'Cò' máy gặt vẫn hoạt động ở huyện trọng điểm lúa Nghệ An

16/05/2017 11:55

(Baonghean.vn) - Dù một số HTX nông nghiệp trên địa bàn Yên Thành đã có hợp đồng với các chủ máy để phục vụ thu hoạch lúa cho bà con nông dân, nhưng thực chất vẫn phải qua 'cò máy gặt. Lãnh đạo huyện biết vấn đề, nhưng chưa chấm dứt được 'cò' bởi HTX chưa đủ năng lực.

Đến ngày 15/5 lúa xuân của Yên Thành đã cơ bản thu hoạch xong. Ảnh: Xuân Hoàng
Đến ngày 15/5 lúa xuân của Yên Thành đã cơ bản thu hoạch xong. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Nguyễn Khắc Đức - Chủ tịch UBND xã Hoa Thành cho biết: Trước khi bước vào vụ gặt, chính quyền xã làm việc với HTX nông nghiệp và các chủ máy thống nhất một số nội dung về quản lý máy gặt lúa. Theo đó, xã giao cho HTX nông nghiệp hợp đồng với các chủ máy có sự ràng buộc một cách cụ thể, đồng thời phối hợp với các xóm xác định diện tích lúa của từng gia đình, để chủ máy thuận lợi thu tiền.

Ông Đức cũng thừa nhận, để có đội máy gặt từ các tỉnh phía Bắc về phục vụ thu hoạch lúa cho bà con, HTX nông nghiệp phải hợp đồng với một số "cò" trong xã để đưa máy về, chứ HTX không đủ năng lực hợp đồng trực tiếp với các chủ máy.

Xã chỉ đạo HTX lập bản hợp đồng kinh tế giữa bên A là HTX và bên B là người đưa máy về. Để ràng buộc sự trách nhiệm của bên B, bên A thu 3 triệu đồng tiền cọc/máy và 1,5 triệu đồng/máy phí sửa chữa giao thông thủy lợi. Sau khi hoàn thành thu hoạch lúa cho bà con như đã thỏa thuận trong hợp đồng thì bên A trả lại số tiền cọc cho bên B. Vụ Xuân này Hoa Thành có 13 máy gặt hoạt động trên địa bàn xã.

Tuy nhiên, cũng có nhiều xã không thu khoản gì đối với chủ máy mà vẫn phục vụ chu đáo cho bà con nông dân. Ông Hoàng Danh Thọ - Chủ tịch UBND xã cho biết: Sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của UBND huyện về việc đảm bảo an ninh trong thu hoạch lúa vụ Xuân 2017, UBND xã giao cho HTX nông nghiệp đứng ra hợp đồng với các chủ máy gặt để phục vụ bà con.

Nhưng do HTX không đảm nhận được, nên xã thông báo đến người dân ai có khả năng đưa máy về thì đăng ký với xã để làm công tác tạm trú tạm vắng cho chủ máy hoạt động, chứ không thu bất kỳ khoản tiền nào của chủ máy. Trong quá trình thu hoạch lúa, các chủ máy đã chủ động thu hoạch lúa cho bà con đảm bảo về thời gian, với mức giá 160.000 đồng/sào và 180.000 đồng/sào ruộng sâu vừa phải. .

Bản hợp đồng kinh tế giữa bên A là HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoa Thành với bên B là người đưa máy về. Ảnh: Xuân Hoàng
Bản hợp đồng kinh tế giữa bên A là HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoa Thành với bên B là người đưa máy về. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Nguyễn Vương Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: Đầu vụ gặt, UBND huyện đã ra Văn bản số 460 của UBND huyện Yên Thành về việc đảm bảo an ninh trong thu hoạch lúa vụ xuân 2017 đã gửi cho các địa phương thực hiện.

Trong văn bản ghi rõ "đề nghị các HTX dịch vụ nông nghiệp, trên cơ sở diện tích, trà lúa của các xóm, tổ chức ký hợp đồng với các chủ máy theo địa điểm thu hoạch cụ thể, giá cả phù hợp, thu hoạch hết diện tích, không để tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các chủ máy với nhau, đảm bảo hiệu quả, đồng thuận cao trong nhân dân".

Huyện không chỉ đạo các HTX thu tiền của các chủ máy. Tuy nhiên các HTX hạch toán như thế nào cho hợp lý, có sự ràng buộc giữa chủ máy với địa phương. Trách nhiệm của HTX là phục vụ bà con xã viên, mục đích cuối cùng là giảm kinh phí cho người dân.

Theo ông Ngọc, huyện biết các địa phương đang phụ thuộc "cò" máy gặt, nhưng do năng lực của các HTX còn non yếu, chưa đủ năng lực để hợp đồng trực tiếp với chủ máy gặt, nên phải chấp nhận. Hiện nay phần lớn máy gặt trên địa bàn huyện Yên Thành chủ yếu đến từ các tỉnh phía Bắc. Với mục đích phục vụ bà con một cách có lợi nhất, các HTX nên có hợp đồng kinh tế một cách chặt chẽ, dần siết chặt sự quản lý máy gặt trong quá trình thu hoạch lúa, chứ hiện nay vẫn còn lộn xộn.

» Xã thu tiền máy gặt lúa ở Yên Thành: Có hay không việc 'bảo kê' ?

Xuân Hoàng

TIN LIÊN QUAN