tuyến đường dọc biên giới như ngày nay", nguyên Phó Thủ tướng dẫn chứng.

Ông lưu ý: "Quân đội làm kinh tế là trong khuôn khổ luật pháp. Nhưng vì tính đa dạng của quân đội nên không thể áp dụng kinh tế thị trường một cách thuần khiết. Vì thế cần có đặc thù, xây dựng thể chế kinh tế đa dạng cho các lực lượng quân đội làm kinh tế. Nếu áp dụng nguyên xi thể chế kinh tế dân sự vào là không làm được, sẽ lẫn lộn, dư luận có thể hiểu sai".

Đặc biệt, nguyên Phó Thủ tướng thẳng thắn: "Cũng giống như các thành tố trong xã hội, lực lượng làm kinh tế của quân đội không thể không có tiêu cực xảy ra. Công tác đấu tranh để làm trong sạch đội ngũ quân đội không thể không làm, thậm chí phải làm nhiều hơn. Vì, tai tiếng của quân đội sẽ ảnh hưởng đến an nguy của quốc gia".

Cần một nghị quyết TƯ về quân đội làm kinh tế

GS.TS Hoàng Chí Bảo chia sẻ đánh giá, nhiệm vụ chức năng của quân đội cần được soi xét với tư duy hiện đại, nhất là trong hội nhập kinh tế.

"Từ thực tiễn dựng nước và giữ nước, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, vai trò của quân đội trong chiến đấu là quá rõ. Nhưng còn có dấu ấn lịch sử của quân đội không thể phủ nhận là trong sản xuất và xây dựng kinh tế. Chúng ta đã có cả một đội ngũ công nhân quốc phòng không chỉ đóng góp trong quân sự mà cả dân sự", GS Bảo nói.

quân đội làm kinh tế, kinh tế quốc phòng, quân đội, Vũ Khoan, quốc phòng
Toạ đàm khoa học về kinh tế kết hợp quốc phòng do báo Quân đội nhân dân tổ chức. Ảnh: Trọng Hải

Ông cho rằng: "Tới đây, các DN quân đội theo hướng cổ phần hoá là để nhằm hoàn thiện nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, chứ không có nghĩa là quân đội không làm kinh tế nữa. Ngược lại, quân đội cần tiếp tục tham gia để có những nghiên cứu khoa học công nghệ áp dụng".

Nhìn theo chiều dài lịch sử, Thiếu tướng, TS Võ Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng lý giải về sự tất yếu của một nền kinh tế trong quân đội.

"Đường biên giới của ta dài khoảng 4.500 km, đường bờ biển dài hơn 3.000 km. Đời sống của nhân dân nhiều vùng còn lạc hậu khó khăn, nhiều nơi trắng dân, trắng chính quyền, trắng đảng viên. Vì thế, chúng ta cần có quân đội đứng chân, với nhiệm vụ đưa dân ra sinh sống, giúp dân khai hoang, phát triển kinh tế địa phương, an cư lạc nghiệp, tạo nên thế trận lòng dân, vận động nhân dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc", Thiếu tướng phân tích.

Ông cho hay: "Quân đội thành lập các đoàn kinh tế quốc phòng chính là để thực hiện nhiệm vụ này. Hiện cả nước thực hiện được 28/33 khu kinh tế quốc phòng. Nếu có chiến tranh thì chính các tập đoàn kinh tế quốc phòng này sẽ trở thành lực lượng chiến đấu, bảo vệ dân, bảo vệ Tổ quốc".

Ông cũng thông tin thêm: "Nhiều cơ sở sản xuất quốc phòng được Nhà nước chăm lo cũng tương đối hiện đại và đều phải đáp ứng được yêu cầu khi có chiến tranh. Nếu trong thời bình chỉ dùng có 20-30% thì sẽ bị hao mòn vật chất, lãng phí, có tội với Nhà nước và nhân dân. Vì thế phải để các cơ sở quốc phòng này sản xuất để tận dụng tốt nhất dây chuyền công nghệ".

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đúc kết: "Quân đội làm kinh tế mục đích đầu tiên chính là gia tăng sức mạnh của bản thân quân đội, từ đó gia tăng sức mạnh quốc gia. Quân đội làm kinh tế để xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ với các trang bị quốc phòng".

Nguyên Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng cần có tổng kết căn cơ về vấn đề này trong 30 năm đổi mới. Chủ trương, nhiệm vụ làm kinh tế trong quân đội cần có một văn bản ở tầm Bộ Chính trị, cần có nghị quyết TƯ ban hành, tránh những tuyên truyền sai lệch về vai trò làm kinh tế của quân đội.

Theo VNN

TIN LIÊN QUAN