59 ngày tử thủ của trung đội Hồng quân Liên Xô ở Stalingrad

19/06/2017 06:08

Trung đội Hồng quân giữ vững tòa nhà chiến lược giữa hai chiến tuyến trong gần 2 tháng, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của phát xít Đức.

59-ngay-tu-thu-cua-trung-doi-hong-quan-lien-xo-o-stalingrad

"Nhà của Pavlov" ngay sau trận đánh. Ảnh: Wikipedia.

Mùa đông năm 1942, thành phố Stalingrad trở thành tâm điểm giao tranh ác liệt giữa Hồng quân Liên Xô và phát xít Đức xâm lược. Trên chiến trường này, trung đội Hồng quân do trung sĩ Yakov Pavlov chỉ huy đã lập nên kỳ tích khi giữ vững vị trí chiến lược trước lực lượng áp đảo về quân số và hỏa lực của Đức trong suốt 59 ngày đêm, theo War History.

Trung sĩ Pavlov nắm quyền chỉ huy trung đội trinh sát sau khi tất cả sĩ quan trong đơn vị lần lượt hy sinh trong chiến đấu. Đơn vị 30 người của ông được giao nhiệm vụ đánh chiếm và giữ vững một tòa nhà 4 tầng gần bờ sông Volga do lính Đức chiếm giữ.

Pavlov nhận lệnh giữ tòa nhà này và không được rút lui, bởi nó nằm ở vị trí quan trọng chiến lược, giúp lực lượng phòng thủ quan sát cả hai phía chiến tuyến ở khoảng cách tới một km.

Cùng các đồng đội thuộc Sư đoàn bộ binh Cận vệ số 13 danh tiếng, Pavlov gia cố tòa nhà bằng 4 lớp hàng rào thép gai, gài mìn, thiết lập các ụ súng máy ở tầng hầm và trên mái nhà. Tường bên trong được đục thủng để tăng cường khả năng liên lạc, một hào giao thông trở thành tuyến đường kết nối với lực lượng bên ngoài.

59-ngay-tu-thu-cua-trung-doi-hong-quan-lien-xo-o-stalingrad-1

Hồng quân Liên Xô đánh trả đợt tấn công của Đức. Ảnh: Bashny.

Quân Đức bắt đầu tấn công để tìm mọi cách chiếm lại tòa nhà từ ngày 27/9/1942. Khẩu súng chống tăng PTRS-41 duy nhất của trung đội được bố trí trên nóc nhà, nói xe tăng Đức không thể nâng nòng pháo để bắn trúng, trong khi lính Liên Xô có thể bắn xuyên qua lớp giáp mỏng trên tháp pháo xe tăng, loại chúng khỏi vòng chiến.

Nhờ chiến thuật này, trung đội Pavlov đã diệt hơn 10 xe tăng Đức trong những đợt phản kích dồn dập của địch. Quân Đức phát động nhiều đợt tấn công với tần suất ngày càng dồn dập hơn để đẩy lùi trung đội của Pavlov. Tuy nhiên, mỗi lần tấn công, quân Đức đều bị các ụ súng máy ở tầng hầm, cửa sổ và mái nhà của Hồng quân đánh bật trở lại.

Khi trận đánh kéo dài đến tháng thứ hai, trung đội Pavlov thiếu thốn lương thực và nước uống dù không bị chia cắt khỏi quân chủ lực ở phía sau. Pavlov và đồng đội không có thời gian chợp mắt do quân Đức bắn thâu đêm. Cuộc vây hãm kéo dài tới mức tòa nhà này được gọi là "nhà của Pavlov".

Do không có giường, những người lính phải ngủ trên tấm cách nhiệt lấy từ các bức tường. Một số nhóm quân tiếp viện vượt qua được vòng vây để tới tòa nhà bổ sung lực lượng cho trung đội, nhưng quân số phòng thủ thường trực luôn giữ ở mức chỉ hơn 10 người. Sau một vài cuộc tấn công, xác lính Đức bắt đầu chất đống trước tòa nhà. Trung đội Pavlov phải ra ngoài dọn dẹp giữa các trận đánh, bởi lính Đức sử dụng chúng như lá chắn để tấn công.

Trận phòng ngự này trở thành biểu tượng cho tinh thần chiến đấu bất khuất của Hồng quân Liên Xô. Chỉ có 4 người thuộc trung đội ban đầu, trong đó có Pavlov, sống sót sau chiến dịch vây hãm của phát xít Đức. Trong 59 ngày bị vây hãm, những cư dân sống tại đây được sơ tán xuống tầng hầm. Họ ở đó tới khi Hồng quân giải vây cho trung đội Pavlov ngày 25/10.

59-ngay-tu-thu-cua-trung-doi-hong-quan-lien-xo-o-stalingrad-2

Một góc của tòa nhà được giữ lại như một tượng đài. Ảnh: Google.

Sau trận phòng ngự này, Pavlov tiếp tục tham gia trận Berlin và trở về nhà với nhiều huân chương chiến công. Năm 1945, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Sau chiến tranh, "nhà của Pavlov" được xây dựng lại với một tượng đài trên nền nhà ban đầu.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN