Nghệ An: Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời

12/06/2017 08:42

(Baonghean) - Xây dựng xã hội học tập là một trong những chủ trương lớn của nhà nước ta nhằm mục đích nâng cao kiến thức, tay nghề, trình độ, nâng cao thu nhập cho mọi tầng lớp nhân dân. Tại Nghệ An, thực hiện đề án xây dựng xã hội học tập cũng đã góp phần quan trọng đưa phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển và từng bước nâng cao nhận thức của người dân về ý thức học tập suốt đời.

Những chuyển biến tích cực

Môn Sơn là một trong những xã nghèo thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện Con Cuông. Tuy nhiên, đây lại là địa phương đi đầu trong phong trào khuyến học của huyện, đặc biệt là trong công tác xây dựng gia đình khuyến học, dòng họ khuyến học. Trò chuyện về công tác khuyến học, bà Hà Thị Trích, hiện đang là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học của xã tự hào nói: “Mặc dù điều kiện sống của bà con còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua người dân trong xã rất có ý thức trong việc xây dựng quỹ khuyến học. Qua đó, không chỉ kịp thời động viên khuyến khích những học sinh có thành tích tốt trong học tập mà mỗi năm còn giúp cho hàng chục học sinh có hoàn cảnh khó khăn có sách vở, quần áo để đến trường”.

Dạy nghề mây tre đan cho phụ nữ huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Mỹ Hà
Dạy nghề mây tre đan cho phụ nữ huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Mỹ Hà

Môn Sơn cũng chính là một trong hai địa phương đầu tiên được Hội Khuyến học tỉnh lựa chọn để xây dựng thí điểm về xây dựng xã hội học tập. Mặc dù đây là khái niệm còn khá mới, nhưng từ khi mô hình được triển khai thông qua các buổi tư vấn, tập huấn nhận thức của bà con về việc cùng chung tay xây dựng xã hội học tập đã có những chuyển biến tích cực. Hơn thế, người dân còn nhận ra rằng, việc học không chỉ dành cho đối tượng trong tuổi đi học mà những người nông dân, thanh niên, những người lớn tuổi vẫn có thể học để nâng cao trình độ, nhận thức; việc học phải gắn với việc học nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cuộc sống…

Nói về sự học, gia đình ông Vi Văn Tám ở bản Thái Sơn 1 là một điển hình. Trước đây, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, quanh năm đói ăn. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, sau khi 3 người con học hết phổ thông và đi học nghề điện, nghề may dân dụng, có việc làm ổn định thì đời sống đã khấm khá hơn rất nhiều. Đây cũng là điển hình đang được nhiều gia đình trong xã học tập và làm theo.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2015, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định 1360 về việc “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”. Sau hơn 1 năm thực hiện thí điểm, đến nay phong trào học tập suốt đời đã được nhân rộng trong toàn tỉnh nhằm mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động học tập thường xuyên, suốt đời trong các gia đình, dòng họ, cộng đồng thông qua việc xây dựng và phát triển các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Ông Trần Xuân Bí - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho rằng: Việc thi đua đẩy mạnh việc học tập của các thành viên trong gia đình, dòng họ, cộng đồng không chỉ đơn thuần ở tinh thần hiếu học, ham học hỏi mà việc học bây giờ của mọi người, mọi nhà, mọi cộng đồng dân cư phải thiết thực được gắn bó với công tác xóa đói, giảm nghèo, với việc xây dựng văn hóa ở khu dân cư.

Sự chung tay của toàn xã hội

Trên thực tế, chủ trương xây dựng xã hội học tập đã được Nghệ An triển khai từ năm 2012. Qua gần 5 năm, với sự phối hợp của tất cả các ban, ngành các đơn vị đã tích cực tham gia vận động các tầng lớp nhân dân học tập, nâng cao trình độ học vấn. Trong đó, nổi bật đã tổ chức xóa mù chữ cho gần 3.000 người (tập trung ở các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn), tổ chức dạy nghề, dạy bổ túc văn hóa cho hàng trăm nghìn lao động nông thôn và công nhân lao động.

Đặc biệt thời gian qua, phát huy vai trò của các trung tâm học tập cộng đồng, các địa phương đã tích cực triển khai các lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật, tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo, phổ cập kiến thức tin học, ngoại ngữ cho người dân. Các đơn vị cũng lồng ghép các nội dung giáo dục chính trị, pháp luật tới các tầng lớp nhân dân.

Về phía Hội Khuyến học tỉnh đã làm tốt công tác liên kết, phối hợp với các tổ chức, các lực lượng xã hội tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài; đồng thời tuyên truyền, vận động các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang, doanh nghiệp và toàn dân thực hiện tốt trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc học tập và tham gia tích cực xây dựng xã hội học tập. Tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 154.483/ 764.450 gia đình học tập, 1.596/6.650 dòng họ học tập, 128/9.450 cộng đồng học tập.

Hội Khuyến học tỉnh trao phần thưởng cho học sinh đạt học sinh giỏi khu vực, quốc gia năm học 2016 - 2017. Ảnh: Mỹ Hà
Hội Khuyến học tỉnh trao phần thưởng cho học sinh đạt học sinh giỏi khu vực, quốc gia năm học 2016 - 2017. Ảnh: Mỹ Hà

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì việc xây dựng xã hội học tập ở Nghệ An vẫn còn những hạn chế. Nguyên nhân chính của các mặt còn yếu kém là nhận thức về ý nghĩa, tác dụng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền một số địa phương, một số sở, ban, ngành… chưa đúng mức; từ đó việc phân bổ nguồn lực cho các hoạt động này, đặc biệt cho việc xây dựng xã hội học tập chưa đáp ứng yêu cầu.

Cũng cần thấy rằng, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời là một khái niệm không còn mới, tuy nhiên nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tác dụng của nó đối với sự nghiệp CNH, HĐH, hội nhập quốc tế của quê hương, đất nước; cũng như cách tiếp cận nó, tổ chức triển khai nó trong điều kiện hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc tổ chức học tập cho người lớn, người trong độ tuổi lao động cho thiết thực và hiệu quả còn nhiều lúng túng.

Để việc xây dựng xã hội học tập được hiệu quả và tăng tính thiết thực hơn nữa, thì thời gian tới công tác phối hợp vẫn phải là nhiệm vụ then chốt hàng đầu. Bên cạnh đó, tăng cường công tác đầu tư nguồn lực từ Nhà nước và các nguồn đóng góp xã hội hóa. Việc đào tạo cũng sẽ hiệu quả hơn khi đào tạo đúng đối tượng, đúng địa chỉ, gắn đào tạo đúng với nhu cầu thực tế… Tăng cường xây dựng và phát triển các loại hình quỹ khuyến học, đảm bảo cơ sở tài chính khuyến khích các phong trào thi đua và động viên các em học sinh, sinh viên, người lao động, người lớn vượt qua khó khăn vươn lên học tập, rèn luyện tiến bộ.

Nhiều năm nay, Hội Khuyến học tỉnh đã đồng hành với Giải bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng Cúp Báo Nghệ An. Qua đó, mỗi một năm có hàng chục học sinh “học giỏi, đá bóng hay” được nhận học bổng của Quỹ Khuyến học tỉnh với tổng số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN