Cá mòi - 'quà tặng' của biển cho sông Lam

11/04/2017 15:36

(Baonghean.vn) - Tháng Ba, khi mùa hoa xoan nở rộ cũng là lúc dòng sông Lam nhuốm màu phù sa, báo hiệu mùa cá mòi ngược cửa biển lên thượng nguồn sông Lam.

Sông Lam đoạn chảy qua huyện Thanh Chương được xem là thủ phủ của cá mòi. Ảnh: Đình Hà.
Sông Lam đoạn chảy qua huyện Thanh Chương được xem là thủ phủ của cá mòi. Ảnh: Văn Diện.

Những ngày này, làng chài Giang Thủy, xã Thanh Giang (Thanh Chương) đang vào mùa săn cá mòi. Theo bà Nguyễn Thị Dụng - Trưởng làng chài Giang Thủy, mùa săn cá mòi bắt đầu từ giữa tháng Giêng, kéo dài khoảng 3 tháng kết thúc vào mùa lũ tiểu mãn. Trong khoảng thời gian này, từ 1 - 2 giờ chiều, dân làng chài lại xuôi dòng thả lưới và đến đêm là thời điểm đông người đánh bắt nhất. Cùng với thuyền lưới dưới sông, trên bờ thương lái đã chờ lấy cá đi tiêu thụ khắp các chợ quê, chợ phố.

c11.jpg
Mùa săn cá mòi rộ nhất là vào tháng 3, thời điểm đánh lưới từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau. Ảnh: Văn Diện.

Anh Tráng – một “lão ngư” kinh nghiệm của làng chài cho biết: “Không ai rõ cá Mòi xuất hiện ở sông Lam từ bao giờ nhưng số lượng nhiều lên cách đây chừng 4 năm. Mỗi năm cá ngược nguồn mỗi khác. Có năm cá mòi về ít nhưng cá to và béo. Cũng có năm cá về nhiều nhưng rất gầy. Kinh nghiệm, năm nào có cá về nhiều thì năm đó có lụt to. Cách đây 2 năm, muốn đánh cá mòi phải xuống tận dưới Đồng Văn, năm nay cá đã lên tận Đò Cung địa phận của Đô Lương”.

Mùa đánh bắt cá mòi trên sông Lam. Ảnh Trần Đình Hà
Cá mòi có đặc điểm dễ mắc lưới, dễ đánh bắt. Ảnh: Trần Đình Hà.

Vào chính vụ, cá mòi nhiều nhưng phải tìm được những điểm đánh bắt hợp lý. Với người dân làng chài Giang Thủy là đoạn từ vực Rú Hà đến Bến Đò Phuống vì đoạn sông này hẹp, nước chảy mạnh, không bị hút cát nên lưới có thể trôi theo “trộ” mà không bị vướng bờ bụi hoặc cồn cát.

Hiện cả làng chài có trên 50 chiếc thuyền, để đánh bắt, các hộ ngư dân xếp hàng theo thứ tự, mỗi lần chỉ từ 5 - 10 thuyền thả lưới để ai cũng được hưởng lộc trời. Hết đợt này đến đợt khác, cả khúc sông Lam luôn có người đánh bắt.

Theo các tài liệu khoa học, cá mòi là loài cá lưỡng cư sinh sống ở biển nhưng mùa sinh sản lại đẻ trứng ở sông nước ngọt. Cá có đầu nhỏ thuộc họ cá trích, thân dài, chiều ngang hình bầu dục. Lưng có màu hơi xanh hoặc nâu, bụng có màu bạc. Cá mòi ăn rong rêu, trứng cá, lăng quăng và các loại tôm tép nhỏ. Ảnh: Trần Đình Hà.
Theo các tài liệu khoa học, cá mòi là loài cá lưỡng cư sinh sống ở biển nhưng mùa sinh sản lại đẻ trứng ở sông nước ngọt. Cá có đầu nhỏ thuộc họ cá trích, thân dài, chiều ngang hình bầu dục. Lưng có màu hơi xanh hoặc nâu, bụng có màu bạc. Cá mòi ăn rong rêu, trứng cá, lăng quăng và các loại tôm tép nhỏ. Ảnh: Trần Đình Hà.

Ông Trần Văn Tài là một trong những người may mắn luôn bắt được nhiều cá, có những ngày ông đánh được khoảng 50 kg, ngày ít cũng được hơn 20kg. Đầu mùa mỗi kg bán giá 40.000 đồng, đến chính vụ chỉ còn 25.000 - 30.000 đồng nhưng gia đình ông thu nhập vẫn hơn hẳn các mùa cá khác trong năm. “Đúng vụ, cá mòi mắc lưới dày như trấu không muốn gỡ. Ba bốn người kéo một cheo lưới cá mòi vã mồ hôi. Ngoài giá trị kinh tế, săn cá mòi còn là thú vui vì có lúc được cả đàn cá lớn, vào buổi đêm khi thu lưới màu bạc của cá lấp lánh dưới ánh đèn trông rất vui mắt” - ông Tài chia sẻ.

Điều đáng mừng là cá mòi xuất hiện trên sông Lam ngày càng nhiều, cũng là bởi ý thức của ngư dân được nâng lên, không đánh bắt kiểu tận diệt. “Mấy năm trước, cá mòi về con to béo bằng nửa bàn tay người lớn. Vì lòng tham, nhiều hộ dân dùng cả kích điện để đánh. Đánh chết 10 con chỉ vớt được 3 - 4 con vì cá mòi dễ chìm. Sáng ngày sau, những chỗ nước quẩn cá chết nổi trắng một vùng. Nhìn xót lắm anh ạ. Cũng may là chính quyền tuyên truyền tốt nên nạn kích điện trên sông cũng đỡ” - anh Tráng chia sẻ.

Đầu mùa đánh bắt, mỗi kg bán giá 40.000 đồng, chính vụ giá giảm còn 25.000 - 30.000 đồng nhưng vẫn cho thu nhập hơn hẳn các mùa cá khác trong năm. Ảnh: Trần Đình Hà
Đầu mùa đánh bắt, mỗi kg bán giá 40.000 đồng, chính vụ giá giảm còn 25.000 - 30.000 đồng nhưng vẫn cho thu nhập hơn hẳn các mùa cá khác trong năm. Ảnh: Trần Đình Hà

Theo chị Nguyễn Thị Hồng, một ngư dân làng chài Giang Thủy, vào mùa sinh sản cá mòi sông béo và thịt thơm. Cá mòi có đặc tính là chỉ cần gỡ ra khỏi lưới là sẽ chết chứ không sống lâu được như các loại cá khác. Vì vậy, khi chọn mua cần chú ý xem mắt cá có trong và đen không, cá có bị ướp lạnh không, vạch mang cá còn đỏ tức là cá đang tươi”.

"Cá mòi có thể chế biến theo nhiều cách như rán, nướng chấm nước mắm tiêu, ớt hoặc tương gừng hoặc trộn thịt ba chỉ băm viên kho, nấu su hào chuối xanh ăn kèm với rau húng. Nhiều người thích lạ miệng, biến tấu bằng cách trộn thịt cá mòi xay với giò sống, sau đó chiên lên và nấu với chuối xanh. Món này ăn vào những ngày lạnh có tác dụng làm ấm người rất tốt..." - chị Nguyễn Thị Hồng cho hay.

cá
Người dân chài vào mùa nông nhàn, ngồi quây quần bên đĩa mòi vừa rán ăn kèm với mùi Tàu, húng tím, lá xoài non nhâm nhi chén rượu trắng... chuyện đánh bắt cá mòi len lỏi khắp làng quê. Ảnh: Văn Diện
Cá mòi tươi, nướng được bán nhiều ở cả các chợ, nhưng tươi ngon nhất vẫn là ở các bến sông gần làng vạn chài. Ảnh: Trần Đình Hà
Cá mòi tươi, nướng được bán nhiều ở cả các chợ, nhưng tươi ngon nhất vẫn là ở các bến sông gần làng vạn chài. Ảnh: Trần Đình Hà.

Ngoài làng vạn chài Giang Thủy, dọc Sông Lam các làng chài cũng đang nhộn nhịp với mùa săn cá mòi. Cá Mòi chỉ xuất hiện đàn lớn trên sông Lam một lần trong năm. Thường vào giữa tháng Tư thì hết, nhưng đây là “món quà đặc biệt” của biển cả dành cho dòng sông Lam thơ mộng. Món quà đó cần phải được bảo vệ, gìn giữ cho mai sau.

» Cua đồng Yên Thành 'hành quân' ra Hà Nội

» Mùa thả trúm, bắt lươn đồng

Trần Đình Hà - Văn Diện

TIN LIÊN QUAN

TIN LIÊN QUAN