Thêm nghi ngờ trên chính trường Mỹ

14/06/2017 21:11

(Baonghean) - Phiên điều trần của Bộ trưởng Tư pháp Mỹ tiếp tục dấy lên những tranh cãi trên chính trường nước này về việc 'có hay không sự can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ năm 2016'.

Nghi ngờ không được sáng tỏ mà ngày càng tăng lên. Nhiều khả năng sẽ có thêm các quan chức khác trong chính quyền Mỹ phải ra điều trần.

Nghi vấn còn đó

Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions là quan chức cấp cao đầu tiên trong nội các của Tổng thống Trump phải ra điều trần trước Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ. Cuộc điều trần kéo dài trong khoảng 2 tiếng rưỡi trong một bầu không khí được xem là đầy căng thẳng với những màn chất vấn và đáp trả gay gắt. Phiên điều trần thu hút sự chú ý của công luận Mỹ cũng như thế giới vì liên quan trực tiếp đến hai tranh cãi lớn nhất hiện nay của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Thứ nhất là liệu đội ngũ vận động tranh cử của ông Trump có hợp tác với phía Nga để giúp ông đắc cử Tổng thống hay không và thứ hai là khả năng Tổng thống Trump có các hành vi ngăn cản thực thi công lý. Mặc dù đây là phiên điều trần đối với ông Sessions, nhưng nội dung chính là làm rõ quan điểm và đánh giá của ông Sessions về vụ điều tra cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ cũng như các cuộc đối thoại giữa cựu Giám đốc FBI James Comey và Tổng thống Trump. Hay nói cách khác, đó là tập trung giải quyết những vấn đề mà ông Comey đã nêu ra trong phiên điều trần trước chính Ủy ban này hồi tuần trước.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions trong phiên điều trần ngày 13/6. Ảnh: AFP
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions trong phiên điều trần ngày 13/6. Ảnh: AFP

Theo nhận định từ các chuyên gia, các thông tin từ phiên điều trần dường như chưa làm sáng tỏ những hoài nghi về mối liên quan giữa Tổng thống Trump, Nga và cuộc điều tra của FBI. Trong phiên điều trần, ông Sessions nhận được 4 câu hỏi chính là có cuộc gặp nào với giới chức Nga trên cương vị Bộ trưởng Tư pháp hay không, mối liên quan của ông này với đội ngũ cố vấn của Tổng thống Trump, tại sao lại quyết định tách khỏi cuộc điều tra và vai trò trong quyết định sa thải giám đốc FBI.

Tuy vậy, các câu trả lời của ông Sessions được đánh giá không có gì mới so với những gì ông đã công khai tuyên bố trước đó. Đáng chú ý, ông Sessions đã lên tiếng bác bỏ bất cứ kết luận nào nói rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và cho rằng, những cáo buộc như vậy là “sự dối trá kinh hoàng và đáng ghét”. Ông cũng khiến không ít nghị sĩ, đa phần thuộc Đảng Dân chủ cảm thấy thất vọng với những câu trả lời lảnh tránh kiểu “tôi không nhớ” hay “tôi không rõ lắm”. Chính cách trả lời mập mờ này cộng với việc ông Sessions từ chối thông tin về nội dung trao đổi với Tổng thống Trump lại càng khiến dư luận đặt nghi vấn về khả năng Nhà Trắng đang che giấu điều gì đó.

Uy tín Tổng thống giảm

Theo giới quan sát, mặc dù được trông đợi sẽ có những tình tiết mới sau phiên điều trần của Bộ trưởng Tư pháp, song không ít người đã đoán trước được những gì diễn ra bởi ông Sessions là một trong những Thượng nghị sỹ đầu tiên ủng hộ ông Trump trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm ngoái. Ông Trump và ông Sessions cũng có chung quan điểm về việc kiểm soát tội phạm và nhập cư. Vì thế, có thể coi Bộ trưởng Tư pháp Mỹ là một “thân tín” của ông chủ Nhà Trắng. Cho nên phần trả lời chất vấn của ông Sessions dường như làm lợi cho Tổng thống Trump hơn là “làm khó”.

Tuy vậy, với phần trả lời chưa làm rõ ràng những nghi ngờ của nhiều nghị sĩ Mỹ, nhiều khả năng sẽ có thêm nhiều quan chức khác trong chính quyền phải ra điều trần nhằm phục vụ cho cuộc điều tra bê bối can thiệp của Nga vào bầu cử Tổng thống vừa qua. Điều đó không chỉ đẩy chính trường Mỹ đến những tranh cãi gay gắt hơn mà còn khiến nội bộ thêm chia rẽ.

Jeff Sessions là một trong những nghị sỹ đầu tiên ủng hộ ông Trump trong chiến dịch tranh cử Tổng thống. Ảnh: Washington Post
Jeff Sessions là một trong những nghị sỹ đầu tiên ủng hộ ông Trump trong chiến dịch tranh cử Tổng thống. Ảnh: Washington Post

Về phần Tổng thống Donald Trump, 2 cuộc điều trần liên tiếp của cựu Giám đốc FBI và Bộ trưởng Tư pháp Mỹ về những vấn đề liên quan trực tiếp đến cá nhân Tổng thống khiến uy tín của ông bị ảnh hưởng nặng nề. Theo kết quả được Hãng thăm dò Gallup công bố trước phiên điều trần Bộ trưởng Tư pháp Sessions cho thấy, uy tín của Tổng thống Trump đang có xu hướng giảm trở lại sau khi tăng lên đôi chút so với thời kỳ đầu nắm quyền. Chỉ có 38% số người được hỏi ủng hộ Tổng thống, giảm 2% so với cuộc thăm dò diễn ra trước phiên điều trần cựu Giám đốc FBI. Tỷ lệ phản đối ông Trump cũng tăng tương tự lên 60%. Điều tồi tệ hơn, dư luận Mỹ lại tỏ ra tin tưởng ông Comey hơn Tổng thống Trump khi tỷ lệ này tăng từ 26% lên 46% trong thời điểm trước và sau phiên điều trần.

Giới quan sát còn đặt ra khả năng Tổng thống Trump bị luận tội và phế truất, bởi nếu xác định ông Trump có các hành vi cản trở thực thi pháp luật, quốc hội Mỹ có thể khởi động tiến trình luận tội. Tổng thống sẽ bị phế truất nếu đa số Hạ viện và sau đó là hơn 2/3 Thượng viện đồng ý. Tuy nhiên, khả năng này không cao bởi đảng Cộng hòa, hiện đang nắm cả Thượng viện và Hạ viện, dường như cũng không muốn đẩy vụ bê bối này đi quá xa.

Tuy nhiên, nếu không giải quyết tốt vụ bê bối trên thì hình ảnh cá nhân của Tổng thống Trump cũng như uy tín của đảng Cộng hòa sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Nhất là trong một diễn biến mới khác, hơn 190 nghị sỹ đảng Dân chủ Mỹ đã kiện Tổng thống Donald Trump lên Tòa án liên bang, cáo buộc ông nhận các khoản tiền từ các chính phủ nước ngoài thông qua công việc kinh doanh của mình mà không có sự đồng ý của Quốc hội, hành động vi phạm Hiến pháp Mỹ.

Có thể nói, Tổng thống Trump và chính quyền đương nhiệm đang đứng trước rất nhiều sức ép, và chắc chắn sẽ còn nhiều điều bất ngờ và khó đoán trên chính trường Mỹ những ngày tới.

Thanh Huyền

TIN LIÊN QUAN