Quan điểm trái chiều về bỏ biên chế giáo viên

10/06/2017 16:25

Trong phiên thảo luận kéo dài đến tận 18h30, điều chưa từng có tiền lệ từ trước tới nay, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã bày tỏ quan ngại về rất nhiều vấn đề. Có đại biểu (ĐB) cho rằng nếu bỏ biên chế giáo viên thì nên bỏ biên chế toàn hệ thống, trừ khu vực quốc phòng, an ninh vì nếu nói bỏ biên chế giáo viên để ngành Giáo dục tốt hơn thì không lý gì các ngành khác không như vậy.

Trao quyền lực lớn cho các hiệu trưởng, nếu không có sự tuyển chọn sẽ rơi vào tình trạng “trao trứng cho ác”!

Ngoài điểm nóng về kinh tế, nhiều ĐB bày tỏ lo ngại về các vấn đề giáo dục, y tế, an sinh xã hội. ĐB Trần Thị Phương Hoa (TP Hà Nội) phê phán sự yếu kém trong quản lý an toàn thực phẩm khiến người dân luôn thấp thỏm về bữa ăn hằng ngày. ĐB cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng bạo lực học đường và xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng.

Dẫn số liệu được Bộ Giáo dục & Đào tạo, ĐB cho biết: Trong một năm học, toàn quốc đã xảy ra 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học, bình quân khoảng 5 vụ/ngày. Cứ trên 5.200 học sinh lại có một vụ đánh nhau, cứ trên 11.000 học sinh có 1 em bị buộc thôi học vì đánh nhau. Đáng báo động hơn nữa là tình trạng xâm hại tình dục trẻ em cũng có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp.

Đại biểu phát biểu tại hội trường. Ảnh: Văn Điệp

Cùng với đó, trong khi Bộ Giáo dục & Đào tạo đang muốn thí điểm bỏ biên chế giáo viên, ĐB Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) lại cho rằng việc tinh giản biên chế gây ra nhiều bất cập ở cơ sở giáo dục, khi có người về hưu nhưng không được tuyển thêm biên chế để thay thế. “Ngành Giáo dục ở một số địa phương vốn đã dừng tuyển dụng từ rất lâu, có nơi ngừng tuyển dụng từ năm 2008, tới nay đã gần 10 năm, nay lại vướng mắc chủ trương tinh giản biên chế khiến lòng yêu nghề và tinh thần làm việc của giáo viên hợp đồng giảm sút, không thu hút được học sinh giỏi, yêu nghề”.

Ngược lại với đề xuất trên đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ lại cho rằng: Phần nhiều giáo viên có tâm lý là vào biên chế cho ổn định, rất khó khăn trong vấn đề phải nâng cao kiến thức để đáp ứng được nhu cầu đổi mới, dẫn đến tình trạng chất lượng giáo dục không được nâng cao.

“Chúng tôi mới đặt vấn đề nghiên cứu để đề xuất thí điểm chuyển dần từ công chức, viên chức sang hợp đồng lao động... do khu vực giáo viên và quản lý nhà giáo phải được đặc biệt đổi mới, vì đây là yếu tố quyết định nâng cao chất lượng giáo dục”. “Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên chưa đạt, không đạt được yêu cầu mới. Chúng tôi thấy đây là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng không thể không làm” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Chưa đồng tình với quan điểm này, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Hà Nội) cho rằng nếu bỏ biên chế giáo viên thì nên bỏ biên chế toàn hệ thống, trừ khu vực quốc phòng, an ninh vì nếu nói bỏ biên chế giáo viên để ngành Giáo dục tốt hơn thì không lý gì các ngành khác không như vậy.

“Đối với các cô giáo dạy ở những ngôi trường cheo leo, qua những con đường xe ôtô không thể đến được; các y bác sỹ công tác tại vùng cao... họ vẫn cố gắng làm việc vì niềm tin vẫn ở trong biên chế, vẫn còn là công chức nhà nước. Do vậy, nếu bỏ công chức trong giáo dục, y tế cần những chính sách rất cụ thể cho từng vùng miền, có xét đến những đặc trưng về địa chính trị khác nhau, tránh sự sụp đổ của mạng lưới phải mất rất nhiều năm mới xây dựng được. Ngoài ra, khi trao quyền lực lớn cho các hiệu trưởng, giám đốc bệnh viện, nếu không có sự tuyển chọn và đào tạo kỹ càng, hoàn toàn có khả năng rơi vào tình trạng “trao trứng cho ác” - ĐB nhấn mạnh.

Lo phải bán tài nguyên để tăng trưởng

Trong phiên thảo luận kéo dài đến tận 18h30, điều chưa từng có tiền lệ từ trước tới nay, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã bày tỏ quan ngại về rất nhiều vấn đề nhưng nổi bật lên vẫn là các quan ngại về kinh tế, khi Chính phủ quyết tâm giữ chỉ tiêu tăng trưởng 6,7% - được cho là cao so với những gì đang diễn ra từ đầu năm đến nay.

Đánh giá cao những nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo, ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) lại dẫn thực tiễn cho thấy: Ở cấp dưới, một số nơi còn chưa đồng hành cùng doanh nghiệp (DN). “Một số DN than phiền rằng họ thường xuyên phải tiếp các đoàn thanh, kiểm tra, chồng chéo, trùng lặp. Một DN chế biến mủ cao su ở tỉnh Bình Phước bị phạt và buộc đóng cửa dây chuyền sản xuất 3 tháng chỉ vì tự thay đổi công nghệ xử lý chất thải không đúng quy định, dù công nghệ đó hiện đại hơn công nghệ cũ. Sau đó, chính đơn vị thanh tra này lại ra văn bản hủy bỏ quyết định đóng cửa dây chuyền sau khi bị DN phản đối dữ dội. Thiệt hại do quyết định tùy tiện đó DN phải gánh chịu. Chỉ cần vấp phải sự tắc trách của một số người trong quá trình thực hành nghĩa vụ trên cũng làm cho DN khốn đốn, lao đao”.

Việc “nóng trên, lạnh dưới”, Chính phủ quyết tâm nhưng một số bộ, ngành, địa phương chưa theo cũng được ĐB kiến nghị. Thủ tục hành chính vẫn được cho là nút thắt lớn nhất khiến đất nước khó chuyển động. “Điều này cũng được thể hện gián tiếp trong báo cáo của Chính phủ, khi Việt Nam đứng thứ 82/189 quốc gia được xếp hạng về môi trường kinh doanh, dù năm 2016 có tăng 9 bậc” – ĐB Nguyễn Tuấn Anh bày tỏ.

“Cứ 10 DN ra đời thì gần 9 DN ra đi. Rõ ràng, chúng ta không thể lạc quan. Để đạt mục đích tăng trưởng kinh tế lại phải khai thác thêm vài triệu tấn dầu, lại phải bán đi tài nguyên thiên nhiên”.

Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội.

ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) bày tỏ lo ngại về việc ngành công nghiệp nặng của nước ta “đang khủng hoảng thực sự”, đặc biệt cơ khí chế tạo đang đi thụt lùi so với mấy chục năm trước đây. Dự báo về nhu cầu máy và thiết bị trong giai đoạn 2011 - 2025 xấp xỉ 250 tỷ USD nhưng năng lực trong nước chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu, nên phải bỏ ra hàng chục tỷ USD để nhập khẩu (năm 2015, Việt Nam nhập khẩu 27,57 tỷ USD máy móc, thiết bị). Công nghiệp hỗ trợ cũng hết sức èo uột khi mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài để lan tỏa công nghệ, kinh nghiệm quản lý thông qua việc chuyển giao công nghệ và hình thành chuỗi liên kết... không thành.

“Hiện chúng ta chỉ có khoảng 500 doanh nghiệp cung ứng sản phẩm cho ngành sản xuất ôtô, xe máy, điện tử nhưng hầu hết nguyên vật liệu cho công nghiệp chế tạo phụ tùng và thiết bị phụ trợ phải nhập khẩu. Thực tế, tỷ lệ cung ứng nguyên phụ liệu trong nước của một số nhóm, ngành trọng điểm như ôtô chỉ từ 20-30%, giày da, dệt may hơn 10%, điều này dẫn đến hệ quả giá trị gia tăng thấp, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp kém” – ĐB quan ngại.

Sự suy yếu của “trụ đỡ” nông nghiệp cũng khiến các ĐB lo lắng khi liên tiếp các chiến dịch giải cứu nông sản xảy ra, người nông dân đời sống hết sức bấp bênh. ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) nhấn mạnh: Mức sống của nhân dân mới là thước đo chính xác nhất hiệu quả điều hành của Chính phủ, sự phát triển của nền kinh tế. ĐB mong rằng những báo cáo kinh tế - xã hội lần sau của Chính phủ sẽ thể hiện được đời sống của người dân đã được cải thiện ra sao, thay vì những con số tăng trưởng khô khan.

Theo CAND

TIN LIÊN QUAN