Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công

31/05/2017 19:57

(Baonghean.vn) - Cử tri Nghệ An kiến nghị: Đối với dự án luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), Quốc hội cần nâng cao vai trò giám sát cộng đồng trong việc quản lý, sử dụng tài sản công, quy định trách nhiệm và có chế tài xử lý rõ ràng đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công ở cơ quan, đơn vị.

Vấn đề này (tại Công văn số /UBTCNS14) Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội trả lời như sau:

Luật quản lý, sử dụng tài sản công đã được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV và đang trong quá trình tiếp thu ý kiến của Đại biểu quốc hội, cử tri cả nước để hoàn thiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

Việc sửa đổi Luật hướng tới mục tiêu phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008. Đồng thời, cụ thể hóa phạm vi tài sản công theo Điều 53 Hiến pháp, quy định chế độ quản lý, sử dụng và xác định vai trò của Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đối với tài sản công.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An thực hiện chương trình giám sát ở xã Nga My, Tương Dương. Ảnh: Tư liệu
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An thực hiện chương trình giám sát ở xã Nga My, Tương Dương. Ảnh tư liệu

Tạo cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công; ngăn chặn lãng phí, tham nhũng; khai thác tài sản công hợp lý, hiệu quả gắn với việc huy động các nguồn lực của xã hội cùng Nhà nước đầu tư phát triển, khai thác tài sản công để tạo lập nguồn lực tài chính đóng góp có hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội...

Theo đó, nhiều nội dung liên quan đến việc kiểm tra, giám sát đã được dự thảo theo hướng quy định rõ ràng, cụ thể. Trong báo cáo thẩm tra trình Quốc hội, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị cần bổ sung quy định về giám sát của cộng đồng đối với tài sản công thông qua hoạt động giám sát của người dân và các cơ quan truyền thông đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công để tăng cường tính minh bạch, hiệu quả.

Đối với việc xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công, dự thảo Luật quy định các hành vi gây thiệt hại về tài sản công thì phải bồi hoàn cho Nhà nước. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công còn bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm giải trình và phải chịu trách nhiệm liên đới nếu để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; tùy theo mức độ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Tiếp thu ý kiến cử tri, Ủy ban Tài chính Ngân sách sẽ phối hợp với cơ quan soạn thảo rà soát các quy định trong Dự thảo luật làm rõ trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài sản công. Đồng thời sẽ chú trọng hơn nữa tới những quy định cụ thể hoạt động giám sát, nâng cao vai trò giám sát cộng đồng trong việc quản lý, sử dụng tài sản công.

Gia Huy

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN