Bài văn điểm 10 Đại học gợi nhiều suy ngẫm về phương pháp giáo dục

19/06/2017 06:55

"Nhà trường - nơi cung cấp nhân tài cho xã hội nên loại bỏ những khuôn phép cố định, cách giảng dạy bảo thủ chung chung và nên áp dụng phương pháp giảng dạy, đánh giá khác nhau theo trình độ, đặc điểm, năng lực của mỗi học sinh.”

Một thí sinh lớp 12 tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) đã lấy hình ảnh Khổng Tử và phương pháp giáo dục của ông đưa vào bài thi đại học. Qua đó, em bày tỏ quan điểm và mong đợi về phương pháp giáo dục, giảng dạy của nhà trường đối với học sinh. Thí sinh này cho rằng, nhà trường - nơi cung cấp nhân tài cho xã hội nên loại bỏ những khuôn phép cố định, cách giảng dạy bảo thủ chung chung và nên áp dụng phương pháp giảng dạy, đánh giá khác nhau theo trình độ, đặc điểm, năng lực của mỗi học sinh.

Bài văn với tựa đề “Đối xử khác biệt mà không khác biệt” là bài số 3 đạt điểm 10 trong kỳ thi tuyển sinh đại học ở Trung Quốc năm 2016. Từ đề Văn nhìn hình ảnh rồi tự chọn chủ đề bày tỏ quan điểm, thí sinh lớp 12 đã có góc nhìn sắc sảo - không phải về điểm số, áp lực học tập mà về phương pháp giáo dục.

Đề thi nhìn hình tự chọn chủ đề làm văn tại Trung Quốc.
Đề thi nhìn hình tự chọn chủ đề làm văn tại Trung Quốc.

Bài làm:

Đối xử khác biệt mà không khác biệt…

Sự khác biệt giữa khen ngợi và trách mắng là ở chỗ nào? Đối với bạn thứ nhất mà nói, đó là cự ly tính bằng milimet giữa 100 điểm và 98 điểm. Đối với bạn thứ hai mà nói, là sự vượt qua khoảng cách giữa chưa đạt điểm trung bình và đã đạt điểm trung bình. Hiện tượng khác biệt này xem ra như không nghĩa lý gì cả nhưng suy ngẫm cho cùng thì lại ngộ ra cái hợp lý trong đó.

Như người ta thường nói, con người mới sinh ra đã có sự không công bằng, kể từ giây phút em bé lọt lòng cất tiếng khóc chào đời, thì mỗi sinh mệnh đều trở thành ngay một sinh mệnh độc lập, có ngay cái thứ gọi là giá trị tốt xấu của chính bản thân em bé đó. Con người sinh ra vốn đã như vậy rồi, thì làm sao có thể vạch một đường thẳng thống nhất như nhau, đặt ra những quy định mỏng manh để so đo đối với mỗi sinh mệnh tươi mới và độc lập được.

Cách đây ba ngàn năm, Khổng Tử đã đưa ra chủ trương “Nhân tài thi giáo” nghĩa là dựa vào trình độ đặc điểm khác nhau của mỗi học sinh mà áp dụng những phương pháp dạy khác nhau. Học trò của Khổng Tử đông đến ba ngàn người. Có người giàu tới mức như tỉ phú trong nước, có người chức vị cao ngang quan thần triều đình. Học trò đủ loại không một ai như ai, vậy mà Khổng Tử được người muôn đời sau ca ngợi tôn kính là nhà giáo dục vĩ đại.

Nguyên nhân căn bản là vì Khổng Tử có thể nắm bắt được chính xác đặc tính mạnh yếu tốt xấu của từng học sinh, lấy hơn bù kém, áp dụng phương pháp giáo dục theo đặc thù với từng học sinh. Nhờ sự đối xử khác biệt như vậy của Khổng Tử khiến mỗi học sinh của ông đều có thể phát huy đầy đủ sở trường của mình, mỗi người đều đạt tới kết quả học tập của họ.

Xã hội nên có những yêu cầu khác nhau với mỗi con người cũng như một cỗ máy đang vận hành không thể thiếu được tiếng động cơ chạy rầm rầm vừa không được coi nhẹ chiếc đinh ốc nhỏ nhỏ vô danh âm thầm lặng lẽ gắn trên cỗ máy đó.

Đối với bạn học sinh thứ hai trong bức hình, 90 điểm là số điểm quá cao rất có thể bạn đó không bao giờ vươn tới được, đạt điểm trung bình đã là hết năng lực của bạn ấy rồi. Nếu chúng ta đánh giá những con người khác nhau theo cùng tiêu chí thống nhất, thì trên thế gian này có biết bao các nhân tài kỳ dị khác thường bị mai một.

Xã hội của chúng ta cũng cần có sự đối xử khác biệt. Cũng như việc nghiên cứu phát minh con tàu vũ trụ cần có số liệu chính xác đến hơn 10 con số sau dấu thập phân. Thế nhưng khí thế hào phóng sôi nổi tự nhiên trong văn chương thơ họa chỉ đòi hỏi có đủ thần thái diện mạo miêu tả là được…

Mỗi ngành mỗi nghề, mỗi người mỗi vật đều có sở trường khác nhau nhưng đã thể hiện cùng thắng trong một khối cùng phát huy tài năng. Xét trên khía cạnh nói trên trường học chính là nơi có trách nhiệm gánh vác việc cung cấp nhân tài cho đất nước và xã hội, càng nên loại bỏ những khuôn phép cố định, nên từ bỏ quan điểm bảo thủ, cần phải cách tân đổi mới quan niệm, áp dụng những phương pháp giảng dạy khác nhau theo trình độ đặc điểm khác nhau của mỗi học sinh. Tựa như điêu khắc gọt dũa những học sinh thành những nhân tài độc đáo bằng những lưỡi dao khác nhau vậy để đào tạo nên những trụ cột đất nước có sở trường và tài năng khác nhau. Đối xử khác nhau bằng tấm lòng giống nhau của người thợ, chuẩn tắc khác nhau nhưng sự mong đợi giống nhau.

Tôi tin tưởng chắc chắn rằng mỗi con người đều có hương thơm độc đáo khác nhau của họ, mỗi tồn tại của sự vật đều mang ý nghĩa độc đáo khác nhau của nó. Riêng tôi thì mong cho mình có thể trở thành con người có tinh thần ngay thẳng hào phóng thể hiện được phong thái độc đáo của mình. Đối xử khác biệt mà không khác biệt.

Theo Dantri

TIN LIÊN QUAN